Những thông điệp giá trị
Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”.
Bàn về tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng khẳng định: “Thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, đòi hỏi phải xây dựng, tạo lập được nguồn cung lao động hiện đại với nhân lực chất lượng cao”.
Thành viên Hội đồng quản trị Mitani Sangyo Co., Ltd Miura Shuhei cho rằng, nhân lực chất lượng cao cần được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao, nhưng đồng thời, cần được bồi dưỡng về nhân cách, khả năng lãnh đạo, tổ chức làm việc nhóm, được trao tư duy quản lý, tự chủ và nhất là khả năng thích ứng với sự thay đổi chóng mặt của bối cảnh kinh tế.
Ở góc độ khác, Giám đốc Ngân hàng Mizuho - Chi nhánh Hà Nội Matsunami Keita lại đề cao nhân lực có tính sáng tạo khi nhấn mạnh: “Khẩu hiệu tuyển dụng ở ngân hàng chúng tôi là “Tôi muốn gặp những người không giống Mizuho chúng tôi”. Nói cách khác, chiến lược nhân sự mới đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi muốn tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, hấp dẫn, mở rộng cơ hội thử thách cho nhân viên. Chúng tôi cần nhân lực tự chủ, kỷ luật, chấp nhận thử thách để thiết kế và xây dựng sự nghiệp cho mình, thấm nhuần tư tưởng học hành và phát triển suốt đời”. Còn Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki một mặt khẳng định “sức mạnh phát triển của doanh nghiệp nằm ở yếu tố con người”, mặt khác, đề cao nhân lực có tinh thần khởi nghiệp, với thông điệp: “Hãy học hỏi và chủ động thay đổi. Hãy nắm bắt cơ hội”.
Tăng cường hợp tác
Một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phải đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Tiến sĩ Juergen Hartwig, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), cần đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở đào tạo nhân lực, đa dạng hóa các hình thức liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường, trong quá trình phát triển của mình, trường đã áp dụng nhiều mô hình đào tạo trên thế giới, như của Anh, Australia, Đức. Đối với đào tạo và cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước, từ năm 2015, nhà trường đã hợp tác với các tập đoàn nước ngoài để đào tạo, triển khai theo mô hình đào tạo kép 100% là của Đức và để các doanh nghiệp này chuẩn hóa đội ngũ lao động của họ. Hiện tại, Lilama 2 đang phát triển lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử và đã đào tạo được 200 kỹ thuật viên để cung cấp cho các tập đoàn. Mô hình này được rất nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia phối hợp với nhà trường, cử những cán bộ để phối hợp, tổ chức đào tạo. Về hỗ trợ kỹ thuật, Trường Lilama 2 đã được các tổ chức quốc tế đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên và doanh nghiệp chuyển giao chương trình. Trường cũng đang nhân rộng mô hình đào tạo phối hợp với doanh nghiệp đến 11 trường khác.
Việt Nam hiện nay là nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 trong khu atrưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam chính là “chìa khóa” phát triển bền vững. Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật Furuta Motoo chia sẻ: “Không chỉ góp phần đào tạo nhân tài có năng lực thực chiến, có tinh thần thay đổi linh hoạt, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hiện nay, chúng tôi tiếp tục huy động sự đầu tư, “đặt hàng” của các doanh nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, theo đuổi chiến lược bồi dưỡng nhân tài người Việt, đủ năng lực làm việc toàn cầu”.