Việt Nam - Tiếng gọi thiêng liêng, tiếng gọi tự hào về một đất nước giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Là một quốc gia nằm ở vị trí địa lí thuận lợi, là đầu mối thông thương của khu vực, châu lục và thế giới, thêm vào đó tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, bởi vậy nước ta trở thành đối tượng luôn bị các nước lớn dòm ngó, xâm lược. Chiến tranh xảy ra, kéo dài nhiều thập kỷ, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vùng lên đánh thắng những tên đế quốc, những kẻ thù hung hãn, tàn bạo nhất của thế kỉ XX. Trong cuộc chiến đấu ấy, quân và dân ta không tiếc máu xương, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân hoặc hi sinh một phần thân thể của mình cho sự nghiệp độc lập tự do cho Tổ quốc. Họ chính là những người con bất tử trong lòng dân tộc.
Cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Ảnh: Internet
Ngày 27 tháng 7, kỉ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, là một ngày để chúng ta “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”, một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây ở Việt Nam. Vậy, thương binh, liệt sĩ, họ là ai? Trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” (27/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, ao vườn, làng mạc bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta?Ðó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh"(1). Và “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào…”.(2) Trong ngày này một năm sau, năm 1948 trong một lá thư dài đầy thương yêu, Bác viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như trận lụt to. Nó đe đọa ngập tràn cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bà mẹ, vợ con của dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào"(3). Người xót xa viết: “Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ”(4). Sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ”(5).
Chiến tranh đã qua đi nhưng những vết thương để lại vẫn còn đấy. Có những người đã vĩnh viễn nằm lại ngoài chiến trường, có những người thương binh đã để lại một phần cơ thể ngoài trận địa; những nỗi đau về thể xác mỗi khi trái gió trở trời và về tinh thần khi tuổi xuân đã hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc, nay trở về đã quá lứa lỡ thì, đành ở một mình của người thanh niên xung phong. Và nỗi đau mất mát tột cùng cũng như sự cô đơn, cần nơi nương tựa của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vẫn còn đây nỗi đau dai dẳng của những người vợ mất chồng, những người cha, người mẹ mất con và cả những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố, … Tất cả là minh chứng hùng hồn tố cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh. Những vết thương tinh thần ấy, những nỗi đau thể xác ấy đến bao giờ mới có thể hàn gắn được. Dẫu biết vậy, nhưng những con người bình dị mà anh hùng ấy vẫn không một chút nuối tiếc, ân hận bởi họ đã cống hiến đời mình, cống hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cao đẹp của cách mạng nước nhà, cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ đã sống cuộc đời có ý nghĩa vì nước, vì dân. Xót xa hơn, khi hòa bình, hàng triệu gia đình, em thơ phải gánh chịu nỗi đau da cam. Và đâu đó trên đất nước ta, vẫn nghe tiếng bom mìn nổ rền vang do những chứng tích còn sót lại trong thời chiến…
Những người thương binh, liệt sĩ chỉ có cho mình một ngày - Ngày 27 tháng 7, là ngày mà bất cứ mỗi người dân Việt Nam nào cũng đều phải khắc ghi. Để nhớ về một thời chiến tranh khốc liệt, những thương binh, liệt sĩ anh hùng đã lao vào khói lửa đạn bom để bảo vệ đồng bào trước kẻ thù, nhớ lúc họ đã cắn răng chịu đựng những nỗi đau, họ đã lặng lẽ cam chịu biết bao thống khổ, thiệt thòi. Nhớ lúc họ nắm chắc tay súng, giương cao ngọn cờ trước mưa bom bão đạn, nhớ lúc họ đã liều mình lấp lỗ châu mai, đã lấy thân làm giá súng, nhớ khi họ hy sinh thân mình chèn pháo, nhớ rằng họ là ai, những người con bất tử trong trái tim dân tộc. Họ đâu nghĩ đến những phút giây được tri ân, những tháng ngày được ghi nhận, họ chỉ cần nhìn thấy lá cờ của Tổ quốc tung bay trong gió, thấy đồng bào đoàn viên. Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ thấm nhuần vào khát vọng của toàn quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, độc lập cho dân tộc. Họ đã chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần của họ sống mãi với non sông Việt Nam. Tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền sử xanh. “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”(6).
Thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục phát huy tinh thần của cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước, phải sống sao cho xứng đáng với những người đã khuất; quý trọng và quyết tâm gìn giữ từng tấc đất thấm bao máu xương của các thế hệ cha ông vun đắp cho giang sơn gấm vóc trong độc lập hòa bình hôm nay.
-------------
Chú thích
(1), (2), (3), (4) Bác Hồ với thương binh liệt sĩ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập (tập 6), Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập (tập 5), Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.
Phan Hoa