Phong trào thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1948, đến năm 1952, Đảng và Chính phủ đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần đầu tiên. Tuy nhiên, còn một số kiến thức nhầm lẫn hoặc có thể gây nhầm lần xung quanh kỳ đại hội thi đua yêu nước này
Về tên gọi của đại hội
Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất này có tên gọi chính thức là Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu.
Tuy nhiên, một số cuốn sách đã xuất bản và đặc biệt là một số bài báo trên mạng internet thiếu chính xác khi gọi tên Đại hội này.
Chẳng hạn tác giả Mạnh Phương trên trang VOV.VN ngày 08/6/2018 có bài viết “Về nơi diễn ra Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất”[1], được trang hanam.gov.vn dẫn lại.
Việc gọi tên Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất như trên không hẳn là sai, nhưng đối với việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử cần bảo đảm tính lịch sử và tính chính xác hơn, tránh tình trạng “tam sao thất bản”, dẫn đến những sai lệch lịch sử.
Về những anh hùng được vinh danh tại đại hội
Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu đã vinh danh 7 anh hùng đầu tiên trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong đó có 4 Anh hùng Quân đội (sau này gọi là Anh hùng lực lượng vũ trang) là Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên[3] và Nguyễn Quốc Trị, 3 Anh hùng Lao động là Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh và Trần Đại Nghĩa, đại diện cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức cách mạng.
Vậy nhưng nhiều bài viết trên mạng internet còn đưa ra những danh tính khác về 7 anh hùng đầu tiên này.
Bài viết “Các kỳ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc” trên báo Bình Phước ngày 06/08/2020 viết:
“Đại hội đã tuyên dương 07 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. 07 Anh hùng được biểu dương như: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ Trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đoàn Chủ tịch Đại hội thi đua yêu nước năm 1952 (Ảnh tư liệu)
Bài viết “5/1952 – Diễn ra Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất” do Thu Nhuần tổng hợp, trên trang baotanglichsu.vn thì đưa thông tin Đại hội bầu 5 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 2 Anh hùng Lao động. Bài báo có đoạn “Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất quy tụ 154 đại biểu gồm các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tiêu biểu cho phong trào thi đua ái quốc trong cả nước. Đại hội đã tổng kết kinh nghiệm, phong trào thi đua chiến đấu, sản xuất, học tập và lựa chọn 7 chiến sĩ thi đua ưu tú nhất để nhận danh hiệu anh hùng. Trong đó, có 5 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đó là: Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Thị Chiên và 2 anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm. Theo đó, ngày 10/8/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 107/SL, tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc cho 7 chiến sĩ thi đua và ký sắc lệnh 108/SL tặng huân chương kháng chiến hạng nhất cho 24 chiến sĩ thi đua”[5].
Thực ra, Sắc lệnh 107/SL ngày 10/8/1952 chính thức hóa việc tặng danh hiệu Anh hùng cho Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và Sắc lệnh 108/SL tặng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho 24 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, trong đó có 7 Anh hùng nói trên.
Bài viết nối trên thậm chí còn đưa sai số lượng Anh hùng Quân đội là 5 người, thay vì số lượng chính xác là 4 người.
Trong bài báo “Về nơi diễn ra Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất” trên trang dangcongsan.vn thì viết: “ Đại hội có trên 150 chiến sĩ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự. Đại hội tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. Trong đó có các anh hùng, chiến sỹ thi đua tiêu biểu được tôn vinh như: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh...”[6]
Bài viết “Nơi tổ chức Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất” trên báo baotuyenquang.com.vn, không chỉ sai về tên Đại hội mà còn đưa thông tin thiếu và sai về các anh hùng được bầu tại Đại hội. Bài báo có đoạn “Đại hội tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. Trong đó có các anh hùng, chiến sỹ thi đua tiêu biểu được tôn vinh như: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh”.
