Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả chín năm thực hiện đường lối kháng chiến đúng đắn, do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, toàn dân tiến hành trên các mặt trận kháng chiến. Những bài học kinh nghiệm từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để có chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Kiên định đường lối kháng chiến đúng đắn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng
Đến năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giành được những thắng lợi mang tầm chiến lược. Ta đã thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc tại nhiều khu vực rộng lớn tại Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.
Về phía Pháp, tháng 7/1953, Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua Kế hoạch Navarre. Trung tâm của kế hoạch Nava là Pháp kiên quyết tập trung binh lực, xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh để tiêu diệt chủ lực đối phương.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1/1953) đã vạch ra phương hướng chiến lược, phương hướng tác chiến và tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Phương hướng chiến lược là tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn Bắc Bộ[1].
Vào cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị ra nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, giữ vững quyền chủ động, đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn chiến trường Đông Dương.
Kết thúc Hội nghị quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Lấy Tây Bắc làm hướng hoạt động chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dụng binh là phải thiên biến vạn hóa[2]. Bộ Chính trị quyết tâm rất cao, huy động sức mạnh tối đa để đập tan kế hoạch Na va, giành một thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến.
Dân công vận chuyển hàng hóa lên Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Chỉ đạo chiến lược kiên quyết, linh hoạt, kịp thời
Theo kế hoạch tác chiến, giữa tháng 11 năm 1953, bộ đội chủ lực ta hành quân lên Tây Bắc, tiến đánh Lai Châu, (15/11/1953, Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, mở cuộc tiến công giải phóng Lai Châu; một bộ phận của các đại đoàn 325 và 304 tiến sang Trung Lào). Ta chưa có kế hoạch tiến công Điện Biên Phủ vì lúc đó Nava chưa cho quân nhảy dù chiếm đóng địa bàn lòng chảo này.
Phát hiện sự di chuyển của chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, ngày 20/11/1953, Nava lập tức cho quân chiếm Điện Biên Phủ, một địa bàn chiến lược quan trọng để giữ vững Lai Châu và bảo vệ Thượng Lào, và điều lực lượng ở Bắc Bộ sang đứng chân ở biên giới miền Trung Việt Lào.
Trên cơ sở thế và lực mới, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến, đánh đòn quyết định. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.
Như vậy, nếu đối với các hướng chiến lược khác trên cả nước, chúng ta tiến công vào những nơi hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở; thì trên hướng chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Ta đã thành công lớn trong chỉ đạo chiến lược, điều động, phân tán lực lượng địch, làm cho địch không thể tập trung được binh lực để quyết chiến với ta ở chiến trường do chúng lựa chọn.
Thống nhất cao trong lãnh đạo, phát huy vai trò, bản lĩnh, quyết đoán của người chỉ huy chiến dịch
Cuối tháng 01/1954, các đơn vị bộ đội chủ lực ta đã tới vị trí tập kết, bố trí xong trận địa và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tiến công theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Khi đó, lực lượng địch còn mỏng, trong trạng thái lâm thời phòng ngự, công sự dã chiến, trang bị sơ sài, ta còn giữ được bí mật để giành bất ngờ.
Nhưng đến trước ngày quân ta dự định nổ súng tiến công (25/01/1954), địch đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố. Nhiều cứ điểm chúng đã có công sự kiên cố, bố phòng chặt chẽ.
Trước tình hình mới do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” không còn phù hợp. Bộ Chính trị chỉ thị cho Đảng ủy mặt trận kiểm tra lại tình hình, đảm bảo đánh chắc thắng.
Ngày 26/01/1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng tập thể Đảng ủy chiến dịch bàn bạc, phân tích thấu đáo những khó khăn lớn mà ta chưa thể vượt qua nếu đánh theo phương án cũ, đi đến thống nhất, hạ quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Tư lệnh chiến dịch đã phát huy cao độ trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của mình. Việc thay đổi phương châm qua bàn bạc tập thể đã được báo cáo lên Trung ương. Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê chuẩn sự thay đổi đó.
Nhờ chuyển sang đánh theo phương châm đánh chắc, tiến chắc, quân ta đã làm hạn chế tối đa chỗ mạnh của địch và khắc phục hiệu quả điểm yếu, phát huy mạnh mẽ sở trường của ta giành thắng lợi.
Đánh chiếm Sở chỉ huy địch tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Phát huy cao độ sức mạnh toàn quân, toàn dân với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, liên minh chiến đấu quân và dân ba nước Đông Dương
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên truyền thống yêu nước. Xuất phát từ đường lối đúng đắn, Đảng đã động viên, tổ chức toàn dân tộc vào công cuộc kháng chiến, dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt của cuộc kháng chiến.
Hàng chục vạn đồng bào đã hăng hái đi dân công, thanh niên xung phong, tham gia làm đường, vận tải, phục vụ chiến trường, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hàng năm, bảy trăm cây số, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, địch đánh phá ác liệt. Ta đã làm được một việc mà kẻ thù không thể ngờ là có thể làm được.
261.464 dân công (lớn nhất từ trước đến lúc đó) với trên 10.301.570 ngày công đã tham gia phục vụ chiến dịch. Các phương tiện vận tải được huy động tối đa: 628 ô tô, 11.800 thuyền bè, hơn 20.000 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ, hàng ngàn xe trâu bò kéo. Hơn 25.000 tấn gạo được huy động cung cấp cho mặt trận, trong đó, đồng bào Tây Bắc mới được giải phóng đã đóng góp 7.300 tấn gạo. Trước yêu cầu to lớn và khẩn trương của chiến dịch, từng đoàn dân công Việt Bắc ngày đêm vượt núi, băng rừng, vận chuyển vũ khí và lương thực... Nhiều tổ, đội nhân dân được lập ra đầy sáng tạo, ngày đêm bám sát bảo vệ các cung đường, bảo đảm giao thông thường xuyên thông suốt. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp với bộ đội công binh mở mới và sửa chữa hàng nghìn kilômét đường.
Henri Navarre cũng như Chính phủ Pháp và Mỹ đánh giá Điện Biên Phủ, một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương, là một hệ thống phòng thủ vững chắc gồm nhiều pháo đài kiên cố mà đối phương không thể công phá được. Nhưng tập đoàn cứ điểm này đã bị quân ta tiêu diệt gọn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã hòa vào sức mạnh thời đại. Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam vì độc lập, hoà bình đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình và tiến bộ, dân chủ, đặc biệt là, sự đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia
Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn về nhiều mặt, đặc biệt là bài học về kiên định đường lối cách mạng đúng đắn; kiên quyết, bản lĩnh trong chỉ đạo chiến lược; chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, xây dựng lực lượng, phát huy cao độ yếu tố chính trị tinh thần, sức sáng tạo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phát huy liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là những bài học không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong chiến tranh cách mạng mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tú Khuê
[2] Võ Nguyên Giáp: Lên đường ra mặt trận, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 01/1994, tr.4.