Ở phương diện chính trị - ngoại giao, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước ngày càng thường xuyên, thực chất, đi vào chiều sâu. Lãnh đạo hai nước đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Mỹ đã chào đón nhiều chuyến thăm cấp cao từ Việt Nam, bao gồm chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp sang dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (9/2023), chuyến thăm của Chủ tịch nước nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao APEC (11/2023) tại Hoa Kỳ, chuyến thăm của Phó chủ tịch nước (3/2024). Ngược lại, Việt Nam cũng đã chào đón đoàn Nghị sĩ Hạ viện Hoa Kỳ (1/2024) và đoàn Nghị sĩ Thượng viện Hoa Kỳ (3/2024). Tháng 7/2024, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Hà Nội viếng khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đây là một cử chỉ hết sức thân tình, thể hiện sự trân trọng nghi lễ, văn hóa, phong tục Việt Nam.
Bộ ngoại giao hai nước cũng đã tăng cường trao đổi với nhau. Tháng 3/2024, đối thoại ngoại giao cấp bộ trưởng hai nước được tổ chức tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Đây là dịp quan trọng để hai bên rà soát và thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao hai nước, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trên lĩnh vực kinh tế, những cam kết hợp tác giữa hai nước được thực hiện mạnh mẽ. Quan hệ thương mại hai nước tiếp tục khẳng định hai bên là những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2024, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị là 8,58 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước [1].
Ngày 18/9/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tập đoàn chip Synopsys của Mỹ về việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó Synopsys sẽ hỗ trợ Cục công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Việt Nam) thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn và hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Việt Nam) phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam và thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Tháng 12/2023, nhiều doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ như Intel, Qualcom, Ampere, ARM, Nvidia … sang thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh và mở rộng hợp tác tại Việt Nam. Đáng chú ý là từ ngày 18 đến 21/3/2024, Đoàn hiệp hội Kinh doanh Mỹ - ASEAN với hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ, năng lượng, hàng không, nông nghiệp và thực phẩm sang Việt Nam, kí kết nhiều hợp tác. Nhân dịp này, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (EXIM) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ trị giá 500 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chiều ngày 19/3/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Ảnh: Internet
Ngày 25/6/2024, Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức Đối thoại Kinh tế lần đầu tiên. Hai bên trao đổi thẳng thắn để đưa ra những giải pháp cụ thể trong 5 lĩnh vực: (i) thiết lập hợp tác xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn; (ii) hợp tác về năng lượng và khoáng sản chủ chốt; (iii) hợp tác về môi trường kinh doanh; (iv) thúc đẩy thu hút và duy trì đầu tư chất lượng cao, kiểm soát xuất khẩu chiến lược; (v) hợp tác hạ tầng công nghệ thông tin chủ chốt và an ninh mạng[2]. Cuộc Đối thoại Kinh tế có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, tháng 11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thoả thuận đẩy mạnh hợp tác giáo dục trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), đào tạo và nghiên cứu trong các ngành công nghệ, lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Hiện tại, Hoa Kỳ đang là một đối tác quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam đạt mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Hợp tác y tế giữa hai nước tiếp tục được duy trì. Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý các bệnh truyền nhiễm, bao gồm Covid-19, củng cố dây truyền lạnh phục vụ cho tiêm chủ thường xuyên và tiêm phòng Covid-19. Tháng 6/2024, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quóc đã cung cấp 680 máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn, 810 bơm tiêm điện và 150 tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vaccine cho Việt Nam[3]. Hiện nay, Hoa Kỳ đang tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tiến tới xây dựng Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung ương của Việt Nam.
Viêt Nam - Hoa Kỳ đang đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết chung và gắn bó giữa nhân dân hai nước. Trong đó, đáng chú ý, ngày 2/12/2023, Chương trình quảng bá văn hóa và giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Hoa Kỳ được diễn ra tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long - Một di sản Thế giới của Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Phó chủ tịch nước Việt Nam đến Hoa Kỳ tháng 3/2024, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa và quan hệ nhân dân giữa hai nước.
Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, từ ngày 6 đến 11/9/2024, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ quốc phòng dẫn đầu thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai Bộ trưởng quốc phòng hai bên từ khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương. Hai bên trao đổi các vấn đề thế giới, khu vực cùng quan tâm, qua đó tăng cường lòng tin chiến lược, tương xứng với nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về khắc phục hiệu quả chiến tranh tiếp tục là một điểm sáng với các nội dung cụ thể như tháo gỡ bom mình, tẩy độc, hỗ trợ các nạn nhân chất độc màu da cam, tìm kiếm hài cốt quân nhân hai nước.
Tóm lại, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau một năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã phát triển khá mạnh mẽ. Hai nước tích cực, chủ động triển khai và cụ thể hóa các nội dung trong Tuyên bố chung vào tháng 9/2023. Kết quả đó tiếp tục vun đắp tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Văn Chuyên
[1] Vtv.vn, “Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam”, https://vtv.vn/kinh-te/hoa-ky-la-thi-truong-nhap-khau-nong-lam-thuy-san-lon-nhat-cua-viet-nam-20240904143707292.htm
[2] Hoàng Yến, “Lần đầu tiên có cuộc Đối thoại Kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ”, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lan-dau-tien-co-cuoc-doi-thoai-kinh-te-giua-viet-nam-va-hoa-ky-153687.html