Công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa sẽ bùng nổ
Giống như việc ứng dụng phần mềm họp trực tuyến đã bùng nổ trong quá trình làm việc tại nhà của năm qua, năm nay, các công ty thành công trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đẩy nhanh việc áp dụng hạ tầng và các dịch vụ được nâng cấp cho phép một môi trường làm việc thông minh và linh hoạt hơn.
Môi trường này bao gồm phương thức làm việc kết hợp (hybrid work), là sự kết hợp chặt chẽ giữa làm việc tại văn phòng thông thường và các hệ thống làm việc từ xa - hoàn toàn khác biệt với cách làm việc truyền thống.
Thiết bị gia dụng ngày càng "thông minh"
Thế hệ sản phẩm "thông minh" đầu tiên thực sự chỉ là "sản phẩm được kết nối với Internet", từ smartphone có thể lướt web đến TV kết nối với Youtube và Netflix. Công nghệ học máy sau này đã nâng tầm các thiết bị đó.
Ngày nay, thay vì chỉ cho phép người dùng xem nội dung trực tuyến và chạy các ứng dụng cơ bản, TV thông minh tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh hình ảnh và âm thanh phù hợp với môi trường xung quanh, tích hợp các thuật toán nhận dạng ngôn ngữ để chủ nhân có thể điều khiển chúng bằng giọng nói. Các thiết bị tiêu dùng thông minh của năm 2022 sẽ dựa trên nền tảng này để cung cấp các giải pháp được cá nhân hóa cho những yêu cầu đặc biệt từ phía người dùng, như điều chỉnh góc chiếu màn hình TV hay theo dõi hoạt động của chủ nhân để đưa ra lời khuyên về thể chất.
Web 3.0 và tiền điện tử
Giai đoạn đầu tiên của Internet là sự ra đời của các trang web và blog, cho phép sự xuất hiện của các công ty như Yahoo, eBay và Amazon. Lần lặp lại tiếp theo là Web 2.0, được xác định bởi mạng xã hội và nội dung do người dùng tạo trên các trang như Facebook và YouTube.
Benedict Evans, một nhà phân tích độc lập chuyên về Thung lũng Silicon cho biết, Web 3.0 sẽ ra đời và nền tảng này sẽ là sự hợp tác của người dùng, người sáng tạo và nhà phát triển.
Một bước mang tính cách mạng như vậy có thể được thực hiện nhờ công nghệ blockchain, nơi các chương trình máy tính chạy trên mạng của hàng nghìn hoặc hàng triệu máy tính.
Cho đến nay, blockchain đã cho phép sự gia tăng của các loại tiền điện tử như Bitcoin và gần đây là các đối tượng kỹ thuật số độc đáo như hình vẽ hoặc hình ảnh động được gọi là NFT.
Liên quan đến vấn đề này, David Bchiri cho rằng: “Chúng ta nói nhiều về tài chính phi tập trung, nhưng tôi nghĩ rằng vào năm 2022, chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp sử dụng được bản địa hóa hơn, sẽ đi vào cuộc sống hàng ngày”.
Khi các loại tiền kỹ thuật số có nhiều biến động như bitcoin đã đạt giá trị cao kỷ lục vào năm 2021, một loạt người chơi đã tham gia vào trò chơi, bao gồm cả các phiên bản do các thành phố Miami và New York ra mắt.
Bảo mật sẽ không còn quá phụ thuộc vào mật khẩu
AI và công nghệ cảm biến được cải tiến sẽ dần thay thế cho mật khẩu. Trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng khóa công khai (Public Key Infrastructure - PKI) - công nghệ hiện nay đang được chúng ta sử dụng để truy nhập các ứng dụng ngân hàng di động - và công nghệ xác thực đa yếu tố (Multifactor Authentication - MFA) sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của chúng ta vào mật khẩu.
Các thiết bị cảm biến sinh trắc học - xác thực bằng vân tay, khuôn mặt, mống mắt, và giọng nói - sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong bảo mật trực tuyến và bảo mật thiết bị của chúng ta trong năm tới.
Metaverse (vũ trụ ảo)
Metaverse (vũ trụ ảo) hướng đến một tập hợp các thế giới được kết nối và chia sẻ trực tuyến, trong đó sẽ bao gồm thế giới thực, thực tế ảo (virtual reality) và thực tế tăng cường (augmented reality). Mọi người gặp gỡ bạn bè, làm việc, thăm thú các địa điểm, mua hàng hóa và dịch vụ, hay tham dự các sự kiện. Trong khi nhiều mạng thế giới ảo tồn tại trực tuyến, người dùng hiện chưa thể di chuyển giữa các nền tảng mà vẫn mang theo được danh tính và tài sản của họ.
Metaverse có thể đáp ứng được điều này, biến các thế giới trực tuyến khác nhau thành một thực thể liền mạch và duy nhất. Metaverse được dự báo là bước phát triển tiếp theo của Internet.
Nhiều giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn công nghệ đang đặt cược vào Metaverse. Năm 2021, CEO của các công ty công nghệ từ Microsoft đến Google đã thảo luận về mục tiêu của họ trong tiến trình xây dựng Metaverse. Tháng 10/2021, tập đoàn Facebook cũng đã đổi tên thành Meta, để phản ánh trọng tâm chiến lược phát triển Metaverse mới của mình.
Theo Khám phá khoa học