Phát triển kinh tế không chỉ đơn thuần là tăng trưởng về số lượng một cách cơ học về thu nhập, chi tiêu, tiêu dùng mà, thông qua đó, còn cần phải tái cơ cấu phân phối nhằm nâng cao mức độ phúc lợi cho mọi thành viên trong xã hội. Hệ thống chính sách xã hội tựa như “tấm lưới an toàn” cho mọi thành viên trong xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển. Thế nhưng, nhận thức đúng, đầy đủ và triển khai, quán triệt tinh thần “đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển” không phải lúc nào, cán bộ nào, địa phương nào cũng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
(Nguồn:https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/dam-bao-an-sinh-xa-hoi-trong-tinh-hinh-moi.html)
Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (Nghị quyết) đã nhấn mạnh “Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển”. Thế nhưng, trên thực tế không phải ai cũng “thấm nhuần” quan điểm này, thậm chí “Nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của chính sách xã hội chưa đầy đủ, toàn diện; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện” nhận định của Nghị quyết. Vì sao vậy?
Thực tiễn cho thấy, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý đôi khi có cái nhìn thiển cận, thiếu tính hệ thống, thiếu lăng kính bền vững, lăng kính lịch sử, khi cho rằng, phát triển kinh tế và tăng trưởng kinh tế là hai khái niệm có nội hàm chồng khít lên nhau, từ cách tiếp cận này dẫn đến nhiều lúc, nhiều nơi chỉ “lo thúc đẩy” sự tăng trưởng về kinh tế mà “xem nhẹ” những khía cạnh về văn hóa, môi trường, xã hội, nhân khẩu, an toàn, an sinh, phúc lợi. Chính cách nhìn nhận này khiến cho chúng ta, nhiều khi “bỏ rơi” chính sách an sinh xã hội khi tái cơ cấu nền kinh tế. Lại có quan điểm lệch lạc cho rằng, chính sách kinh tế là “làm ra tiền” còn chính sách xã hội là “tiêu tiền” mà không thấy được mối tương quan, liên hệ biện chứng giữa chúng.
Cần khẳng định rằng, tăng trưởng kinh tế không phải là mục đích cuối cùng, mà mục đích cuối cùng là chất lượng sống của con người và các thành viên trong chính xã hội đó đều phải được thụ hưởng những điều kiện tối thiểu cần thiết để vươn lên, không ai bỏ lại phía sau. Muốn như vậy cần phải có sự phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và nhân khẩu. Nói khác đi, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế phải cần một “cột chống” của an sinh xã hội. Bởi có kiện toàn chế độ an sinh xã hội, bảo đảm xã hội[1] mới là điều kiện trọng yếu để bảo đảm cho quá trình tái sản xuất sức lao động, quá trình tiêu dùng; là điều kiện để điều chỉnh kết cấu kinh tế, khống chế sự gia tăng dân số quá mức, giảm áp lực dân số, xúc tiến sự công bằng xã hội, từ đó xúc tiến phát triển kinh tế. Chính lẽ đó, an sinh xã hội và phát triển kinh tế là hai mặt của cùng một vấn đề, có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết mật thiết nhau, mặt này thúc đẩy và hỗ trợ cho mặt kia và không thể tách rời nhau. Bởi xét đến cùng con người là mục tiêu, là động lực của sự phát triển; tăng trưởng kinh tế xét đến cùng là phải “nâng cao chất lượng sống” của con người, cộng đồng.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đã khẳng định: “Nhận thức đầy đủ và đảm bảo định hướng chủ nghĩa xã hội trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai toàn diện, đồng bộ các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường”[2]. Định hướng này đã phản ánh sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với nhiệm vụ giải quyết các vấn đề xã hội, từng bước đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thông qua sự kết hợp đúng đắn và hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội để thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đảm bảo xã hội. Để thực hiện tốt phương châm: “Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm...”[3], quan điểm của Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội”[4]. Thế nhưng, việc nhận thức “đúng và trúng” về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội; chính sách kinh tế với chính sách xã hội; giữa giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế với vấn đề xã hội,… không phải bao giờ cũng dễ dàng, thậm chí có lúc bị đánh đồng, thậm chí “cố tình đánh đồng” vì những mục đích khác nhau[5].
Thật vậy, thực tiễn cho thấy, đến thời điểm hiện tại vẫn tồn tại quan điểm cho rằng, an sinh xã hội chỉ có một chức năng như là mạng lưới an toàn xã hội, là công cụ để ổn định xã hội và nó tiếp nhận một cách bị động sự khống chế của trình độ phát triển kinh tế. Cần phải hiểu rằng, chính sách an sinh xã hội không chỉ đơn thuần là chính sách xã hội (Social Policy) mà còn là chính sách kinh tế (Economic Policy): nó không chỉ có chức năng như là một công cụ để ổn định xã hội hay mạng lưới an toàn xã hội mà nó còn có vai trò như là một chất xúc tác, lực gia tốc cho phát triển kinh tế; nó không chỉ chịu sự khống chế từ trình độ phát triển kinh tế mà nó còn là yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính lẽ đó, nghiên cứu vấn đề về an sinh xã hội không chỉ dựa vào một vài ý tưởng, lý luận, luận điệu thiếu cơ sở khoa học mà cần phải nhìn nó qua lăng kính và cách tiếp cận của kinh tế học phát triển, xã hội học kinh tế, khoa học về an sinh xã hội, để từ đó mới có thể “nhìn thấy” được mối quan hệ nội tại giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Có như thế việc kiến lập và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội mới là điều kiện để xúc tiến phát triển bền vững kinh tế, và chỉ như thế, đối tượng của an sinh xã hội mới có thể chia sẻ lợi ích từ phát triển kinh tế mang lại, chính sách an sinh xã hội mới có tiền đề và cơ sở để ổn định và phát triển. Nói cách khác, đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển và phát triển xã hội là điều kiện, tiền đề để hiện thực hóa các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm xã hội, an ninh con người, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững./.
[1] Khái niệm An sinh xã hội (Social Security) có học giả rằng có nội hàm giống với nội hàm của khái niệm bảo đảm xã hội. Theo chúng tôi, điều này chưa hẳn là chính xác.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.202.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.149
[4] Tham kiến: Hội đồng lý luận Trung ương, Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/gan-ket-chat-che-chinh-sach-kinh-te-voi-chinh-sach-xa-hoi-trong-qua-trinh-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia.html
[5] Không ít luận điệu xuyên tạc, phản động “nhắm đến” lĩnh vực an sinh xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của chúng ta nhằm “bóp méo”, xóa nhòa các thành quả trong phát triển kinh tế với thực hiện an sinh xã hội nhằm hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo Đảng. Không ít quan điểm cố tình “tách rời” mối quan hệ giữa trình độ phát triển kinh tế với mức độ, quy mô, đối tượng thụ hưởng thực hiện an sinh xã hội.
Phạm Đi