Ngày 06/01/1946, một sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc - tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta, là ngày mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới, đồng thời cũng là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội - Một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ngày tổng tuyển cử đầu tiên để lại những dấu ấn thật đặc biệt về một cuộc “đấu tranh hiếm có trong lịch sử của đất nước”.
Tổng tuyển cử thành công trong điều kiện tình hình khó khăn chồng chất
Thù trong giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội gặp phải những vấn đề cần giải quyết. Vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hằng ngày đặt ra; vừa thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân đội Trung Hoa Dân quốc ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại của chúng.
Các thế lực phản động ra sức phá hoại tổng tuyển cử như vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi tẩy chay tổng tuyển cử vì rằng trình độ dân trí của ta còn thấp kém, trên 90% dân số chưa biết chữ nên không đủ năng lực thực hiện quyền công dân của mình, cần tập trung chống Pháp xâm lược không nên mất thì giờ vào bầu cử, … Bởi lẽ, cuộc tổng tuyển cử diễn ra sẽ đi đến hợp pháp hóa chính quyền cách mạng mà chúng muốn lật đổ, sẽ bóc trần bản chất tay sai và bộ mặt bịp bợm của chúng trước dư luận. Vì thế, đây không phải là một cuộc tổng tuyển cử thông thường mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt “ngày đại hội của toàn thể nhân dân ta mà cũng là ngày đấu tranh hiếm có trong lịch sử đất nước”[1].
Quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Dũng cảm và táo bạo bởi lẽ hiếm có cuộc cách mạng nào trên thế giới vừa mới thành công bắt tay ngay vào việc tiến hành tổng tuyển cử trong điều kiện nguy hiểm như thế. Trong hoàn cảnh những năm 1946, đòi hỏi phải tiến hành tổng tuyển cử kịp thời, bởi vì nếu càng chậm trễ, tình hình càng phức tạp, khi mà chiến tranh lan rộng ra cả nước thì khó mà có cơ hội tiến hành.
Dũng cảm, táo bạo nhưng không phải phiêu lưu, mạo hiểm, mà xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc. Qua đấu tranh trong Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta với truyền thống yêu nước, được cách mạng giác ngộ, vùng dậy làm nên thắng lợi vẻ vang. Và tất nhiên, nhân dân ta sẽ có đủ bản lĩnh chính trị và trí sáng suốt để làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng của người công dân xây dựng chế độ mới.
Thực tiễn đã chứng minh, nhân dân ta đã kiên quyết ủng hộ tổng tuyển cử, hăng hái tham gia tổng tuyển cử, bảo vệ tổng tuyển cử, hy sinh cho tổng tuyển cử và sáng suốt trong bầu cử. Đây là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình, “Nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”[2]. Và với lá phiếu trên tay thì “Quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,
Kiên quyết chống bọn thực dân,
Kiên quyết tranh quyền độc lập.”[3](3)
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi
Trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình.
Đáp lại Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại - ngày 06/01/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu.
Tại Hà Nội - Trung tâm của cả nước, nhân dân Thủ đô vẫn hăng hái tham gia tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù.
Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù nhưng cuộc tổng tuyển cử vẫn diễn ra an toàn.
Đặc biệt, các tỉnh phía Nam, nhất là Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù. Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên này, ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước có 89% số cử tri đã đi bỏ phiếu, cả nước bầu được 333 đại biểu. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Cử tri Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I.(Nguồn: quochoi.vn)
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử tháng 01/1946 đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Quốc hội Việt Nam ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh dân tộc, đây vừa là thành quả vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của ba miền Bắc – Trung – Nam. Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời. Quốc hội đã hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội. Thắng lợi này, suy cho cùng là Đảng đã biết dựa vào nhân dân, bắt rễ sâu trong lòng dân tộc. Đường lối của Đảng phản ánh được những khát vọng sâu xa nhất, bức thiết nhất của nhân dân và dân tộc.
80 năm kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cử tri nước ta đã tham gia nhiều kỳ bầu cử Quốc hội, nhưng những giá trị và bài học kinh nghiệm từ cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên đến nay vẫn còn nguyên vẹn, được tiếp thu và vận dụng phù hợp vào công tác bầu cử trong bối cảnh mới.
[1] Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Văn Phòng Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.
[2] Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Văn Phòng Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.
[3] Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Văn Phòng Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.
Phan Hoa