Trả lời:
1. Hội nghị Geneve bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc ngày 08/5/1954, chỉ 01 ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ và kết thúc vào ngày 21/7/1954, sau 75 ngày thương lượng, qua 31 phiên họp (8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp)
Thành phần tham dự Hội nghị gồm 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương Quốc Lào và Vương Quốc Campuchia. Đại diện lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Khmer Itsarak tuy đã có mặt ở Giơnevơ nhưng không được các đoàn phương Tây chấp nhận cho tham dự Hội nghị.
Trong đó, 5 đoàn nước lớn: Anh (do Thủ tướng Anthony Eden dẫn đầu), Mỹ (do Tướng Walter Bedell Smith, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn); Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chu Ân Lai làm Trường đoàn); Liên Xô (do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Vyacheslav Molotov làm Trưởng đoàn); Pháp (các Thủ tướng Georges Bidault, Pierre Mendes-France lần lượt làm Trưởng đoàn).
Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn; chính quyền Bảo Đại do Nguyễn Quốc Định dẫn đầu; Vương quốc Lào do Phoui Sananikone dẫn đầu và Vương quốc Campuchia do Tep Phan dẫn đầu.
Hội nghị diễn ra qua 3 giai đoạn:
* Giai đoạn 1 (từ 08/5/1954 - 19/6/1954)
Các đoàn trao đổi chương trình nghị sự, trình bày lập trường của mình về giải pháp cho vấn đề Việt Nam và Đông Dương.
- Đoàn Pháp do Ngoại trưởng Bidault làm trưởng đoàn, phát biểu chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập vấn đề chính trị và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam. Phát biểu này được Mỹ ủng hộ.
- Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn yêu cầu phải có sự tham dự của đại diện Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia. Ngày 10/5/1954, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu, đưa ra lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nội dung tám điểm: (1) Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền, độc lập của hai nước Lào, Campuchia. (2) Ký một hiệp định về việc rút quân đội ngoại quốc ra khỏi ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. (3) Tổ chức tổng tuyển cử tự do ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. (4) Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pathét Lào và Campuchia xem xét vấn đề gia nhập Liên hiệp Pháp. (5) Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pathét Lào và Campuchia công nhận quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp, quan hệ kinh tế giữa ba nước với Pháp sẽ được quy định trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau. (6) Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với bên kia trong chiến tranh. (7) Trao đổi tù binh. (8) Ngừng bắn toàn Đông Dương.
- Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam. Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai đưa ra hai điều kiện để lập lại hòa bình ở Đông Dương: (1) Pháp chấm dứt chiến tranh; (2) Mỹ chấm dứt can thiệp vào Đông Dương. Trưởng đoàn Liên Xô - Bộ trưởng ngoại giao Molotov đề nghị lập Ủy ban giám sát quốc tế gồm các nước trung lập. Tại phiên họp lần thứ 4, Trưởng đoàn Liên Xô đề nghị thảo luận về phương án của Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau 4 phiên họp rộng, Chủ tịch Hội nghị - Ngoại trưởng Anh Eden yêu cầu họp hẹp. Trưởng đoàn Liên Xô đề nghị vấn đề quân sự, chính trị và vấn đề ba nước sẽ bàn song song. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên Xô, Trung Quốc đồng ý. Anh và Pháp tán thành, Mỹ đành phải chấp nhận.
- Ngày 25/5/1954, trong phiên họp hẹp, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng đưa ra 2 nguyên tắc cho vấn đề đình chiến: (1) Ngừng bắn hoàn toàn trên toàn cõi Đông Dương, (2) Điều chỉnh vùng trong mỗi nước, trong từng chiến trường trên cơ sở đất đổi đất để mỗi bên có những vùng hoàn chỉnh tương đối rộng lớn thuận lợi cho quản lý hành chính và hoạt động kinh tế. Đại diện các bộ tư lệnh có liên quan nghiên cứu tại chỗ những biện pháp ngừng bắn để chuyển tới Hội nghị xem xét và thông qua.
- Ngày 27/5/1954, đoàn Pháp đồng ý lấy đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm cơ sở thảo luận, đề nghị đại diện của hai bên gặp nhau ở Giơnevơ để bàn việc chia ranh giới khu vực tập trung quân ở Đông Dương. Cùng ngày, đoàn Trung Quốc đưa ra 6 điểm về vấn đề quân sự như: ngừng bắn hoàn toàn và cùng một lúc ở ba nước Đông Dương; thành lập Ủy ban kiểm soát quốc tế gồm các nước trung lập nhưng chưa đề cập tới giải pháp về mặt chính trị.
