Xuyên suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam phải trải qua rất nhiều khó khăn khắc nghiệt, đặc biệt vào cuối thế kỷ XIX đất nước bị mất nền độc lập khi phải đối đầu với kẻ thù đến từ phương Tây với một phương thức sản xuất hiện đại hơn. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thách thức và tạo lập được những thắng lợi vĩ đại, vẻ vang, thật sự xứng đáng “viết tiếp vào lịch sử của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng những trang vàng chói lọi”[1].
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1930 – 1975)
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của hàng nghìn năm dựng nước đi đôi với giữ nước. Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài, gian khổ, dân tộc ta sớm hình thành truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất. Vì thế ngay từ khi thực dân Pháp tấn công và xâm lược Việt Nam (31/8/1858), các phong trào yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và mạnh mẽ bằng nhiều con đường với nhiều khuynh hướng khác nhau. Tuy nhiên do hạn chế lịch sử, nhất là thiếu một đường lối lãnh đạo đúng, các phong trào yêu nước đã không thành công. Trước bối cảnh đó, với khát vọng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập - đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từ đây Đảng đã lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Ngay sau khi được thành lập, trong điều kiện cực kỳ cam go khi phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp, Đảng đã bản lĩnh, trí tuệ trong lãnh đạo các cao trào cách mạng và làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã giành độc lập cho đất nước, đưa nhân dân thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than và ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chỉ ba tuần sau khi giành độc lập, thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam, cả dân tộc một lần nữa lại đứng lên đấu tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva (ngày 21/7/1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chiến thắng 30/4 lịch sử thống nhất đất nước (Ảnh tư liệu)
Sau Hiệp định Geneva, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, vĩ tuyến 17 với dòng sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương đã trở thành điểm chia cắt đất nước. Trước thực tế lịch sử khắc nghiệt đó, Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ. Cả dân tộc bước vào những năm tháng “cả nước cùng đánh Mỹ” với một khát vọng rực cháy trong tim đó là khát vọng hoà bình, khát vọng thống nhất đất nước. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo, Đảng đã khơi dậy khát vọng và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giành thắng lợi trong các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối vào ngày 30/4/1975. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã kết thúc vẻ vang 30 năm Đảng lãnh đạo chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước, cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Với những thắng lợi to lớn của đất nước trong những năm tháng chiến tranh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Nhìn lại chặng đường 1930 - 1975, chúng ta rất đỗi tự hào, tin tưởng và biết ơn sâu sắc Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã luôn luôn sáng suốt lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác”[2].
Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Sau khi hòa bình được lập lại, trong điều kiện phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn gay gắt, cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với việc kéo dài quá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp trong bối cảnh đất nước hòa bình cùng với những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác đã dẫn tới sự khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng của đất nước từ cuối những năm 70 của Thế kỷ XX. Trước tình hình đó, trên cơ sở tổng kết sáng kiến trong thực tiễn của Nhân dân, với bản lĩnh kiên cường của một chính đảng cách mạng dám nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước.
Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Trước cơn địa chấn về chính trị, Đảng vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo, kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng gió, tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn của đất nước ngày càng sáng rõ. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; lực lượng sản xuất rất thấp, lại phải trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, do đó nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Đảng đã hình thành nhận thức tổng quát về xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc đưa ra khái niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thành phố Hồ Chí Minh vươn mình trong sự nghiệp đổi mới
Trải qua những chặng đường đầy gian lao thử thách, đặc biệt là những thời khắc cam go của lịch sử dân tộc, những thành tựu vĩ đại của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng rõ nét nhất, hùng hồn nhất chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Những thắng lợi vĩ đại đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự trưởng thành vững vàng của Đảng, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” đã khẳng định: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
[1] Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tạp chí Lý luận chính tri điện tử.
[2] Trích trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Minh Phụng