Căng mình chống dịch
Dịp Tết vừa qua, chúng tôi đến với các chiến sĩ đang trực trên chốt chống dịch ở Đồn biên phòng Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Do địa hình vùng biên phức tạp nên các trạm, chốt phòng dịch thường bố trí trên các đỉnh cao. Những con đường lên chốt rất cheo leo, hiểm trở, nhìn xa như sợi chỉ vắt vẻo giữa các đỉnh núi sương mù dày đặc, chỉ cần chút lơ là là có thể gặp hiểm nguy. Gửi lại mùa xuân sau lưng, hằng ngày, các chiến sĩ biên phòng và lực lượng chức năng băng qua những con đường này để lên chốt trực chiến và mang lương thực, thực phẩm lên chốt cho đồng đội.
Con đường đến với chốt chống dịch ô tô không lên được, chúng tôi phải nhờ người dân chở bằng xe máy, nhiều đoạn phải xuống đi bộ. Trên đường mòn biên giới giữa nước bạn Lào và Việt Nam, đi qua bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Đồn biên phòng Pù Nhi đã phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, y tế thành lập trạm kiểm soát liên hợp phòng, chống dịch Covid-19.
Nằm sâu trong rừng, điều kiện sinh hoạt tại trạm kiểm soát liên hợp phòng, chống dịch Covid-19 rất khó khăn. Sóng điện thoại chập chờn, thiếu nước sinh hoạt và các vật dụng thiết yếu. Thế nhưng, các chiến sĩ, cán bộ y tế đã chủ động khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất. Khi chúng tôi lên đến nơi, các anh đang cùng nhau chuẩn bị bữa cơm chiều. Một bữa cơm đơn giản nhưng ấm tình đồng chí, đồng đội.
Anh Cao Đức Hùng, cán bộ Công an huyện Mường Lát là thanh niên trẻ tuổi nhất ở đây. Tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2019, anh xung phong lên Mường Lát làm nhiệm vụ. Khi dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương lập trạm liên ngành kiểm soát liên hợp phòng, chống dịch, anh lại tình nguyện lên trạm. Đây là Tết đầu tiên không về nhưng anh xác định tư tưởng vững vàng bởi với anh, tuổi trẻ là phải xung phong đến những nơi gian khổ. Ngoài trạm kiểm soát liên hợp, Đồn biên phòng Pù Nhi còn bố trí 5 chốt phòng, chống dịch tại các đường mòn, lối mở trên vành đai biên giới.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi theo chân các chiến sĩ lên chốt ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn. Đường lên chốt dài hơn 4km, gập ghềnh và trơn trượt, phía dưới là vách đá dựng đứng. Chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở bản Pá Hộc chỉ là một lán nhỏ đơn sơ nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.700m so với mực nước biển. Đây là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, người nhập cảnh trái phép và tội phạm buôn bán ma túy thường lợi dụng những lối đi hẻo lánh này để vào Việt Nam. Vì vậy, với tinh thần cảnh giác cao độ, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng phân công nhau thường xuyên túc trực tại chốt và liên tục tuần tra kiểm soát trong khu vực. Những bữa cơm thường rất vội và không bao giờ đông đủ, bởi các anh phải thay phiên nhau trực. Từ đầu mùa đông đến nay, các đợt không khí lạnh liên tục tràn về gây rét đậm, rét hại, có hôm nhiệt độ trên đỉnh núi cao xuống còn 0 độ C, gây không ít khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của anh em. Chỉ với lán trại đơn sơ và đống lửa nhỏ để sưởi ấm nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường bám chốt, bảo vệ bình yên nơi biên cương, rừng sâu. Tết đến, Xuân về, nhà nhà sum họp, nhưng với những người lính nơi đây, họ lấy niềm vui của nhân dân làm hạnh phúc của mình.
Đồn là nhà, biên giới là quê hương
Thiếu tá Lê Xuân Hòa đã gắn bó hơn 20 năm với vùng biên cương Mường Lát. Cũng như những cán bộ, chiến sĩ khác, bước chân vào quân ngũ, anh sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh sống gian khổ, luôn phải xa gia đình. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh cùng đồng đội thường xuyên trực trên chốt. Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp anh không được về ăn Tết cùng gia đình. Giờ phút nghỉ ngơi là lúc anh nhớ về gia đình nhiều nhất. Những cuộc điện thoại gọi về cho gia đình thường bị đứt quãng bởi sóng điện thoại chập chờn. Trong câu chuyện bên đống lửa hồng, anh chia sẻ với chúng tôi rằng, thật may là ở “hậu phương” vợ con anh luôn thông cảm, động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bởi “khi Tổ quốc cần chúng ta biết sống xa nhau”.
Cùng với việc canh giữ điểm chốt phòng, chống dịch, tuần tra kiểm soát địa bàn, các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Mường Lát còn bố trí lực lượng thường xuyên đến từng thôn bản, từng hộ dân để tuyên truyền, phát khẩu trang, nước sát khuẩn cho bà con. Từ những buổi tuyên truyền, ý thức chống dịch của bà con cũng được nâng cao. Hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh đã trở nên thân thuộc đối với nhân dân, được bà con tin yêu, kính trọng. Mỗi người dân ở khu vực biên giới luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, không tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép, góp phần cùng bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng tạo “lá chắn thép” bảo vệ an ninh, an toàn biên giới quốc gia.
Thanh Hóa có đường biên giới dài 213km với nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang triển khai 37 chốt chặn và 9 trạm kiểm soát liên hợp, với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của các cấp về phòng, chống dịch và bảo vệ an ninh biên giới; đặc biệt là quán triệt sâu sắc tới cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần quyết tâm sẵn sàng trực chiến, không chủ quan, lơ là. Các đơn vị phải nắm chắc tình hình, phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, để mỗi người dân chủ động, tích cực tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép. Mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn tâm niệm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Không chỉ tăng cường đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia, các đồn biên phòng còn tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn; giúp dân khắc phục hậu quả từ đợt rét vừa qua và dọn dẹp vệ sinh thôn bản; phối hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức nhiều hoạt động vui xuân đón Tết, tạo không khí ấm áp nghĩa tình quân dân. Những việc làm trên đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới, khẳng định vai trò, hình ảnh đẹp về người lính biên phòng trong lòng dân. Già làng Thao Nhé Cợ ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát cho biết: Bộ đội biên phòng đã giúp đỡ bà con rất nhiều, các anh hướng dẫn chúng tôi sản xuất, xóa đói giảm nghèo, dạy chữ cho bà con, mang ánh sáng, mùa xuân về cho dân bản. Dân bản rất yêu quý bộ đội biên phòng.
Một mùa xuân mới đã về trên khắp các bản làng. Mùa xuân ấm áp với những thành tựu quan trọng đạt được trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước. Nhưng cuộc chiến với dịch Covid-19 sẽ còn lâu dài nên cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch, góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Đất trời biên cương tươi đẹp hơn bởi có những người lính mang quân hàm xanh bình dị, luôn cống hiến hết mình bảo vệ đường biên, mốc giới.
Cống hiến tuổi xuân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, đối với các anh, đó là niềm tự hào vì được góp một phần công sức cho quê hương, đất nước an bình, yên vui.
Theo Hanoimoi.com.vn