- Ngày 29/5/1954, sau 4 phiên họp toàn thể và 8 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hội nghị Giơnevơ ra quyết định: (1) Ngừng bắn toàn diện và đồng thời; (2) Đại diện hai bên gặp nhau ở Giơnevơ để bàn về bố trí lực lượng theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng việc phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam.
Nhìn chung, do lập trường giữa các đoàn có một khoảng cách khá lớn, chủ yếu là do lập trường hiếu chiến của các nước Phương Tây tham gia Hội nghị, nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm.
Ngày 12/6/1954, nội các Thủ tướng Laniel do phái chủ chiến chi phối bị Quốc hội Pháp đánh đổ. Ngày 19/6/1954, Mendès France lên cầm quyền, hứa với Quốc hội Pháp trong vòng một tháng sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là sự kiện quan trọng góp phần phá vỡ bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển.
* Giai đoạn 2 (từ 20/6/1954 - 10/7/1954)
Hầu hết các Trưởng đoàn về nước báo cáo, chỉ có Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở lại. Các Quyền trưởng đoàn tổ chức các cuộc họp hẹp và họp Tiểu ban quân sự Việt - Pháp bàn vấn đề tập kết, chuyển quân, thả tù binh và việc đi lại giữa hai miền. Vấn đề phân định vĩ tuyến tại Việt Nam trở thành nội dung đàm phán chính với các hoạt động gặp gỡ, trao đổi quan điểm của các bên. Nhìn chung, các cuộc họp hẹp ở Giơnevơ trong giai đoạn này không có tiến triển gì đáng kể.
Trưởng đoàn Pháp và Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa kiên trì đấu tranh cho mấy vấn đề cơ bản bao gồm: Quyền tham gia Hội nghị của các đại biểu Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến để khẳng định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất nước ta. Hai vấn đề chủ chốt phía sau mãi đến gần lúc Hội nghị kết thúc mới được giải quyết.
* Giai đoạn 3 (từ ngày 11-21/7/1954)
Trong 10 ngày cuối của Hội nghị đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các Trưởng đoàn. Các phiên họp chủ yếu đàm phán, thỏa thuận về phân chia vĩ tuyến làm ranh giới tạm thời; thông qua các văn kiện, kể cả các điều khoản thi hành Hiệp định. Cuối cùng là phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị.
- Đàm phán về phân chia vĩ tuyến rất căng thẳng. Pháp khăng khăng vĩ tuyến 18, Việt Nam kiên quyết vĩ tuyến 16. Phải đến phiên họp chiều tối ngày 20/7/1954, các bên mới đi đến thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Thời hạn 2 năm tổng tuyển cử cũng như các hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia và các vấn đề khác đều là sự giằng co giữa các bên.
- Ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia kết thúc. Các văn bản được ký kết tại Hội nghị, gồm:
+ Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia
+ Một bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị.
+ Hai bản tuyên bố riêng của đoàn Mỹ và đoàn Pháp ngày 21/7/1954
+ Các công hàm trao đổi giữa Việt Nam và Pháp.
2. Những nội dung chính của Hiệp định Giơnevơ
* Thỏa thuận chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia:
- Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước.
- Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương.
- Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia.
- Không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài.
- Tổng tuyển cử ở mỗi nước.
- Không trả thù những người hợp tác với đối phương.
- Trao trả tù binh và người bị giam giữ.
- Thành lập Ủy ban liên hợp, Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế.
* Đối với riêng Việt Nam:
- Những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình: ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, đổi vùng, vấn đề mồ mả quân nhân hai bên tham chiến.
- Những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam: Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải); không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam; cấm xây dựng căn cứ quân sự mới; cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào; cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào.
- Những điều khoản chính trị: Vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước; Hiệp thương hai miền vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử vào tháng 7/1956; tự do chọn vùng sinh sống; trong khi chờ đợi không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.
- Những điều khoản quy định việc tổ chức thi hành Hiệp định: Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập./.
Quang Minh (tổng hợp)