Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh những ngày giáp Tết Nguyên đán tới nay đã cơ bản được khống chế, kiểm soát. Có được kết quả này, ngoài quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, không thể thiếu sự đóng góp công sức của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên phục vụ, lực lượng tình nguyện viên và cả những thành viên Tổ chống dịch cộng đồng.
Trở về từ tâm dịch Đông Triều, bác sỹ Vũ Trí Tuệ, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vẫn nhớ như mới hôm qua lần đầu tiên đi lấy mẫu, truy vết bệnh nhân với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhận lệnh tăng cường vào ban đêm, ăn vội suất cơm dưới căng tin bệnh viện, gọi một cuộc điện thoại về nhà rồi cùng đồng nghiệp lên xe làm nhiệm vụ.
Hơn 10 ngày truy vết thần tốc, quyết liệt theo chỉ đạo của tỉnh, các bác sỹ, kỹ thuật viên và sinh viên y khoa trong đoàn công tác đã làm việc không kể ngày đêm, lấy hàng chục nghìn mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Bác sỹ Vũ Trí Tuệ cho biết: Dù biết đây là công việc nguy hiểm, vất vả nhưng với ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, hơn 110 thành viên đoàn công tác đã cùng nỗ lực.
“Chúng tôi ghi chép lại đầy đủ thông tin của người lấy mẫu, bác sỹ sẽ tự cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và nếu an toàn sẽ quay trở lại tiếp tục tham gia công tác khoanh vùng. Lúc đấy sức mạnh tinh thần rất lớn. Mỗi người cố gắng bằng 5-6 lần ngày thường. Nghĩ mọi cách, phương pháp, cải tiến cách mình làm sao cho nhanh nhất và khoa học nhất. Tất cả mọi người cùng 1 tinh thần, cùng 1 mục tiêu chống dịch, và sự đón nhận của bà con nhân dân với sự trân trọng dành cho những người lấy mẫu trong những ngày vừa qua là động lực giúp chúng tôi vượt qua tất cả”, bác sĩ Tuệ cho biết thêm.
Tham gia chiến dịch thần tốc truy vết nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, có lẽ chị Phạm Thị Thu Huyền, điều dưỡng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển sẽ chẳng bao giờ quên cảm giác chơi vơi khi tưởng rằng công việc sắp kết thúc, được về ăn Tết với gia đình nhưng ngay trong đêm, có ca bệnh trong cộng đồng.
“Chúng tôi đã chia tay vui vẻ, chuẩn bị về bệnh viện thì lúc 21h có lệnh phải truy vết 3.579 mẫu từ F1, F2 liên quan tới ca F0 tại xã Nguyễn Huệ. Đoàn chúng tôi ngay lập tức chia thành 1 nhóm 40 người xuống mỏ Vàng Danh và lấy thông đêm, nguyên một ngày hôm sau và đến rạng sáng ngày 29 Tết âm lịch chúng tôi lấy mẫu cuối cùng để bàn giao cho Ban chỉ đạo Đông Triều”, chị Huyền cho hay.
Thần tốc truy vết, thần tốc khoanh vùng, nâng cao năng lực xét nghiệm, kiên quyết và nhanh chóng cách ly triệt để các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao... đó là biện pháp quyết liệt được Quảng Ninh thực hiện đồng bộ ở tất cả các địa phương phát sinh ổ dịch. Các cơ sở điều trị tại tỉnh Quảng Ninh cũng sẵn sàng trang thiết bị, nhân lực, vật tư y tế đáp ứng tình huống phát hiện hàng trăm ca nhiễm trong thời gian ngắn. Hiện 6 phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh được trang bị những máy móc hiện đại có khả năng xử lý 10.000 mẫu đơn và trên 50.000 mẫu gộp mỗi ngày, trả kết quả trong 24 giờ.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi đã quyết định các mẫu F1 không làm gộp. 100% F1 là làm riêng, F2, F3 làm gộp. Bởi chúng ta đã huy động cả nghìn người đi lấy mẫu mà nếu các em ấy mải lấy mà không ghi chi tiết ra mà lẫn mẫu thì nguy hiểm. Người cần cách ly nhưng lại cách ly người âm tính thì hậu quả sẽ khó lường”.
“Chúng tôi đã đặt ra những kịch bản nữa là tiếp tục có những ca bệnh dương tính nhưng trong thời tiết mưa xuân thì sẽ truy vết như thế nào vì khi mưa nguy lây nhiễm là rất cao.? Tất cả phải được vạch sẵn để không bị động khi xảy ra vấn đề”, ông Diện cho biết thêm.
Tất cả kịch bản ứng phó với mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh đều sẵn sàng với sự phân công cụ thể đến từng lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh với tinh thần cao nhất được lên dây cót. Không chỉ riêng ngành y tế mà ngay cả các đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố đều có phương án phối hợp, xử lý tình huống khi phát hiện ca nhiễm bệnh tại địa phương, đơn vị mình.
Chính vì vậy, dù có tới 61 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 50 ca phát hiện tại cộng đồng ở nhiều địa bàn, đô thị, nhà máy... nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là các y, bác sỹ, lực lượng chức năng tham gia thần tốc truy vết, khoanh vùng, nghiêm túc thực hiện các phương án chủ động và đồng bộ ở các khu vực bùng phát dịch thì khó có thể kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian ngắn như Quảng Ninh đã làm.
“Có vẻ ban đầu mọi người không hiểu cách làm nên không ủng hộ lắm. Nhưng sau thấy đây là việc làm cần thiết, quyết liệt và nên làm. Chính vì thế Quảng Ninh kiểm soát được dịch bệnh rất là nhanh. Bà con đi lại, làm ăn, không bị khó khăn, yên tâm để sản xuất. Đó mới là điều quan trọng và cái được của tỉnh Quảng Ninh”, ông Lê Bá Phiệt - người dân thành phố Hạ Long chia sẻ.
“Chúng tôi rất cảm ơn các bác sỹ, cảm ơn những lực lượng nơi tuyến đầu và cảm ơn chính quyền đã bảo vệ người dân, cho chúng tôi đón Tết Tân Sửu an toàn. Giờ chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng vào cách chống dịch của Quảng Ninh”, bà Lê Thị Nhung - người dân phường Bãi Cháy bày tỏ.
Nhanh chóng khoanh vùng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thiết lập bản đồ vùng an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 từ thành phố tới xã phường và khai báo y tế điện tử diện rộng.
Gần 3 tuần qua không có ca bệnh trong cộng đồng, dập tắt hoàn toàn ổ dịch Vân Đồn, kiểm soát chặt ổ dịch Đông Triều, một nửa số bệnh nhân nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh là minh chứng cho sự đúng đắn trong hoạch định chiến lược cũng như triển khai hoạt động cụ thể phòng chống dịch của tỉnh Quảng Ninh.
Dịch bệnh chưa qua, những thầy thuốc áo trắng vẫn ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Họ vẫn miệt mài điều trị cho bệnh nhân và truy vết, khoanh vùng dập dịch. Có lẽ, nụ cười và cái vẫy tay tạm biệt của những bệnh nhân khỏi bệnh trở về với gia đình, cộng đồng là hạnh phúc lớn nhất của đội ngũ cán bộ ngành Y tế trong ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay./.
Vũ Miền/VOV-Đông Bắc