Khác với các cấu trúc chính trị ở nhiều nước vốn luôn nhấn mạnh vai trò nổi bật của cá nhân các nhà lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời, nhất là từ khi trở thành Đảng cầm quyền luôn vận dụng mô hình “tập thể lãnh đạo”. Cụ thể, Điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (sửa đổi) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) khẳng định: “lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”[1]. Điều 8 Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng quy định các cơ quan Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, và “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”[2]. Như vậy, “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là một đặc điểm then chốt, là nguyên lý nền tảng cho sự vận hành của toàn bộ cấu trúc quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay.
Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, mô hình lãnh đạo tập thể hay “tập thể lãnh đạo” có nghĩa là chủ thể thực hiện vai trò lãnh đạo ở mọi cấp độ trong cả hệ thống chính trị là một tập thể (Ban lãnh đạo), chứ không phải cá nhân. Hoạt động lãnh đạo là hoạt động mang tính tập thể, các quyết định lãnh đạo đề cao sự đồng thuận của số đông, trí tuệ, ý chí và trách nhiệm tập thể. Cụ thể, Điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (2011) quy định: “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ)”[3]. Các tập thể ban lãnh đạo được bầu lên tại đại hội Đảng các cấp, với nhiệm kỳ 5 năm.
“Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là nguyên tắc nền tảng cho cả hệ thống chính trị ở nước ta cho nên mô hình tập thể lãnh đạo cũng được vận dụng cho hệ thống cơ quan Nhà nước. Theo đó, ở cấp Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua các thiết chế: “Đảng đoàn Quốc hội” (đối với Quốc hội) và “Ban cán sự Đảng chính phủ” (đối với Chính phủ). Mô hình tương tự với chính quyền cấp tỉnh là “Đảng đoàn Hội đồng nhân dân” (đối với Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương) và “Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân” (đối với khối cơ quan Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương).
Phổ biến hơn, hoạt động lãnh đạo thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị cụ thể được thực hiện bởi “Cấp ủy” - một thiết chế chính trị được tổ chức gắn liền với mỗi đơn vị hành chính, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang, hoặc đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Điều 10 và 11, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), “cấp ủy” là cách nói ngắn gọn, đề cập đến một thiết chế chính trị đảm nhiệm vai trò và chức năng lãnh đạo đơn vị giữa hai kỳ đại hội Đảng. Tùy thuộc vào quy mô tổ chức, lĩnh vực hoạt động, hay cấp bậc trong hệ thống chính trị mà “Cấp ủy” được gọi là “Chi ủy”, “Đảng ủy”, “Ban cán sự Đảng”, “Quân ủy”, “Huyện ủy”, hay “Tỉnh ủy”… Thành viên cấp ủy do đại hội Đảng các cấp bầu ra, nhiệm kỳ 5 năm.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: Internet.
Theo Khoản 5, Điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ chế ban hành quyết định lãnh đạo đề cao sự đồng thuận tập thể. Có nghĩa là, bất cứ quyết định lãnh đạo nào cũng đều là quyết định của tập thể, chẳng hạn như: tập thể Ban Chấp hành Trung ương, tập thể Ban Bí thư, tập thể Bộ Chính trị, tập thể Ban Cán sự Đảng, tập thể Chi bộ hay tập thể Cấp ủy. Nguyên tắc mỗi người một phiếu trước mỗi tình huống ra quyết định, về lý thuyết, bảo đảm cho các thành viên Ban lãnh đạo đều có vai trò ngang nhau. Để hiện thực hóa yêu cầu về sự đồng thuận của ý chí tập thể, việc ban hành quyết định lãnh đạo phải tuân thủ nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Có nghĩa là, mỗi thành viên Ban lãnh đạo đều được phép nêu ý kiến và thảo luận trước mỗi tình huống ra quyết định nhưng quyết định lãnh đạo cuối cùng (điển hình là “Nghị quyết”) sẽ chỉ được thông qua khi đạt trên 50% số phiếu tán thành. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” cũng yêu cầu cá nhân phải phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, đảng viên và tổ chức Đảng phải chấp hành Nghị quyết, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Sau khi quyết định lãnh đạo đã được ban hành, cá nhân hoặc nhóm thiểu số không đồng tình với quyết định đó vẫn có thể bảo lưu quan điểm và báo cáo lên cơ quan lãnh đạo cấp trên. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi ý kiến phản hồi, họ phải chấp hành ý chí tập thể đã đạt được sự đồng thuận của đa số thành viên ban lãnh đạo.
Hoạt động lãnh đạo có thể diễn ra trên nhiều phương diện, điển hình như lãnh đạo về tư tưởng, công tác chuyên môn, phát triển cán bộ, hay bảo đảm kỷ luật tổ chức. Ba công cụ then chốt được sử dụng trong hoạt động lãnh đạo bao gồm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, và phổ biến nhất là các Nghị quyết. Nếu “Cương lĩnh chính trị” là văn bản tuyên bố những tư tưởng nền tảng, quan điểm, chủ trương, các mục tiêu, cũng như sứ mệnh lãnh đạo chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam hướng tới, thì “Điều lệ Đảng” chính là văn bản thể chế hóa các nội dung nêu trên. Nói cách khác, nếu “Cương lĩnh chính trị” là phương tiện nhận thức và tư tưởng thì “Điều lệ Đảng” là phương tiện thể chế nhằm phục vụ hoạt động của các tập thể ban lãnh đạo. Trong khi đó, Nghị quyết là văn bản trình bày quan điểm, chủ trương chính trị, và định hướng chính sách nhằm thực hiện vai trò lãnh đạo gắn với từng bối cảnh thời gian, không gian, và các vấn đề cụ thể. Mọi đảng viên cũng như các tập thể ban lãnh đạo được yêu cầu phải tuyệt đối chấp hành, phục tùng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, cũng như Nghị quyết của Đảng.
Minh Hoàng