Mục tiêu tấn công chủ yếu của các luận điệu “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” hướng vào vai trò lãnh đạo của Đảng với lực lượng vũ trang, với các luận điệu sau đây:
Thứ nhất, đối lập tính chất chính trị với tính Đảng của lực lượng vũ trang Việt Nam. Một số đối tượng thừa nhận đề nghị “phi chính trị hóa quân đội” là không phù hợp vì hơn hết lực lượng vũ trang phải thấu triệt về chính trị, nhưng đó phải là chính trị để chiến đấu vì “chính nghĩa” để “bảo bọc giống nòi và giữ gìn tổ quốc”, “không cần phân biệt chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản, không cần chính trị, chỉ cần tiền, cần vũ khí, do đó bỏ Đảng cũng được vì quân đội không thuộc một thể chế chính trị, đảng phái nào”. Từ đó, họ suy diễn rằng các nhà lý luận của ta đang “cố tình gây sự nhầm lẫn giữa quân đội của quốc gia với quân đội của tổ chức chính trị hoặc phong trào chính trị để che giấu đi nguyên nhân ẩn sâu bên trong”; khi lực lượng vũ trang không mang tính Nhà nước mà chỉ là lực lượng vũ trang của Đảng thì nhiệm vụ của lực lượng vũ trang chỉ phục vụ “một bộ phận người có khuynh hướng chính trị giống nhau”, “sử dụng chúng để áp đặt và duy trì quyền lực, tạo ra cuộc chơi bất bình đẳng trên chính trường”. Thông qua những luận điệu trên, các đối tượng hướng đến tách rời đường lối chính trị của lực lượng vũ trang khỏi đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với lực lượng vũ trang.
Thứ hai, phủ nhận vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam với lực lượng vũ trang. Các luận điệu nổi bật của các thế lực thù địch, phản động là: lực lượng vũ trang do nhà nước nuôi dưỡng để bảo vệ Nhà nước, bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc gia nên chỉ phục tùng nhà nước và nhân dân; Đảng Cộng sản đã hoàn thành vai trò lịch sử là giành chính quyền, nay nên nhường lại vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội (trong đó có lãnh đạo lực lượng vũ trang) cho nhân dân. Họ đòi bỏ nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang” nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); đòi bỏ quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” nêu tại Điều 65 Hiến pháp năm 2013; đòi bỏ xóa bỏ công tác đảng, công tác chính trị, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị (chế độ chính ủy, chính trị viên) trong Quân đội nhân dân, bỏ công tác Đảng, công tác chính trị trong Công an nhân dân – yếu tố riêng có của lực lượng vũ trang xã hội chủ nghĩa. Một số đối tượng so sánh thực tiễn Việt Nam với các nước, cho rằng ở các nước tư bản, quân đội và cảnh sát không có cơ quan chính trị nhưng “vẫn hùng mạnh và nhà nghề”, từ đó suy diễn rằng cơ quan chính trị trong lực lượng vũ trang là không hiệu quả, lãng phí tiền thuế của nhân dân; việc bị “cột chặt” vào sự lãnh đạo của Đảng khiến lực lượng vũ trang bị suy yếu, không theo kịp xu hướng “hiện đại hóa” của quân đội thế giới.
Thứ ba, tuyệt đối hóa tính giai cấp, tính Đảng để tách rời thuộc tính này với tính nhân dân, tính dân tộc của lực lượng vũ trang. Họ xuyên tạc cho rằng mặc dù mang tên là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân nhưng lực lượng vũ trang Việt Nam “không được lãnh đạo bởi người dân qua một chính quyền dân sự được dân cử chân chính” mà bị Đảng trực tiếp chi phối, chỉ huy nhằm “phục vụ những mục tiêu chính trị của đảng”./.
Quang Minh