"Theo tinh thần của Tuyên bố chung giữa hai nước lần này, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn", ông Nguyễn Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung nói với VnExpress sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, theo ông, khả năng mở rộng, tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước là rất lớn.
Tương tự, TS Nguyễn Khắc Giang (Đại học Victoria tại Wellington, New Zealand) nhìn nhận, các nội dung đạt được vừa qua mang hàm ý mong muốn thắt chặt mối quan hệ thương mại Việt - Trung.
Vấn đề lưu thông hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được cải thiện sau chuyến thăm này, theo dự báo của các chuyên gia.
Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, gần đây, một trong những vấn đề giữa hợp tác thương mại hai nước là việc thông quan do chính sách zero-Covid của Trung Quốc. Nhiều cửa khẩu tại Lào Cai, Quảng Ninh bị gián đoạn hoạt động. Tại một số cửa khẩu khác, thời gian thông quan bị kéo dài khiến hàng hoá bị ùn ứ, gây thiệt hại lớn. Ví dụ, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thời điểm Trung Quốc siết các biện pháp phòng dịch, kim ngạch xuất khẩu trái cây lập tức sụt giảm, bất chấp nỗ lực bù đắp bằng việc mở rộng thị trường sang các khu vực khác.
"Nếu giải quyết được thông quan, thương mại giữa hai nước sau đó sẽ dễ dàng hơn vì những năm gần đây, Trung Quốc đã chấp thuận nhiều tiêu chuẩn của hàng hoá Việt Nam. Nhiều hàng hóa mà gần đây nhất là sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang nước này", ông Quang nói.
Trong cuộc hội đàm ngày 31/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường 1,5 tỷ dân và mong muốn tăng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế. Ông đề nghị Trung Quốc duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hoá, tăng cường hợp tác vận tải bằng hàng không, đường bộ, đường sắt...
Đáp lại, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản. "Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên kết chiến lược phát triển với Việt Nam, tăng cường kết nối giữa hai nước và cùng xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững", ông Tập nói.
Điều này sau đó đã được cụ thể hoá trong Tuyên bố chung hai nước khi nhất trí bảo đảm phòng chống dịch chính là bảo đảm thông quan hàng hóa, thống nhất phát huy vai trò của Cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới và hợp tác phòng chống dịch, duy trì hoạt động thương mại thông suốt tại các cửa khẩu với tiền đề bảo đảm công tác chống Covid...
"Ít nhất đến nửa đầu năm 2023, lưu thông hàng hoá của Việt Nam với Trung Quốc sẽ được đảm bảo dù nước này vẫn áp dụng chính sách zero-Covid", ông Nguyễn Khắc Giang dự báo.
Tiếp theo, trong ngắn hạn, cán cân thương mại hai nước dự kiến tái cân bằng hơn. Số liệu của Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - ASEAN (CABC) cho thấy, trong các nước thành viên RCEP, Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn nhất với Việt Nam, khoảng 45,5 tỷ USD.
Nhằm giảm bớt mất cân bằng thương mại, theo tuyên bố chung của Việt Nam – Trung Quốc, hai nước sẽ xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của nhau. Trong đó, Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho khoai lang, các loại hoa quả có múi, tổ yến... Phía Việt Nam sẽ thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho sữa của Trung Quốc.
Còn trong dài hạn, theo ông Giang, điểm đáng chú ý là nội dung về tăng cường hợp tác thương mại điện tử trong hợp tác kinh tế, thương mại song phương, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics. Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng tiêu thụ các sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao của Việt Nam thông qua xúc tiến tiêu dùng bằng thương mại điện tử.
"Đây là vấn đề thương mại đầu tiên được nhắc tới trong Tuyên bố chung, chứng tỏ mức độ quan tâm của cả hai phía", ông Giang nói. Trung Quốc đang muốn mở rộng mạng lưới thương mại điện tử tại Đông Nam Á trong khi đó, theo Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai của khu vực này, chỉ sau Indonesia.
Ngoài ra, hai nước cũng đề cập đến tăng cường hợp tác thương mại thông qua các quy hoạch lớn là kế hoạch hợp tác, kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó có thảo luận về việc nâng cấp hệ thống đường sắt nối miền Bắc Việt Nam với Trung Quốc.
"Về cơ bản, hai nước càng mở rộng thương mại càng tốt. Với Việt Nam, điều này càng quan trọng vì nguyên liệu đầu vào nhập nhiều từ Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam có thể là cánh cửa giúp kết nối thương mại Trung Quốc với khối mà nước này không phải là thành viên", ông Khắc Giang bình luận.
Trước đó, ông Xu Ningning, Chủ tịch CABC đánh giá, Trung Quốc và Việt Nam có sự bổ sung mạnh mẽ về kinh tế, thương mại và nhu cầu hợp tác ngày càng tăng. Global Times, sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng nhận định tương tự, do hai nước coi nhau là đối tác chiến lược quan trọng để thúc đẩy hơn nữa phục hồi, hội nhập kinh tế khu vực. Hiện Việt Nam là nền kinh tế quan trọng tham gia RECEP vốn được Trung Quốc và các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực thúc đẩy.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2018, Trung Quốc là đối tác đầu tiên đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD một năm và duy trì mức này từ đó đến nay. Hiện chỉ có 2 thị trường đạt cột mốc 100 tỷ USD USD này là Trung Quốc và Mỹ. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác lớn thứ sáu của nước này trên quy mô toàn cầu.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm trước. Trong 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 47 tỷ USD, còn Trung Quốc xuất sang Việt Nam 100,7 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc là 53,7 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn dữ liệu của The Observatory of Economic Complexity (nền tảng trực quan hoá dữ liệu thương mại quốc tế) cho thấy, tính trong giai đoạn 25 năm (1995 – 2020), xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng với tốc độ hàng năm là 22%, từ 718 triệu USD lên 104 tỷ USD; còn tốc độ tăng của Việt Nam là 22,6%, từ 303 triệu USD lên 49,4 tỷ USD.
Trong đó, ở những năm 1995, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản (giá trị gạo xuất đi là 92,8 triệu USD trên tổng số 303 triệu USD hàng xuất khẩu); khoáng sản như dầu thô (khoảng 94,5 triệu USD)... Đến năm 2020, các sản phẩm xuất khẩu chính là máy móc (điện thoại là 12,5 tỷ USD, vi mạch là 8,47 tỷ USD...); sợi 100% cotton (khoảng 1,84 tỷ USD); rau củ, nông sản...
Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam cũng từ máy móc (chủ yếu là động cơ đốt trong), màn hình video, tủ lạnh, hoá chất, thực phẩm... đã chuyển thành vi mạch, điện thoại, thiết bị bán dẫn. Trong 25 năm này, Việt Nam vẫn nhập nhiều nguyên liệu đầu vào khác từ Trung Quốc như kim loại, dệt may, nhựa, hoá chất... phục vụ sản xuất.
Trước chuyến thăm này, các vấn đề về hợp tác kinh tế - thương mại, phát triển chuỗi cung ứng... đã được hai bên thảo luận thông qua kỳ họp thứ 11 Uỷ ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung, cuộc điện đàm hồi tháng 9 giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Nguồn VnExpress