Cách đây 70 năm, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi của quân và dân Việt Nam trước một quân đội xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp. Điện Biên Phủ, vùng đất nhỏ bé ở miền Tây Bắc xa xôi của Việt Nam, gắn với chiến thắng to lớn, trở nên nổi tiếng, là niềm tự hào chiến thắng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là nguồn động viên to lớn đối với các dân tộc đang đấu tranh giải phóng và là niềm vui chung của bạn bè quốc tế
Nói đến nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhìn nhận từ phía Việt Nam, những yếu tố sau đây là không thể thiếu được.
Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định khả năng phải tiến hành cuộc chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược ngay từ thời gian chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Đảng chủ trương lấy khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật – Pháp”, nhưng vẫn giải thích rằng "Hiện nay bọn Pháp ở Đông Dương đã đổ, ta hô đánh đổ Pháp là thừa. Song một mai, ví dụ nguy cơ Pháp Đờ Gôn trở thành trực tiếp, thì lúc ấy ai cấm ta đề ra khẩu hiệu chống Pháp?" Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng thể hiện quyết tâm: "Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp"[1].
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong hoàn cảnh giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm hoành hành, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thực hiện sách lược mềm dẻo, thêm bạn bớt thù, vừa xây dựng lực lượng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Đảng chủ trương "Hòa với Tưởng" để tập trung ổn định tình hình, giữ vững chính quyền non trẻ; "Hòa để tiến" với Pháp với nội dung đồng ý cho quân Pháp vào miền Bắc thay thế quân Tưởng nhằm “tiễn” quân Tưởng về nước; Kiên trì đấu tranh ngoại giao với Pháp để tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Trong khi đó, công tác chuẩn bị cho kháng chiến được thực hiện gấp rút: xây dựng quân đội với bộ máy cần thiết cho kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng căn cứ địa, v.v. để chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Đảng xác định cuộc chiến chống Pháp là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Đường lối này đúng với tình hình sau Cách mạng tháng Tám, tương quan lực lượng, bối cảnh quốc tế và vị thế của Việt Nam.
Trực tiếp hơn, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng khi chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Thay vì tiến công vào những nơi quân Pháp sơ hở, Bộ Chính trị đã quyết định chọn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là nơi đối phương mạnh nhất làm trận đánh quyết định để phá Kế hoạch Navarre. Phương châm “đánh chắc tiến chắ” được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ tháng 12/1953 khi quyết định mở chiến dịch. Giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng chiến dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, không chắc thắng, không đánh"[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Nhờ có hơn một năm chuẩn bị trước ngày toàn quốc kháng chiến, Quân đội Nhân dân Việt Nam trưởng thành dần qua từng trận đánh, từng chiến dịch.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Việt Nam có khoảng 8,2 vạn quân[3]. Trong giai đoạn đầu, bộ đội Việt Nam chủ yếu dùng chiến thuật "du kích vận động chiến", kiên trì công thức "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", qua đó tôi luyện, trưởng thành trong những trận đánh bằng tiểu đoàn, rồi nhiều tiểu đoàn, bằng trung đoàn hay trung đoàn tăng cường trong hàng loạt chiến dịch nhỏ.
Đến đầu năm 1950, Việt Nam có điều kiện tổ chức ra những trung đoàn chủ lực đủ mạnh và những đại đoàn chủ lực. Tháng 9/1950, quân số bộ đội Việt Nam là 20 vạn, trong đó có 16 vạn bộ đội chủ lực với những đại đoàn và trung đoàn mạnh. Cùng với 4,5 vạn bộ đội địa phương và 2 triệu dân quân du kích, lực lượng vũ trang ba thứ quân của Việt Nam đã hình thành và lớn mạnh, sẵn sàng cho giai đoạn giành thế chủ động trên chiến trường [4].
Chiến thắng Biên Giới Thu Đông năm 1950 mở đầu cho thời kỳ chuyển sang phản công, thể hiện sự trưởng thành trong chỉ đạo chiến dịch, sự biến hóa trong nghệ thuật quân sự, kỹ lưỡng trong công tác hậu cần. Chiến thắng Biên Giới cũng nối liền cuộc kháng chiến của Việt Nam với hậu phương quốc tế qua biên giới Việt – Trung. Vũ khí, trang bị được gửi từ Trung Quốc sang đã giúp quân đội Việt Nam ngày càng trở nên chính quy, hiện đại.
Các chiến dịch tiến công tiếp sau đó: chiến dịch Trần Hưng Đạo (25/12/1950 đến 17/01/1951), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (20/3 đến 17/4/1951), chiến dịch Quang Trung (28/5 đến 20/6), chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 đến 23/02/1952), chiến dịch Tây Bắc (14/10 đến 10/12/1952), chiến dịch Thượng Lào (13/4 đến 03/5/1953) v.v. giúp cho Việt Nam giữ được quyền chủ động về chiến lược, tiếp tục đẩy Pháp vào thế bị động, lúng túng. Đến đây, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm quen với cách đánh tập đoàn cứ điểm, cách tổ chức dân công tiếp viện chiến dịch – những kinh nghiệm quý báu cho chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.
