Trả lời:
Các nội dung về quyền của con người trên mạng internet đã được quy định tại: Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử.
- Theo Luật Công nghệ thông tin năm 2006: tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có các quyền tìm kiếm, trao đổi, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, trừ những thông tin có nội dung không lành mạnh; phân phát các địa chỉ liên lạc có trên môi trường mạng khi có sự đồng ý của chủ sở hữu địa chỉ liên lạc đó; từ chối cung cấp hoặc nhận trên môi trường mạng sản phẩm, dịch vụ trái với quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc đó; không được cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; cản trở bất hợp pháp hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, phá hoại thông tin trên môi trường mạng; không được cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích chống phá nhà nước, kích động bạo lực, tiết lộ bí mật nhà nước, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
- Luật An ninh mạng năm 2018 cũng đưa ra nhiều quy định nghiêm cấm các cá nhân về hành vi chống phá trên không gian mạng như: không được sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chống phá Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; không được thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia,…
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có một số quy định về quyền công dân trên không gian mạng như:
- Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 quy định quyền tự do ngôn luận trên báo chí (báo giấy, báo hình, báo nói, báo chí điện tử - không gian mạng). Các quyền này của công dân bao gồm: (1) Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; (2) Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (3) Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.
- Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân trên không gian mạng. Đó là: công dân có quyền tiếp cận thông tin từ chính môi trường mạng; quyền của công dân được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
- Điều 4, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định một trong những nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là “bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng”.
Như vậy, với hành lang pháp lý hiện nay, cá nhân, công dân có quyền tự do được sử dụng không gian mạng vì lợi ích cá nhân; có quyền được bảo vệ các quyền và tự do của mình từ phía các cơ quan công quyền và chủ động tự thực hiện (thực hành) quyền tự do cá nhân trên không gian mạng.
BBT
1Luật An ninh mạng, Nxb.Tư pháp, H.2018, tr.12.