Trong lịch sử, để cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đi đến thành công trọn vẹn, toàn Đảng, toàn dân ta đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khó khăn về tài chính là thử thách đầu tiên mà Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải đối mặt. Ngày đó, ngân khố chỉ còn hơn 1 triệu đồng, mà một nửa đã rách nát không thể sử dụng. Làm sao để Đảng và Chính phủ duy trì được hoạt động? Làm sao đủ nguồn tài chính cho cuộc chiến chống thù trong giặc ngoài? Câu trả lời là xây Quỹ Độc lập từ nguồn đóng góp của đồng bào cả nước, bắt đầu bằng sự kiện “Tuần lễ Vàng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng” đã viết: “Tuần lễ VÀNG sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc. (…) tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh. Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận. Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ”[1].
Quang cảnh ngày khai mạc Tuần lễ Vàng năm 1945. Ảnh: Tư liệu.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch HồChí Minh, chỉ sau 1 tuần, từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, 20 triệu đồng và 370 kg vàng đã được các tầng lớp nhân dân quyên góp vào ngân khố, giúp Chính phủ giải quyết được rất nhiều công việc cấp thiết, nhất là quốc phòng, để giữ nền độc lập non trẻ. Ngày đó, trong sự góp chung của đồng bào cả nước, có những cá nhân được đặc biệt nhắc đến, như Vua Mèo (ông Vương Chí Sình, ở Hà Giang); Nam Phương Hoàng Hậu (ở Huế); Công chúa Chăm (bà Thềm, ở Ninh Thuận); gia đình ông Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô (tư sản ở Hà Nội)… Họ vừa nêu gương trong ủng hộ rất nhiều tiền, vàng, của cải, vừa tự mình đi vận động trong bà con, bạn hữu, tạo nên bầu không khí sôi nổi, khẩn trương, ăm ắp tinh thần phụng sự Tổ quốc.
Bài học về xây Quỹ Độc lập qua tổ chức “Tuần lễ Vàng” và các hoạt động gây quỹ kháng chiến, kiến quốc tiếp theo sau này, đã minh chứng cho chân lý: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Mỗi khi đất nước đối mặt với khó khăn, cần sự hợp sức của toàn dân tộc, thì tất cả lực lượng của mỗi một người dân đều được huy động, tập hợp và phát huy. Niềm “mong”, niềm “tin” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự hy sinh của toàn quốc đồng bào khi quyên góp của cải trong “Tuần lễ Vàng” đã thành hiện thực, chứng minh rằng: “Lực lượng của nhân dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng (…) Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[2].
Cái “khéo” của Chính phủ là đã khơi gợi được truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam, nên đã huy động được mọi nguồn lực, nhất là giới nhà giàu. Cái “khéo” của Hồ Chí Minh - người đứng đầu Chính phủ, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng” - là khẳng định trước hết về “sức hy sinh” của toàn thể đồng bào ngót 80 năm để giành độc lập; và muốn giữ được nền độc lập ấy, thì cần tiếp tục hy sinh. Ngoài mặt trận, các chiến sĩ đang hy sinh xương máu, thì ở hậu phương cần sự hy sinh “một chút VÀNG” để giải quyết những việc cần cấp. Nói là “một chút” nhưng Người nhấn mạnh: phải sao cho “xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận”. Nói là “mong”, là “tin” về sự hy sinh ấy, nhưng lời cuối của Thư là “Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ”. Có nghĩa, sự hy sinh “một chút VÀNG” của người hậu phương, theo Hồ Chí Minh, được xem là “nghĩa vụ” và vì thế, toàn quốc đồng bào cần làm cho trọn.
Bức thư đậm tinh thần hiệu triệu, đã động viên, thúc giục 25 triệu đồng bào cả nước. Con số 20 triệu đồng và 370 kg vàng do nhân dân đóng góp không chỉ là khối vật chất lớn gấp vài chục lần ngân khố quốc gia lúc đó. Nó còn là kết tinh của lòng yêu nước, của sức mạnh toàn dân tộc luôn kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, được Hồ Chí Minh trân trọng, chắt chiu, khơi động, được Đảng ta giữ gìn, vận dụng, vun đắp, hun đúc thành tình đồng chí đoàn kết, nghĩa đồng bào sẻ chia.
Lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, ngày 5/6/2021.
Bởi vậy, qua hơn một năm nay, cùng với thế giới chống chọi với đại dịch Covd-19, Việt Nam đã thu được nhiều thắng lợi nhờ phát huy mọi nguồn lực từ cộng đồng, từ khối đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, như giới chuyên gia khẳng định, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ không thể sớm kết thúc nếu Việt Nam không thực hiện được giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định, đó là tạo ra miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vắc-xin cho 75% dân số. Với mỗi người tiêm 2 liều, thì cả nước sẽ cần 150 triệu liều vắc-xin, tương ứng với 25 ngàn tỷ đồng. Ngân sách nhà nước chỉ bố trí được một phần trong số đó, số còn lại rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các doanh nhân và đồng bào trong và ngoài nước. Ngày 26/5/2021, quyết định về thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 được Chính phủ ban hành, làm nơi tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Chủ trương thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 ngay lập tức được đông đảo các tổ chức, cá nhân hưởng ứng. Tin tưởng vào sự điều hành chống dịch đúng đắn của Chính phủ, tại buổi Lễ ra mắt Quỹ (ngày 5/6), tổng số tiền các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương đóng góp cho Quỹ đã nhanh chóng lên đến 6.600 tỷ đồng và qua tin nhắn tới đầu số 1408 được hơn 17 tỷ đồng. Những tập thể, cá nhân từng đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua, giờ lại tiếp tục đi đầu và lan tỏa tinh thần yêu nước, tích cực chống dịch. Họ thực sự đang hành động vì một tâm niệm - như tâm niệm ngày xưa đồng bào ta góp xây Quỹ Độc lập - là để xứng đáng với sự hy sinh của các chiến sĩ đang trực tiếp trên tuyến đầu chống dịch.
Cả nước lại sôi nổi khí thế đoàn kết chống dịch như ngày xưa toàn quốc sục sôi ý chí quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm đến thắng lợi cuối cùng. Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 vừa phát động, nhờ sức dân mà đang tăng lên từng ngày, từng giờ. Đó là kết quả của một Chính phủ kiến tạo, hành động, tập trung lo cho sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc của nhân dân. Đó là kết quả của toàn dân tin tưởng ở Chính phủ, đồng lòng hợp sức cùng Chính phủ chống dịch như chống giặc. Đó là kết quả của ý Đảng hợp lòng dân. Nhất định nhân dân ta, đất nước ta sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng đại dịch.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 16
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 234
Bạch Yến