Từ tháng 12/1953, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các đơn vị chủ lực thực hiện các đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, không cho Pháp tập trung binh lực cơ động ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà phải phân tán thành 5 nơi ở Đông Dương: đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ, Sênô, An Khê và Pleiku, và LuăngPrabăng. Chiến tranh du kích diễn ra mạnh mẽ trên cả nước nhằm “chia lửa” với Điện Biên Phủ.
Chiến dịch được mở giữa thời tiết giá rét, mưa dầm, nên bộ đội phải chịu nhiều gian khổ để xây dựng trận địa, lao động cật lực từ 14 đến 18 tiếng mỗi ngày. Những đêm giá rét đào trận địa, mồ hôi các chiến sĩ vẫn tuôn chảy, bàn tay phồng rộp, rớm máu. Hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh dũng cảm, quyết lấy máu đào của mình góp phần giành thắng lợi cho chiến dịch.
Đội quân vận tải đặc biệt cho chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, hăng hái đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến
Lịch sử Việt Nam cho thấy tất cả các cuộc kháng chiến muốn thắng lợi, ngoài tài năng của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, thì cuộc kháng chiến đó nhất thiết phải nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn thể nhân dân. Năm 1405, trước họa xâm lăng của quân nhà Minh, vua Hồ Hán Thương đã triệu tập an phủ sứ các lộ về kinh họp bàn. Lòng dân là điều rất quan trọng đối với triều Hồ lúc bấy giờ. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói với Hồ Hán Thương khi: "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo thôi"[5].
Chiến lược quân sự của Đảng là "chiến tranh nhân dân". Điều này xuất phát từ điều kiện cụ thể của Việt Nam từ những ngày đầu sau khi giành được độc lập. Cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược do Đảng lãnh đạo được xác định là cuộc chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính". Để có thể chiến thắng, nhất là trong chiến tranh giải phóng, phải huy động được sức mạnh của toàn dân.
Nếu không có sự ủng hộ của nhân dân, quân đội Việt Nam không có những trận thắng trước khi thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ để tạo thế đứng trên toàn bộ chiến trường Đông Dương, cũng như sẽ không có những trận thắng ở các chiến trường phối hợp.
Không có sự ủng hộ của nhân dân, lương thực, vũ khí, thuốc men v.v. sẽ không đủ cung cấp cho cho mặt trận Điện Biên Phủ. Theo kế hoạch được Bộ Chính trị thông qua tháng 12/1953, trận đánh được dự kiến 45 ngày, nhưng giờ nổ súng phải hoãn từ ngày 20/1 đến tận ngày 13/3/1954, nên thời gian dài hơn so với dự kiến (56 ngày) dẫn đến những phát sinh lớn trong công tác hậu cần phục vụ chiến đấu. Nhân dân các địa phương cùng các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong anh dũng mở đường, phá bom nổ chậm để bảo đảm giao thông phục vụ kéo pháo vào trận địa. Trên 26 vạn dân công miền ngược, miền xuôi, vùng tự do và vùng bị tạm chiếm phục vụ tiền tuyến với trên 14 triệu ngày công. Hình ảnh từng đoàn xe đạp thồ chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ nói lên quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam cho đến ngày thắng lợi.
Quân Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Sự ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ của nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế
Sự ủng hộ quốc tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là kết quả của đường lối đối ngoại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau Cách mạng tháng Tám.
Đó là sự ủng hộ của nhân dân Lào và Campuchia trong bối cảnh cả Đông Dương là một chiến trường. Đây là yếu tố quan trọng để tổ chức các chiến dịch phối hợp trước và trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đó là sự ủng, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế, trước hết là nhân dân Trung Quốc. Từ trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Việt Nam đã có các hoạt động phối hợp, hỗ trợ cách mạng Trung Quốc tại các khu vực gần biên giới Việt - Trung. Sau thắng lợi của chiến dịch Biên Giới Thu-Đông năm 1950, một dải biên giới phía bắc của Việt Nam được giải phóng, khai thông với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Trong bối cảnh và xu thế quốc tế lúc bấy giờ, sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế, trực tiếp là Trung Quốc, là cực kỳ quý báu và có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên trên thế giới. Thực dân Pháp dù được Mỹ giúp đỡ, nhưng cũng không thể tái lập được chế độ thực dân cũ ở ba nước Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam mang lại bài học, niềm tin vào tương lai của cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.
LVS
[1] Đàng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, T7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 414, 436.
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký (in lần thứ hai), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 927.
[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sách đã dẫn, tr. 388.
[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sách đã dẫn, tr. 586-588.
[5] Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Tạ Ngọc Liễn (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập 3, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr. 52.