Ngoài việc đưa tên sai các anh hùng được vinh danh, bài viết có thể gây nhầm lẫn cho người đọc về số người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Các Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Đại hội (Ảnh tư liệu)
Bài báo còn nêu tiểu sử tóm tắt về các anh hùng được bầu tại Đại hội có trên như trên. Chúng ta không thấy tên anh hùng Nguyễn Quốc Trị và Trần Đại Nghĩa đâu[7].
Như vậy là các bài báo nói trên cho thấy những thông tin khác nhau về 7 anh hùng được vinh danh tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu .
Trong khi đó, báo Nhân Dân, tờ báo chính luận chính thức của Đảng Lao động Việt Nam, số ra ngày 19/5/1952, gần với sự kiện nhất, nêu rõ tên 7 anh hùng được vinh danh tại Đại hội là Cù chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị C. (Nguyễn Thị Chiên), Nguyễn Quốc Trị, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa và Hoàng Hanh.
Gần đây, cuốn sách Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất năm 1952 do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước biên soạn và xuất bản năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất, trong phần giới thiệu ghi rõ: “Đại hội chính thức khai mạc vào 19 giờ 00 ngày 01/5/1952 và kết thúc ngày 06/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chiến sĩ thi đua trong các lĩnh vực công, nông, binh và trí thức. Đại hội đã vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Đại hội này đã bầu được 3 Anh hùng Lao động là Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh; 4 Anh hùng Quân đội là Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên và Nguyễn Quốc Trị. Đó là những anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của quân và dân ta”.
Như vậy, danh sách 7 anh hùng của Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu năm 1952 đã rõ ràng. Không có tên Giáp Văn Khương và Nguyễn Quang Vinh như một số bài báo đã nêu.
Cùng với 7 anh hùng, 17 chiến sĩ thi đua toàn quốc khác được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất là:
1.Ngô Quang Xen, 25 tuổi, du kích Bắc Giang, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
2. Đinh Nòi, 22 tuổi, bộ đội, LK5, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
3. Nguyễn Phú Vy, 28 tuổi, bộ đội, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
4. Nguyễn Quang Vinh, 30 tuổi, Tiểu đội trưởng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
5. Dương Văn Sang, du kích Liên Khu III, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
6. Giáp Văn Khương, 23 tuổi, Tiểu đội phó, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
7. Hoàng Ngọc Nga, 26 tuổi, nông dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
8. Quách Thị Tước, 26 tuổi, nông dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
9. Phạm B. 32 tuổi, nông dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
10. Vũ Viết Thân, 26 tuổi, dân công, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
11. Nguyễn Thị Thành, 22 tuổi, dân công, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
12. Nguyễn Văn Chuc, 26 tuổi, Bình dân học vụ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
13. X, cán bộ gương mẫu, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
14. Trần Viết Soi, 27 tuổi, công nhân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
15. Nguyễn Văn Thương, 24 tuổi, công nhân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
16. Ngô Văn Tôn, 32 tuổi, công nhân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
17. Nguyễn Thị D, 22 tuổi, giao thông viên, Chiến sĩ thi đua toàn quốc[8].
[2] https://baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/noi-to-chuc-dai-hoi-anh-hung-chien-sy-thi-dua-toan-quoc-lan-thu-nhat-156426.html
[3] Vì nữ du kích Nguyễn Thị Chiên hoạt động trong vùng địch hậu, nên trong tuyên truyền báo chi chỉ ghi là Anh hùng Nguyễn Thị C. Báo Nhân Dân ngày 19/5/1952.
[4] https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-noi-bat/cac-ky-dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-toan-quoc-23327.html
[5] https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/16448/5-1952-dien-ra-djai-hoi-chien-si-thi-djua-va-can-bo-guong-mau-toan-quoc-lan-thu-nhat.html. Thực ra, Sắc lệnh 107/SL ngày 10/8/1952 chính thức hóa việc tặng danh hiệu Anh hùng cho Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh.
[7]https://baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/noi-to-chuc-dai-hoi-anh-hung-chien-sy-thi-dua-toan-quoc-lan-thu-nhat-156426.html
[8] Sách Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất năm 1952 do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III xuất bản năm 2012, tr. 287, 288.