Những suy nghĩ của Hoàng Duy Hùng cần được trân trọng bởi đã góp phần làm sáng rõ hai điểm cốt yếu: Một, đã là sự thật thì không thể phủ nhận; và hai, quá khứ có thể thay đổi để hướng tới những giá trị tích cực hơn.
Nghiên cứu lịch sử cho thấy, quá khứ là một bộ phận của nhân loại, luôn có sức mạnh riêng bởi quá khứ không chỉ là những gì đã qua mà nó còn có mặt trong hiện tại và tiềm ẩn trong tương lai. Tuy nhiên, hành trình của mỗi cá nhân, cộng đồng hay rộng ra là toàn nhân loại, quá khứ không phải lúc nào cũng mang lại ý nghĩa tốt đẹp. Chung quy, quá khứ có thể đưa lại 2 loại ý nghĩa: Nó có thể thôi thúc con người hành động tiến về phía trước, phù hợp tiến bộ xã hội song cũng có thể níu chân, cản trở hoạt động của chính họ trong quá trình vượt thoát những lỗi lầm đã mắc phải và đôi khi nó góp phần củng cố một định kiến, làm gia tăng những hành vi cực đoan. Vì lẽ đó, một thái độ tích cực, phù hợp bao giờ cũng tiếp cận quá khứ nhằm rút ra những kinh nghiệm để những sơ suất, sai lầm - nếu có - không lặp lại và những gì tốt đẹp của quá khứ được phát huy.
Với một quốc gia, chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất có giá trị thiêng liêng nhất.
Với tính cách là sản phẩm của hoạt động của những cá nhân, cộng đồng rất phong phú, đa dạng, trong xã hội, không phải bao giờ quá khứ cũng được nhìn nhận, phát huy đúng giá trị tích cực vốn có của nó. Cũng có những cá nhân, cộng đồng nuôi dưỡng quá khứ với lòng thù hận, hình thành tâm lý, tâm trạng hay tư tưởng hoài cổ, khư khư theo cái cũ và nhất là có những hành vi đi ngược xu thế phát triển của nhân loại.
Cộng đồng người Việt Nam chúng ta hiện thời cũng vậy. Trong khi đa số có quan điểm rất tích cực, xem quá khứ là kinh nghiệm, là bài học quý để sáng tạo tương lai tốt đẹp hơn thì vẫn còn những người đắm chìm trong quá khứ với rất nhiều biểu hiện cực đoan, trong đó có một bộ phận nhỏ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Vẫn còn không ít người Việt hải ngoại lưu giữ ký ức về lá cờ vàng ba sọc đỏ, về một thời, theo họ là vàng son, về một chế độ mà họ ngộ nhận là dân chủ…
Hãy tạm bỏ qua không xét đến thực chất của các sự kiện diễn ra hơn 46 năm về trước, nhất là sự kiện năm 1975 mặc đù đó chỉ là một thao tác của tư duy, ta sẽ thấy trước mắt mình những sự thật hiện hữu không thể phủ nhận.
Với một quốc gia, giá trị thiêng liêng đầu tiên là chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất. Điều này là đúng đắn bởi mấy nghìn năm qua, các thế hệ người Việt dù phải chấp nhận hy sinh, tổn thất vẫn kiên quyết đứng lên giành, giữ độc lập, chủ quyền và sự thống nhất, toàn vẹn của đất nước. Sau hơn 90 năm không ngừng nghỉ đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp và 21 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai, công cuộc đó đã thắng lợi. Kể từ sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia được xác lập và Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Vinh dự hơn, đến nay, Việt Nam đã được bạn bè quốc tế tin cậy, tín nhiệm bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an trong 2 nhiệm kỳ.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Với một quốc gia, hòa bình có một giá trị rất thiêng liêng. Thiêng liêng là bởi chỉ có trong một môi trường hòa bình, quyền được sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc của con người mới được bảo đảm. Nước Việt Nam, trải qua bao năm tiến hành kháng chiến chống sự xâm lược của ngoại bang và bè lũ bán nước, nay đã có hòa bình. Thủ đô Hà Nội vinh dự được vinh danh là thành phố vì hòa bình.
