Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận là một bộ phận khăng khít, quan trọng trong lý luận chiến lược của Người về cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó được Người khẳng định và thể hiện rõ qua bài báo “Dân vận”, đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949
Từ những chỉ dẫn của Bác về công tác dân vận…
“Dân vận” là bài viết ngắn gọn, từ đầu đề - chỉ gồm 2 từ, đến dung lượng – chỉ hơn 600 từ, với bút danh X.Y.Z, được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong xúc tích, có tính khái quát cao được kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, sáng rõ, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo, được chia thàng 4 mục lớn, được coi như là cương lĩnh về công tác dân vận. Trong bào báo, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những nội dung cơ bản nhất của công tác dân vận.
Thứ nhất, nguyên lý để kiến tạo một nền dân chủ, để cho dân dùng được quyền dân chủ; đó là nguyên lý đề cao quyền lực thực sự của nhân dân.
Mở đầu tác phẩm, trong 7 câu rất súc tích, Người đã cô đúc, thể hiện rất đặc sắc lý luận về dân chủ xã hội chủ nghĩa thông qua mối tương quan giữa “nước” với “dân”. “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”[1].
Tư tưởng trọng dân, luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ một chữ “dân” được Người sử dụng gắn với sự nhấn mạnh “vì dân”, “của dân”, “do dân cử ra”, “do dân tổ chức nên” hàm chứa giá trị biểu đạt rất phong phú về quốc dân đồng bào, về nòi giống Rồng Tiên, về dân tộc Việt Nam, các giai tầng xã hội, các thế hệ, các giới, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cộng đồng… “Dân” chính là tập hợp lực lượng cách mạng của những người chung lòng yêu nước, cùng gánh vác sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hồ Chí Minh luôn trân trọng đặt nhân dân vào vị trí của người làm chủ, là người vừa có lợi ích, vừa có trách nhiệm đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đổi mới, xây dựng đất nước. Vì vậy, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực, chính đáng, kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; sự tham gia, đóng góp của mỗi một người dân, dù ở cương vị nào chính là khởi nguồn dể làm nên “nhiều người, nhiều của nhiều tiền” của lực lượng toàn dân. Do vậy, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[2].
Bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Thứ hai, định nghĩa một cách đầy đủ, rõ ràng về công tác dân vận. Theo Người “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[3].
Như vậy, đối tượng của công tác dân vận là toàn thể nhân dân, hoạt động dân vận chính là nhằm thực hiện mục tiêu chung của cách mạng; nội dung cơ bản của công tác dân vận là tổ chức lực lượng nhân dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Thứ ba, Ai phụ trách công tác dân vận, đó là “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”[4]. Công tác dân vận không phải là nhiệm vụ của một cá nhân hay tổ chức nào, hoạt động dân vận chính là nhằm thực hiện mục tiêu của cách mạng, vì thế, mọi cấp chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên của cả hệ thống chính trị đề phải phụ trách công tác dân vận tùy theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình mà có nội dung cụ thể để thực hiện biện pháp vận động nhân dân cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Thứ tư, đối tượng của công tác dân vận, theo quan niệm của Người, không phải là một cá nhân hay một nhóm xã hội nào mà là toàn thể nhân dân, “tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”[5]. Người cho rằng, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giới tính, già trẻ, vì thế, đối tượng của công tác dân vận là toàn thể nhân dân. Bao gồm nhân dân, đồng bào trong một nước, sống trong nước hay ở nước ngoài.
Thứ năm, cách thức thực hiện dân vận và sự cần thiết, phương pháp làm dân vận khéo.
Trước hết, làm thế nào để đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”; phương pháp để có chính sách đúng đó là “mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của quần chúng, phải nghe theo nguyện vọng của quần chúng”, “khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng”. Chỉ khi đường lối, chính sách được đúc kết từ thực tiễn và trải qua trải nghiệm thực tiễn thì mới trở thành đường lối, chính sách đúng đắn. Theo Hồ Chí Minh “cách lãnh đạo bằng việc đề ra đường lối, chính sách như vậy mới là cách lãnh đạo đúng”.
Hơn nữa, sau khi có chủ trương, đường lối đúng, chính sách đúng thì phải kiên trì vận động nhân dân. Người chỉ rõ: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Người nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động để “dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”; hai là, bất kỳ việc gì cũng phải bàn bạc, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương; ba là, động viên và tổ chức toàn dân thi hành, đồng hành theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân; bốn là, khi thi hành xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, khen thưởng, phê bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm đồng bào Cao Bằng, năm 1961 (Ảnh tư liệu)
Muốn vậy, “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, người làm công tác vận động quần chúng trước hết phải có tinh thần xung phong, nên gương, làm mẫu từ lời nói đến hành động sao cho dân tin, dân phục, dân yêu, để từ đó dấy lên phong trào thi đua. Trong đó, phẩm chất hàng đầu của người cán bộ là phải có uy tín với dân; để có uy tín theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo phải mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để đưa công việc ngày càng tiến bộ.
Đồng thời, Người cũng phê bình và xem khuyết điểm to, rất có hại là “xem khinh việc dân vận”. Đó là lý do để mở đầu bài báo: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.
Và Người kết luận ngắn gọn: “Lực lượng dân chúng rất to. Việc của dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
…đến ngày truyền thống ngành dân vận của Đảng
Công tác dân vận luôn được xác định là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu tập hợp, vận động, phát huy cao nhất sức mạnh các tầng lớp nhân dân vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.
Với những chỉ dẫn sâu sắc của Bác đối với công tác dân vận của Đảng, tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận", Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 15/10 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và Ngày "Dân vận" của cả nước để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những chỉ dẫn của Người về công tác dân vận.
Tiếp tục phát huy tư tưởng về công tác dân vận của Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng đề ra giải pháp trước tiên là: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận”[6].
Trong điều kiện mới, trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn đổi mới đất nước, đòi hỏi phải tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong nhận thức, hành động của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; từ đó, đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và từng người dân để công tác dân vận đạt được mục tiêu và hiệu quả đã đề ra.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”[7]; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; đồng thời, “Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận”[8].
Tác phẩm “Dân vận” nêu ra những nguyên lý cơ bản của nghiệp vụ dân vận cho đến nay còn nguyên tính thời sự và giá trị chỉ đạo thực tiễn, tạo nên sức sống bền vững tự nhiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam.
Nhật Hồng Ngọc
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr 232
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 232
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 232
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 233
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 232
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 248
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 248
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 249