Trong thời gian qua, các thế lực thù địch ra sức tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng với những âm mưu ngày càng thâm độc, những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một trong những đối tượng mà chúng hướng đến nhiều nhất là lực lượng thanh niên. Do đó, nhận diện và đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với đội ngũ thanh niên là vấn đề cần được đặc biệt chú trọng trong giai đoạn hiện nay.
Tại sao các thế lực thù địch lại chọn thanh niên là đối tượng chủ yếu để tấn công?
Ở Việt Nam, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm khoảng 30% dân số. Đây là lực lượng dân cư có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế - xã hội.
Thanh niên Việt Nam nhìn chung có tinh thần nhiệt tình cách mạng, hăng hái, tiên phong, ham học hỏi, có óc sáng tạo, khi được dìu dắt, tập hợp dễ kết thành một khối thống nhất, đoàn kết. Tuy nhiên, do có những hạn chế nhất định về trình độ, kinh nghiệm sống nên thanh niên Việt Nam cũng dễ bị lôi kéo, kích động, dễ có có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã đầu đời. Những đặc điểm đó chính là cơ hội để các thế lực thù địch “để mắt” đến thanh niên.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng vai trò và huy động sức mạnh của thanh niên, coi thanh niên là “chủ nhân tương lai của đất nước”, “là mùa xuân của dân tộc”… Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặt nhiều kỳ vọng vào lực lượng thanh niên, luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện cho thanh niên với phương châm: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”.
Cũng chính vì thế, các thế lực thù địch lựa chọn thanh niên làm đối tượng chủ yếu để tấn công là nhằm phá hoại tương lai của dân tộc, phá hoại niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Nhân dân dành cho thế hệ tương lai của nước nhà. Đây cũng là một âm mưu thâm độc mà các thế lực thù địch đã từng tấn công vào thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa trước kia nhằm “phá hủy lực lượng cộng sản tiềm năng không thể coi thường ở các nước xã hội chủ nghĩa”[1].
Các thế lực thù địch đã sử dụng những thủ đoạn nào để tấn công vào thanh niên?
Nếu như đối với các nước xã hội chủ nghĩa trước kia, các thế lực thù địch lợi dụng các hình thức truyền thống như tuyên truyền “rỉ tai” với mục đích “mưa dầm thấm lâu” bằng tờ rơi, báo chí, hệ thống phát thanh…, thì ngày nay, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để tấn công vào thanh niên.
Nhận thấy, thanh niên là lực lượng chủ yếu sử dụng internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã ra sức đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, clip… trên các kênh Youtube, mạng xã hội để đưa các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống. Những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên hướng đến thanh niên là:
Thứ nhất, lấy sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu làm cái cớ để xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhằm làm lung lạc tinh thần, lay chuyển ý chí của thanh niên; khiến cho thanh niên hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; từ đó phai nhạt lý tưởng, mất mục tiêu phấn đấu.
Thứ hai, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các thế lực thù địch cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tuy đã có những thành công trong việc lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, song hiện tại đã mất đi vai trò lãnh đạo của mình bởi lẽ việc lựa chọn mục tiêu phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là một sự “kéo lùi lịch sử”; “tránh chỗ sáng tìm chỗ tối”, “không tuân theo quy luật khách quan”… Sự phủ nhận trắng trợn đó nhằm làm phai nhạt lý tưởng của thanh niên, phai nhạt lòng trung thành của thanh niên đối với Đảng và không còn mục tiêu phấn đấu để gia nhập hàng ngũ của Đảng.
Thứ ba, “bôi nhọ”, “hạ bệ” các đồng chí lãnh đạo của Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Các thế lực thù địch đã lợi dụng những hạn chế, thiếu sót, tha hóa của một số cán bộ lãnh đạo để quy chụp công tác cán bộ của Đảng. Chúng còn cho rằng việc Đảng ta đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chỉ là “che mắt thế gian”, “giật gấu vá vai”… Điều đó nhằm làm cho thanh niên mất niềm tin vào Đảng, vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, từ đó hoài nghi, dao động về lập trường tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ tư, thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản hiện đại, tuyên truyền, cổ xúy lối sống phương Tây với những biểu hiện thực dụng, coi trọng các giá trị vật chất, lối sống cá nhân, vị kỷ…, nhằm làm cho thanh niên dễ bị lôi kéo, mua chuộc, dễ lãng quên những giá trị truyền thống tốt đẹp, có biểu hiện sính ngoại, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà đánh đổi lợi ích của tập thể, của dân tộc…
Thực tế cho thấy, những thủ đoạn thâm độc, tinh vi của các thế lực thù địch đã ảnh hướng không nhỏ đến một bộ phận thanh niên, nhất là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, còn hạn chế về trình độ nhận thức, về truyền thông… Có không ít thanh niên có biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, bị các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc… Điều này thực sự gây nguy hại cho tương lai của nước nhà.
Đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với thanh niên
Để đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với thanh niên, trước hết cần phải tập trung thực hiện những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, cần đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng cho thanh niên, tích cực tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên vững về tư tưởng, mạnh về bản lĩnh, giúp cho thanh niên nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Thứ hai, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đặt niềm tin vào thanh niên, tin tưởng thanh niên, sẵn sàng giao niệm vụ cho thanh niên để thanh niên có điều kiện được khẳng định và phát triển bản thân. Chú trọng đến việc hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp, nhất là thanh niên ở những vùng có điều kiện khó khăn để thanh niên ngày càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; càng thêm có ý chí phấn đấu, tinh thần cống hiến, xung kích vì sự phát triển của địa phương và của đất nước.
Thứ ba, tổ chức đoàn các cấp mạnh dạn đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục thanh niên. Với vai trò là “trường học xã hội của thanh niên”, các tổ chức đoàn cần triệt để sử dụng những ưu thế của truyền thông, internet, mạng xã hội để tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội cho thanh niên, chủ động đi trước một bước trong việc cung cấp các thông tin chính thống cho thanh niên, tránh để các thế lực gây nhiễu loạn thông tin bằng các tin đồn nhảm, tin xấu độc trong những sự kiện quan trọng của đất nước.
Thứ tư, bản thân mỗi thanh niên cần có ý thức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tích cực cập nhật những kỹ năng nhận diện và đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mạng xã hội và các kênh truyền thông khác; luôn có ý thức phòng ngừa, tỉnh táo, bản lĩnh trước các thông tin xấu độc, trước những thủ đoạn lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch; có hiểu biết và có trách nhiệm khi tương tác trên mạng xã hội; chủ động chia sẻ các tin tốt, tin hay với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Nhận diện và đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với thanh niên là một cách thức hữu hiệu để giúp cho thanh niên Việt Nam từng bước trưởng thành và phát triển, tránh được sự mua chuộc, lôi kéo của các thế lực thù địch; làm cho thanh niên thực sự trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, là rường cột của nước nhà đúng như kỳ vọng của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[1]Tống Thế Gia, “Vì sao Liên Xô sụp đổ”, Báo Thời nay, số 2, ngày 07/01/2010.
Chiên Lê