Với một quốc gia, giá trị đích thực của nó còn là nơi con người được tự do, bình đẳng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Giá trị đó chỉ có thể được phát huy đầy đủ khi quốc gia phát triển bền vững và đương nhiên sự phát triển đó không chỉ đem lại sự giàu có cho một bộ phận người, một số nhóm xã hội. Nói cách khác, sự phát triển không thể bằng mọi giá mà không vì lợi ích chân chính của quảng đại nhân dân…
Để giành được những quyền dân tộc cơ bản trên, tất yếu dân tộc ta phải được dẫn dắt bởi một chính đảng cách mạng chân chính và một lãnh tụ cách mạng vĩ đại.Chính đảng đó, không ai khác Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thật ấy, có thể có ai đó chưa nhận ra hoặc cố tình không nhận ra, chưa thừa nhận hoặc cố tình không thừa nhận, song nhất định sớm hay muộn phải được thừa nhận như một tất yếu, và Hoàng Duy Hùng là một trong số đó.
Một số khía cạnh dẫn ra trên đây đã nói lên rằng, có một sự thật không thể bác bỏ. Vượt qua nhiều thách thức, đất nước ta đã và đang hội tụ ngày càng đầy đủ những giá trị cơ bản, tốt đẹp của một quốc gia văn minh, tiến bộ, phù hợp khát vọng và xu thế chung của nhân loại. Chưa bao giờ Tổ quốc chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nhiều lần khẳng định, được thể hiện chính thức trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Sự thật trên đây liệu có đủ sức thuyết phục và liệu có cần thiết phải thay đổi cách nhìn lịch sử cách đây gần nửa thế kỷ hay không? Rằng, trong bối cảnh mới có nên duy trì những định kiến cũ, lỗi thời vốn đã bị thực tiễn vượt qua để hình thành một tư duy mới phù hợp hơn với thực tại?.
Những ai còn băn khoăn, do dự hay còn những định kiến về Việt Nam, hãy quay lại với Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Trong các Văn kiện đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam công khai công bố chủ trương gác lại quá khứ, xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hướng về tương lai và khẳng định “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Với tinh thần đó, chúng ta vô cùng trân trọng những đóng góp xây dựng Tổ quốc của cộng đồng đồng bào Việt Nam ở nước ngoài về cả vật chất và tinh thần mà gần đây nhất, vào ngày 18-5-2021, trên báo Nhân Dân, luật sư Hoàng Duy Hùng, đã có bài viết “Sự thật luôn sáng chói để mọi người cùng chiêm ngưỡng”.
Bài viết trên đây của luật sư Hoàng Duy Hùng rất đáng được trân trọng bởi nó góp phần khẳng định một sự thật ở đời, “chân lý là cụ thể”, “sự thật luôn chói sáng”. Những gì khách quan có sức mạnh riêng của nó cho dù đây đó vẫn còn sự hoài nghi. Thái độ của Hoàng Duy Hùng rất đáng được trân trọng bởi nó góp phần cảnh tỉnh cho những ai còn ngộ nhận, còn nệ cổ, hoài cổ mà chưa dám mở lòng với quê hương, Tổ quốc và góp phần cổ vũ phương pháp tư duy tiếp cận quá khứ với tư cách là những kinh nghiệm giúp con người khắc phục những sai lầm đã từng có để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn.
Bài viết của Hoàng Duy Hùng còn nói lên một tiếng nói, rằng, đất mẹ ta rất bao dung, chế độ ta rất tốt đẹp, đã, đang và sẽ giang rộng vòng tay để đón những đứa con. Quay đầu là bờ, đó là đất mẹ, là Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Hãy cố gắng kết thúc một sự đau khổ còn hơn để sự đau khổ kéo dài. Hãy nhìn về quá khứ như là một trải nghiệm tích cực để không lặp lại những sai lầm và đón nhận tương lai tốt đẹp. Có thể, đó là thông điệp mà Hoàng Duy Hùng muốn gửi đến bạn đọc trong bài viết “Sự thật luôn chói sáng để mọi người cùng chiêm ngưỡng”mà chúng tôi cảm nhận.
Trọng Thật