Tân Thủ tướng Suga Yoshihide đảm nhận trọng trách lớn từ người tiền nhiệm Abe Shinzo vào thời điểm đất nước đang tìm kiếm động lực vực dậy nền kinh tế do tác động của tình trạng già hóa dân số, nay lại thêm đại dịch Covid-19 hoành hành.
Trong bối cảnh chỉ có 1 năm tại nhiệm từ tháng 9/2020 khi nhậm chức cho đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào tháng 9/2021, dư luận đặt câu hỏi, Thủ tướng Suga sẽ chèo lái đất nước ra sao để vừa phát huy hơn nữa những di sản của người tiền nhiệm, vừa tạo dấu ấn riêng? Và những chính sách này sẽ tác động như thế nào đến chặng đường phát triển dài hơi của Nhật Bản ?
Chính sách nổi bật của ông Suga
Mới chỉ qua 3 tháng cầm quyền nên những chính sách mà Thủ tướng Suga Yoshihide thực hiện trong thời gian vừa qua chưa đủ để có thể đưa ra tổng kết ban đầu. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là ông đã thực hiện cam kết trước đó là kế thừa những chính sách của người tiền nhiệm Abe Shinzo, nhất là trong khoảng thời gian này. Ông Suga cũng thúc đẩy mạnh mẽ chính sách mới đó là phát triển công nghệ số và khu vực địa phương.
Về đối nội, ông Suga tập trung vào những vấn đề sau: ưu tiên chống dịch Covid-19, đảm bảo hệ thống y tế và vaccine cho người dân, khẳng định quyết tâm tổ chức Thế vận hội Tokyo và Paralympics vào mùa hè năm 2021. Trong lĩnh vực kinh tế, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi "Abenomics" với trọng tâm là nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ thúc đẩy thỏa thuận đối tác kinh tế với Anh với mục tiêu thực thi hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhằm đảm bảo tính liên tục trong thương mại, đầu tư sau khi Anh kết thúc giai đoạn chuyển tiếp rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo đó, chính phủ Nhật Bản tập trung xây dựng một chính phủ vì người dân.
Về đối ngoại, ông Suga khẳng định liên minh với Mỹ tiếp tục sẽ là nền tảng cho chính sách đối ngoại. Cùng với nỗ lực hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, Nhật Bản cũng sẽ chú trọng xây dựng mối quan hệ ổn định với Trung Quốc. Đồng thời ưu tiên giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc với Triều Tiên và sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết.
Tóm lại, trong thời gian vừa qua, yếu tố ổn định xã hội, cân bằng tinh thần cho người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn lan rộng là những việc mà ông Suga đang thực hiện.
Triển vọng quan hệ Nhật Bản với các trục quan hệ lớn
Đã thành truyền thống, trong nhiều đời thủ tướng gần đây, Nhật Bản luôn coi liên minh Nhật - Mỹ là “viên đá tảng” làm nền móng cho chính sách ngoại giao, an ninh quốc gia và cơ sở hòa bình, thịnh vượng, tự do của Nhật trên bình diện quốc tế và khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương. Và Thủ tướng Suga cũng không ngoại lệ.
Nhắc đến quốc gia láng giềng Hàn Quốc, Thủ tướng Suga mô tả “xứ sở kim chi” là quốc gia láng giềng vô cùng quan trọng nhưng kêu gọi Seoul cần phải thực hiện hành động thích đáng để khôi phục quan hệ Nhật - Hàn mạnh mẽ”.
Một trong số ít những điểm khắc biệt mà ông Suga thay đổi so với thời cựu Thủ tướng Abe đó là cách nhìn của ông đối với mối quan hệ song phương cùng một số nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Trong một phát biểu gần đây nhất, Thủ tướng Suga cho rằng Nhật Bản mong muốn tăng cường quan hệ đối với các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc. Trong cuộc gặp trực tiếp với Ngoại trưởng Vương Nghị tại Nhật Bản nhân chuyến thăm vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn mạnh sẽ từng bước cải thiện quan hệ với Trung Quốc hướng tới hợp tác ổn định.
Tuy vậy, Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương với các bên thực hiện là Nhật-Mỹ-Ấn Độ-Australia mà Nhật Bản là bên khởi xướng với mục đích ngăn chặn hành vi đơn phương làm ảnh hưởng tới an ninh tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông của của Trung Quốc có thể thấy là chính sách được ông Suga quan tâm và thúc đẩy. Điều này thể hiện việc bên cạnh cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước liên kết vẫn lo ngại những vấn đề tiềm ẩn từ Trung Quốc nhất là từ góc độ ảnh hưởng kinh tế của nước này trên thế giới.
Với Nga, Thủ tướng Suga khẳng định quyết tâm giải quyết tranh chấp vùng Lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản-quần đảo Kurin theo cách gọi của Nga), nhưng không đề cập tới các hoạt động kinh tế chung hoặc Tuyên bố Chung Nhật - Xô Viết năm 1956 mà người tiền nhiệm đã thực hiện trước đó.
Tương lai chính trị của Thủ tướng Suga
Một cuộc thăm dò dư luận vừa công bố sáng 15/12 cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Suga Yoshihide giảm xuống còn 42%, giảm 14 điểm so với tháng 11. Trong khi đó, cuộc thăm dò đầu tiên khi ông Suga nhậm chức vào tháng 9 cho kết quả là tỷ lệ ủng hộ trên 60%. Tỷ lệ ủng hộ đều giảm qua từng tháng.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, Thủ tướng Suga Yoshihide đã đưa ra được những chính sách vừa có sự kế thừa, thống nhất với sách lược của người tiền nhiệm, hạn chế tối đa xáo trộn thì một số nhà phân tích cho rằng, ông Suga còn khá dè dặt động chạm tới những vấn đề đang gây tranh cãi.
Họ lo ngại, chiến lược điều hành đất nước của ông khá cứng nhắc và không rõ ràng, từ đó có thể tạo điều kiện cho đảng đối lập tấn công.
Dự kiến, cuộc bầu cử Hạ viện Nhật sẽ được tổ chức trong vòng khoảng 9 tháng tới, nên nếu những tranh chấp bất đồng tiếp tục leo thang, nó có thể ảnh hưởng tới kết quả bầu cử của Đảng Dân chủ tự do của ông Suga, thậm chí gây nguy hại tới triển vọng chính trị của ông Suga.
Riêng cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian vừa qua Thủ tướng Suga Yoshihide thực hiện những chính sách trong nước với mong muốn ổn định và cân bằng trong tình hình dịch bệnh, dần từng bước kích thích phát triển nền kinh tế đang bị “tổn thương và trì trệ”, thực hiện nốt những công việc mang tính quốc gia như tổ chức thế vận hội Olympic Tokyo… Nhìn từ bên ngoài có thể bước đi của ông Suga có vẻ như thiếu tính đột phá, tuy nhiên, cũng có khả năng ông Suga đang “âm thầm” xây dựng chính sách của riêng ông và thực hiện nó ngay trong năm mới 2021.
Có ý kiến cho rằng có thể trong tháng 1/2021, Hạ viện sẽ giải tán để rộng đường cho ông Suga trở thành Thủ tướng ở nhiệm kỳ tiếp theo. Và trong tháng 1/2021, Quốc hội Nhật Bản cũng sẽ họp, và nếu như ông Suga không đưa ra được những chính sách làm hài lòng các nghị sĩ, thì khó có thể làm dân chúng đặt lòng tin vào việc thực hiện một chính phủ vì nhân dân./.
Bùi Hùng/VOV-Tokyo