Theo đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Công Tạc. Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Ngay sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết xuyên tạc về xử lý kỷ luật này. Các luận điệu xuyên tạc cho rằng Đảng xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên không nghiêm, quy trình xử lý còn mất thời gian nhằm để cho cho “người bị kỷ luật thu xếp xong” (!?).
Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Internet.
Dưới mỗi bài viết này, có hàng trăm bình luận, đa số các bình luận đều hùa theo dòng chủ lưu của bài viết và phê phán Đảng chưa thật tâm xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Có thể nhận thấy các bình luận này thì thiên hình, vạn trạng nhưng đều có mục đích là phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam trong vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, các bình luận ấy cho rằng làm chậm như vậy để những người sai phạm này dền dứ cho đến tuổi nghỉ hưu luôn; cũng có bình luận cho rằng làm chậm để những người này có thời gian “chạy”(!?). Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng Đảng sẽ chọn thời điểm không ai để ý để xử nhẹ những người vi phạm này…
Vậy, sự thật có đúng như các bài viết, các bình luận này?
Không đúng! Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định rất rõ tại Điều 11 Quy định 22-QĐ/TW ngày ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:
Một là, thẩm quyền của chi bộ
Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).
Sau khi chi bộ quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, phải báo cáo lên các cấp ủy mà đảng viên đó là thành viên và cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy quản lý cán bộ.
Việc cách chức, khai trừ cấp ủy viên của chi bộ cơ sở do chi bộ cơ sở đề nghị, ban thường vụ cấp ủy huyện, quận hoặc tương đương quyết định.
Đối với cấp ủy viên các cấp sinh hoạt tại chi bộ (từ cấp ủy viên đảng ủy cơ sở trở lên) và cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, nếu vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao mà phải áp dụng hình thức kỷ luật thì chi bộ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hai là, thẩm quyền của đảng ủy bộ phận
Đảng ủy bộ phận có trách nhiệm thẩm tra việc đề nghị thi hành kỷ luật của chi bộ để đề nghị ban thường vụ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Ba là, thẩm quyền của Ban thường vụ đảng ủy cơ sở
Ban thường vụ đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý).
Bốn là, thẩm quyền của đảng ủy cơ sở
Đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, cách chức cấp ủy viên cấp dưới (kể cả bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên của chi bộ hoặc đảng ủy bộ phận trực thuộc nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý). Đối với cấp ủy viên cấp trên trực tiếp trở lên và cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý sinh hoạt tại đảng bộ, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật thì đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trường hợp tất cả cấp ủy viên của chi bộ và của đảng bộ cơ sở đều bị thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì báo cáo để tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên quyết định.
Đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì có quyền khai trừ đảng viên, nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý.
Năm là, thẩm quyền của ban thường vụ tỉnh, thành, huyện, quận ủy và tương đương
Ban thường vụ tỉnh, thành, huyện, quận ủy và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên (kể cả bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên cấp dưới trực tiếp và cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp); quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ được giao. Trường hợp cách chức, khai trừ thì báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cấp ủy tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên và vi phạm nhiệm vụ do cấp ủy giao. Sau khi cấp ủy biểu quyết đủ đa số phiếu theo quy định thì quyết định kỷ luật.
Sáu là, thẩm quyền xử lý kỷ luật đảng viên của Ban Bí thư, Bộ Chính trị
Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Như vậy, đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật với 2 hình thức là khiển trách và cảnh cáo. Trường hợp đề nghị hình thức xử lý kỷ luật cao hơn (cách chức, khai trừ) sẽ do Ban Chấp hành Trung ương quyết định. Ngày 6-6-2022, tức chỉ sau 1 ngày khi Bộ Chính trị đề xuất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế và Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất bỏ phiếu khai trừ khỏi đảng ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long.
Như vậy, việc xử lý kỷ luật đảng viên được Đảng quy định bằng những quy trình chặt chẽ và không có chuyện chậm trễ hay kéo dài vì không muốn xử lý kỷ luật như các bài viết và các bình luận nêu trên.
Viết Phước