Một trong những luận điệu được chúng rêu rao, nhắc đi nhắc lại: “Cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh khỏi”. Chúng còn cho rằng: “Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành được độc lập không? Giá mà chúng ta (nhân dân Việt Nam) có thể tìm con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập của nước nhà thì quý biết nhường nào!”.
Đây là sự xuyên tạc trắng trợn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Mục đích của những luận điệu này rất thâm độc nhằm hạ thấp ý nghĩa, giá trị lịch sử, thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; từ đó, đi hến hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Vậy, sự thật lịch sử là gì? Vì sao nhân dân Việt Nam không thể tìm một con đường khác ít đổ máu để giành độc lập mà phải đứng lên đánh Mỹ và chính quyền tay sai?
Những toan tính và âm mưu của Mỹ tại Việt Nam
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành cường quốc số một về kinh tế và quân sự. Với tiềm năng to lớn của mình, là quốc gia duy nhất có vũ khí hạt nhân năm 1945, đế quốc Mỹ tìm mọi cách thực hiện mục tiêu làm bá chủ thế giới, đóng vai trò sen đầm quốc tế. Từ năm 1947, Mỹ thi hành “chiến lược ngăn chặn” với mục tiêu chặn đứng “sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản”, “bao vây Liên Xô”, chống lại phong trào giải phóng dân tộc.
Sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Việt Nam trở thành tiêu điểm của phong trào giải phóng dân tộc. Tiếp đó, trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ và hi sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thắng lợi ấy đã tác động trực tiếp đến cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, điều đó làm cho đế quốc Mỹ rất lo sợ.
Hơn nữa, Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung là mảnh đất màu mỡ, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tin tức Mỹ và thế giới, ngày 28 -1-1949, viết: “Việt Nam, Campuchia và Lào rất giàu nguyên liệu chiến lược cần thiết cho kỹ nghệ chiến tranh, nhất là thiếc, ăngtimoan, tungxteng, là những loại kim khí mà Mỹ rất thiếu”. Thời báo New York, năm 1950 viết: “Đông Dương đáng được chú ý đặc biệt,… Người ta thấy ở phía Bắc có thiếc, vonphram, kẽm, mănggan, than đá, gỗ, gạo; ở phía Nam có cao su, gạo chè, hồ tiêu,…”. Vì vậy, từ đầu năm 1950, Mỹ đã thấy “Đông Dương là phần thưởng đặt cho một trò chơi lớn”.
Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh tư liệu.
Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng còn có vị trí chiến lược nằm ở ngã ba đường giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và từ lục địa Châu Á xuống phía Nam. Vùng biển có những đảo và hải cảng không những thuận tiện giao thông, mà còn có khả năng khống chế cả một vùng rộng lớn. Ngoại trưởng Mỹ Đalét, trong cuộc họp báo ngày 9-3-1954, đã nêu rõ: “Giá trị chiến lược (của Đông Dương) rất lớn. Đông Dương có những căn cứ hải quân và không quân vào bậc nhất”.
Từ những cứ liệu và phân tích trên đây đã nói lên tham vọng của Mỹ, đồng thời góp phần lý giải nguồn gốc sâu xa và trực tiếp các bước can thiệp ngày càng sâu của Mỹ vào Việt Nam.
Việt Nam có thể lựa chọn con đường khác để giành độc lập?
Ngay từ giữa những năm 40 của thế kỷ XX, đế quốc Mỹ đã có những toan tính và dính líu vào Việt Nam. Trong thư đề ngày 24-01-1944, gửi ngoại trưởng Mỹ Coóđan Hunlơ, Tổng thống Mỹ Rudơven nêu rõ “Không trao trả Đông Dương cho Pháp mà nó phải đặt dưới sự thác quản quốc tế”, về thực chất là muốn giữ bán đảo này trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Tại Hội nghị Yanta (tháng 2- 1945), Mỹ đề nghị thành lập Hội đồng quản trị Đông Dương. Vì lợi ích chiến lược toàn cầu “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản”, Mỹ đã buộc phải ủng hộ Pháp tái chiếm Đông Dương, nhằm cố gắng tranh thủ Pháp, lôi kéo Pháp và Anh lập mặt trận bao vây Liên Xô ở Châu Âu, cũng như giúp Tưởng Giới Thạch đối phó với phong trào cách mạng Trung Quốc. Tháng 5 - 1950, Tổng thống Mỹ Tơruman chính thức chuẩn y viện trợ cho Pháp 10 triệu đôla mở màn cho sự can thiệp trực tiếp của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Từ cuối năm 1950 đến cuối năm 1951, bằng việc ký các Hiệp định tay đôi với Pháp ở Đông Dương như “Hiệp nghị phòng thủ chung Đông Dương”, “Kế hoạch hợp tác kinh tế”, “Kế hoạch an ninh chung”, Mỹ đã từng bước can thiệp vào Việt Nam. Từ sau khi các Hiệp định viện trợ quân sự, an ninh, kinh tế được ký kết, viện trợ của Mỹ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong ngân sách của Pháp ở Đông Dương. “Năm 1951, viện trợ Mỹ chiếm 19% ngân sách chiến tranh, năm 1952 chiếm 35%, năm 1953 chiếm 43%, năm 1954 chiếm 73%”.
Trong Hội nghị Giơnevơ, đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách phá hoại việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Không phá được Hội nghị, Mỹ tổ chức khối quân sự Đông Nam Á (SEATO), nhảy vào miền Nam Việt Nam thẳng tay hất cẳng Pháp, trực tiếp xâm lược nước ta.
Thực hiện chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, mưu đồ của đế quốc Mỹ là tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á...
Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất với 222 tháng, ác liệt nhất từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong hơn hai thập kỷ tiến hành chiến tranh xâm lược (1954-1975), đế quốc Mỹ đã triển khai ở Việt Nam 4 chiến lược chiến tranh, đó là “Chiến tranh điển hình của chủ nghĩa thực dân mới”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh Cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”, do 5 đời tổng thống kế tiếp nhau quyết tâm thực hiện. Để thực hiện được mưu đồ của mình, đế quốc Mỹ đã đưa vào nước ta khoảng 550.000 quân Mỹ và 72.600 quân đồng minh (Nam Triều Tiên: 50.000, Thái Lan: 13.000, Ốtxtrâylia: 7.000; Philíppin: 2.000, Niu Dilân: 600) làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân đội tay sai Sài Gòn.
Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng ngày 8.3.1965. Ảnh bìa tạp chí Life.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thực hiện khát vọng, tình cảm thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam. Do đó, trước hành động xâm lược của Mỹ, nhân dân Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác, phải đối đầu với Mỹ, tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sự thật lịch sử này là những bằng chứng hùng hồn phủ nhận sự rêu rao của các thế lực thù địch, cơ hội khi cho rằng “Cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh khỏi” và “Đảng, Bác Hồ muốn đưa nhân dân ta vào cuộc chiến tranh “đổ máu hy sinh vô ích”.
Trong cuộc đụng đầu không cân sức với đế quốc Mỹ - một cường quốc kinh tế và quân sự hiện đại và lớn nhất thế giới, tuy phải trải qua quá trình chiến đấu lâu dài và hết sức gian khổ, “phải hy sinh nhiều của, nhiều người”, cuối cùng dân tộc ta đã giành được chiến thắng, thực hiện trọn vẹn mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc vẻ vang quá trình 30 chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ sau Cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, thống nhất và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Sông Hàn