Những mỏ đất hiếm này chứa các loại khoáng sản quan trọng trong việc chế tạo nhiều loại sản phẩm điện tử công nghệ cao.
Phát hiện đã được công bố trên tạp chí Khoa học địa chất thiên nhiên của Anh hôm 4/7.
Hiện Trung Quốc đang sản xuất 97% trữ lượng đất hiếm của thế giới, là loại nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các thiết bị công nghệ cao.
Tàu nghiên cứu đất hiếm của Nhật Bản. (Ảnh minh họa: JOGMEC).
Các nhà phân tích nói phát hiện này có thể thách thức vị thế thống trị hiện giờ của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Tạp chí khoa học Anh Nature Geoscience (Địa chất học tự nhiên) cho biết một nhóm nhà khoa học do giáo sư chuyên ngành địa chất Yasuhiro Kato ở Đại học Tokyo đứng đầu, đã phát hiện đất hiếm dưới mặt biển ở 78 vị trí khác nhau.
“Mỏ này tập trung trữ lượng đất hiếm rất lớn, chỉ một kilômét vuông mỏ này cũng có thể cung cấp cho một phần năm lượng tiêu thụ trên toàn cầu mỗi năm”, giáo sư Kato nói.
Mỏ đất nằm ở độ sâu 3.500-6.000m dưới mặt biển. Một phần ba khu vực này có trữ lượng đất hiếm rất cao, nằm ở vùng biển quốc tế phía đông và tây quần đảo Hawaii và phía đông Tahiti trong quần đảo Polynesia thuộc Pháp.
Giáo sư Kato ước tính mỏ đất này có trữ lượng 80-100 tỉ tấn. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ từng ước tính trữ lượng đất hiếm trên toàn cầu hiện chỉ khoảng 110 triệu tấn, tập trung ở Trung Quốc, Nga, các nước hậu Xô viết và Mỹ.
Đất hiếm được sử dụng rất nhiều trong sản xuất linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, mô tơ điện hiệu suất cao, động cơ xe hơi dùng cả xăng và điện (hybrid), nam châm trong các máy phát thủy điện cực nhỏ và cả các thiết bị trong vũ trụ.
Nguồn Khoa học