Cốm làng Vòng
Nhắc tới những món ăn được yêu thích nhất khi tiết trời vào thu ở Hà Nội, không thể không nhắc tới cốm. Cốm được làm ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất là cốm làng Vòng.
Hạt lúa nếp non bấm ra sữa, rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, hóa thân thành thức quà gây thương nhớ mà nức tiếng là cốm làng Vòng. Những hạt cốm xanh dẹt gói trong lá sen vừa để giữ độ dẻo, vừa làm dậy lên hương thơm nhẹ, từ lâu đã trở thành tinh túy của ẩm thực Hà Nội.
Trong tiết thu Hà Nội, được thưởng thức những “biến tấu” của cốm với nhiều món ăn ngon, lạ miệng như chả cốm vàng ruộm, xôi cốm dẻo bùi hay cốm xào thơm ngậy mùi cốt dừa... thì ấn tượng thật khó phai.
Quả hồng
Cứ đến độ tháng 9, những mẹt hồng đỏ rực lại "chạm" điểm nhìn bao người, hút bao ánh mắt du khách trên những phố Hà Nội. Những quả hồng chín tới, căng mọng, vị ngọt sắc hấp dẫn không thể thiếu trên mâm cỗ Trung thu của mỗi gia đình.
Ngoài hồng đỏ, người Hà Nội còn thưởng thức hồng ngâm mỗi độ thu về. Những quả hồng khi vừa hái xuống còn xanh chát, qua bàn tay khéo léo của người ngâm với bí quyết riêng đã trở thành những quả hồng vàng ươm, giòn ngọt, hương vị khó quên.
Sấu chín
Trong ánh nắng thu vàng như rót mật, những quả sấu chín vàng ươm được cạo lớp vỏ bên ngoài, dầm với đường, muối và ớt bột là thức quà đặc biệt trong những thức quà Hà Nội, nhất là với giới trẻ Hà thành cũng như du khách, không phân biệt người trong nước hay nước ngoài.
Món ăn đơn giản mà thú vị ở chỗ, sấu chín không chua gắt như lúc còn xanh, mà đã lẫn vị ngọt, trong khi vẫn giữ được độ giòn và mùi thơm đặc trưng.
Bánh trung thu cổ truyền
Dù trên thị trường tràn ngập nhiều loại bánh trung thu với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú, nhiều người Hà Nội vẫn không ngần ngại xếp hàng trước những tiệm bánh trung thu gia truyền để mua cho được những cặp bánh trung thu lưu hương vị xưa.
Với nhiều người, chọn bánh trung thu cổ truyền như một cách tìm về ký ức, để thưởng thức hương vị, được sống trong nỗi hoài nhớ một thời.
Cách thức làm bánh trung thu cổ truyền của người Hà Nội rất cầu kỳ. Nguyên liệu chuẩn bị từ vài tháng trước Tết Ông Trăng. Đường đỏ nấu với dứa hoặc chanh, mạch nha, nước tro tàu. Nấu xong, đậy kín để om trong hai, ba tháng cho lên màu đẹp rồi mới đem ra làm bánh. Những bánh nướng nhân thập cẩm làm từ lạp xường, lá chanh, hạt dưa..., những bánh dẻo trắng mịn, thoảng hương hoa bưởi trong trẻo, tinh khiết nay lại tươi tắn hiện diện trên những bàn trà gia đình chả cứ sang nghèo, cũng như trở thành thứ quà không thể thiếu của không ít người "đi Hà Nội về" đúng độ thu sang.
Theo Hanoimoi.com.vn