Để tưởng nhớ hàng trăm trẻ em vô tội đã bị phát xít Đức sát hại trong cuộc bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc) năm 1942 và thị trấn Ô-ra-đua (Pháp) năm 1944, năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm “Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi” để đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời, yêu cầu chính phủ tất cả các nước đặt ra pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo cuộc sống và hạnh phúc cho trẻ em. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi trên toàn thế giới.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Đây là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em. Các quốc gia phê chuẩn Công ước này chịu ràng buộc của các quy định Công ước này theo luật quốc tế. Cơ quan giám sát thi hành Công ước này là Ủy ban quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc bao gồm các thành viên từ các quốc gia trên khắp thế giới.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn Công ước này vào luật quốc tế trong một nghị quyết tư vấn vào ngày 20/11/1989. Theo quy định, tất cả các quốc gia trên thế giới là thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phê chuẩn Công ước này. Tuy vậy, thời điểm đó không phải mọi quốc gia đều phê chuẩn Công ước vì nhiều lý do khác nhau. Công ước này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/9/1990 sau khi đã được số quốc gia phê chuẩn theo quy định.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em. Ảnh: Internet
Thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, bảo đảm các quyền của trẻ em được thực hiện trên mọi phương diện pháp luật, chính sách và thực tiễn. Trong 31 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho mọi trẻ em; bảo vệ và hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; từng bước thúc đẩy thực hiện quyền được tham gia của trẻ em.
Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em. Điều 37 Hiếp pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định đầy đủ, cụ thể về về quyền, bổn phận của trẻ em, nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em..... Việt Nam cũng đạt được những bước tiến quan trọng trong việc thực hiện quyền trẻ em bao gồm thông qua các luật và tham gia phê chuẩn nhiều công ước để thực hiện quyền trẻ em.
Hàng năm, Việt Nam đều tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 ở nhiều quy mô khác nhau với nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện trách nhiệm của xã hội đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vì sự phát triển và bình đẳng cho trẻ em, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển của đất nước. Đến nay, hầu hết các trẻ em đều được đến trường và được chăm sóc sức khỏe. Bảo hiểm y tế và tỷ lệ tiêm chủng được thực hiện tốt đã giúp việc chăm sóc tốt hơn cho trẻ em.
Với những tiến bộ trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói riêng, thực hiện quyền con người nói chung. Việt Nam đã góp phần vào phát triển con người của thế giới đương đại. Điều này bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền Việt Nam và phủ nhận những thành tựu mà Việt Nam đạt được về chăm sóc, bảo vệ trẻ em./.
Quang Đặng