Đây được gọi là phương pháp chủ động lây nhiễm trên người (HTC), từng được sử dụng trong dịch cúm mùa, sốt rét, sốt xuất huyết, tả và thương hàn. Sau khi tiêm thử vaccine, người tham gia sẽ được tiêm thêm một lượng nhỏ virus, được cho là không đủ gây nguy hiểm. Các nhà khoa học sẽ đánh giá mức độ hiệu quả của sản phẩm.
Tình nguyện viên đăng ký tham gia chương trình thông qua chương trình có tên gọi 1 Day Sooner. Đến nay, chiến dịch đã nhận được đơn đăng ký của hàng chục nghìn người ở Anh và Mỹ. Một trong số đó là Estefania Hidalgo, 32 tuổi, sinh viên ngành nhiếp ảnh tại Anh. Cô làm việc ở trạm xăng hàng ngày để chi trả học phí.
"Đó là một ca làm việc muộn, mọi thứ thật cô đơn", Hidalgo kể lại lần đầu biết đến chương trình thử nghiệm chủ động. Khi đang tản bộ về nhà sau ca trực kéo dài, cô tình cờ nghe được đoạn podcast của dự án 1 Day Sooner. Cô gọi đây là "khoảnh khắc được khai sáng".
"Tôi đã run lên. Không ai nên bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này. Người già, người nghèo, người da màu, tất cả đều xứng đáng được khỏe mạnh", cô nói. "Đây là cách để tôi kiểm soát lại tình hình, cảm thấy như mình đang ở một nơi ít tuyệt vọng hơn. Tôi đã quyết định làm điều này, chọn cách không sợ hãi".
Dù từng được ứng dụng trong nghiên cứu vaccine tả, thương hàn, sốt rét, thậm chí cảm lạnh thông thường, phương pháp chủ động lây nhiễm vẫn gây nhiều tranh cãi. Khác với các mầm bệnh cũ, Covid-19 hiện chưa có cách điều trị chính thức, hiệu quả. Rủi ro tăng cao nếu vaccine thử nghiệm thất bại.
Theo các chuyên gia, người tình nguyện nhiễm nCoV nhận được một khoản đền bù, song các tổ chức phải cực kỳ thận trọng để không biến đây thành động cơ kiếm tiền hoặc ép buộc người khác tham gia để trục lợi. Giới y đức cũng cho rằng tình nguyện viên trẻ tuổi, khỏe mạnh tham gia dự án không đại diện cho phần đông dân số thế giới. Song vào tháng trước, chính phủ Anh đã tích cực đối thoại, thúc đẩy hợp tác tiến hành các thử nghiệm chủ động. Các cuộc thảo luận nóng đến mức, Cơ quan Nghiên cứu Y tế Anh (HRA) thành lập một hội đồng đánh giá đạo đức của tất cả đề xuất liên quan đến phương pháp này.
Terence Stephenson, người đứng đầu HRA, cho biết: "Có rất ít nghiên cứu mà rủi ro bằng không. Mỗi ngày, tại đất nước này và nhiều quốc gia, các chuyên gia y tế tự đặt mình vào tình thế rủi ro để chăm sóc cho người khác. Những người có thể làm điều đó (nhiễm nCoV) vì lợi ích của một cộng đồng lớn hơn, cá nhân tôi thấy điều đó không đáng ngạc nhiên".
Alastair Fraser-Urquhart, 18 tuổi, thành viên dự án 1 Day Sooner, đồng tình với quan điểm này. Anh cho rằng sự đóng góp của mình là chưa đáng kể. "Đây chỉ là ý tưởng tức thì. Rủi ro đối với tôi rất nhỏ. Nhưng bằng cách chấp nhận rủi ro nhỏ đó, tôi có thể bảo vệ hàng nghìn người khác khỏi căn bệnh".
Urquhart hiện là người dẫn đầu một chiến dịch của chính phủ Anh nhằm hỗ trợ thử nghiệm chủ động đầu tiên. Anh hoãn việc học đại học một năm để làm việc cho dự án. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, anh sẽ được tiêm vaccine và cả nCoV vào cơ thể, cách ly tại một cơ sở sinh học có độ an toàn cao trong nhiều tuần.
Ở thử nghiệm giai đoạn 3 thông thường, luôn có một nhóm tình nguyện viên đối chứng, sử dụng giả dược thay vì vaccine. Các nhà khoa học sẽ tiến hành so sánh số lượng người đã tiêm chủng vẫn nhiễm nCoV với nhóm này để đánh giá độ hiệu quả của sản phẩm. Song có sự khác biệt lớn giữa việc lây nhiễm tự nhiên trong môi trường sống và chủ động đưa virus vào cơ thể.
"Vấn đề nảy sinh là nếu bạn tiêm chủng cho một nhóm tình nguyện viên và để họ nhiễm nCoV, nhưng không ai mắc bệnh, thì đó là do vaccine thực sự hiệu quả hay do khâu tiêm virus gặp trục trặc? Bạn không thể lý giải điều này một cách rõ ràng nếu không có nhóm giả dược", Peter Smith, Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, giải thích. Song việc sử dụng giả dược trong thử nghiệm chủ động lây nhiễm gặp nhiều tranh cãi về mặt y đức.
Không có gì ngạc nhiên khi sự nhiệt tình của Alastair Fraser-Urquhart khiến cha anh đắn đo. "Rõ ràng đây chẳng phải điều bạn muốn con trai mình tham gia. Thứ đầu tiên tôi nghĩ tới là ‘Ồ, cuối cùng thì tôi cũng biết nó làm gì trong phòng khi ngồi máy tính suốt ba tuần qua’", Ông Andrew Fraser-Urquhart nói.
Hai cha con cùng trò chuyện về quyết định Urquhart. Dù "có cảm giác nghẹn trong cổ họng", ông Andrew nhận ra rằng sẽ chẳng điều gì ngăn cản được con trai của mình.
"Đây là phương pháp đi đầu trong ngành khoa học công nghệ. Nó có lợi cho cộng đồng, vô cùng táo bạo nhưng cũng có chút khác lạ. Đó cũng là những gì mô tả chính con trai tôi. Nếu nhìn nhận theo cách này, tôi không hề ngạc nhiên khi thằng bé quyết định tham gia", ông chia sẻ một cách tự hào.
Đối với những người trẻ như Urquhart, rủi ro dù nhỏ, nhưng không phải bằng không. Dưới 1% ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ là người từ 34 tuổi trở xuống. Những hậu quả sức khỏe lâu dài sau khi nhiễm virus còn chưa sáng tỏ.
Đối với chàng trai 18 tuổi, đây cũng là lý do để tham gia thử nghiệm, giúp đẩy nhanh công cuộc chấm dứt đại dịch, tránh để cộng đồng phải đối mặt với những hậu quả lâu dài đó.
"Nếu đến một lúc, chúng ta phải vượt qua ranh giới để khám phá xem mình có thể chấp nhận rủi ro và làm điều này nhanh chóng đến thế nào, đây chính là thời điểm đó", anh nói.
Nguồn VnExpress