Thời đại Internet làm thay đổi hết sức sâu sắc đối với lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, lối sống. Niềm tin xã hội cũng chịu những tác động nhất định và chuyển biến theo xu thế mới mà cụ thể là phương thức tương tác, mối quan hệ giữa con người với con người trên nhiều bình diện khác nhau.
Trong “thời đại Internet” con người thường “đi xuyên qua” giữa “xã hội thực” (thế giới hiện thực) và “xã hội ảo” (thế giới ảo - thế giới mạng) và hơn thế nữa, trong quá trình giao tiếp xã hội, danh tính cá nhân cũng có sự chuyển biến giữa con người xã hội và “cộng đồng mạng”. Như thế có thể nói, với những thời gian và không gian khác nhau, con người có thể tiến hành giao tiếp với nhau bằng “con người thật” hoặc “cộng đồng mạng” với tư cách là thành viên. Do đó, trong thời đại Internet, trong mỗi lần tiến hành hoạt động giao tiếp, con người “đóng hai vai” vừa là con người thật đang tương tác với một con người thật (hoặc không thật), vừa là “con người ảo” đang tương tác với người ảo (hoặc người thật). Nói cách khác, cả chủ thể và khách thể của quá trình tương tác có thể là “thực” (thực danh-chính danh) cũng có thể là “ảo” (tính ẩn danh, nặc danh).
Đối với khía cạnh niềm tin xã hội mà nói, khi tương tác mặt đối mặt theo kiểu “thực danh” con người có cảm giác an toàn hơn bởi cả chủ thể và khách thể đều được xác định tại một thời điểm, trong một không gian, bàn về (hay giải quyết) một vấn đề nào đó. Tính ẩn danh, nặc danh trong môi trường Internet khiến con người cảm giác không an toàn vì thiếu sự tương tác thật.
Cần lưu ý rằng, niềm tin xã hội luôn gắn với chủ thể và khách thể của nó (tin ai, tin cái gì; tin vào ai, tin vào cái gì; vì sao tin, tin ở mức độ nào,…), nhưng một khi cả khách thể và chủ thể đều chịu tác động và có xu hướng biến đổi (cả yếu tố tích cực và tiêu cực) thì cũng là điều đặt ra cho việc định hướng niềm tincủa nhà lãnh đạo, quản lý xã hội. Nói cách khác, đối với hoạt động quản lý xã hội trong thời đại Internet, cần phải có cơ chế “vật trung gian” cho niềm tin. Vật trung gian đó chính là “sự thật” được bảo đảm bởi hệ thống pháp luật và các quy phạm đạo đức gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát và các chế tài tương ứng đối với các hành vi lệch lạc (social deviation).
Trong xã hội truyền thống, thậm chí là trước khi mạng Innternet phát triển mang tính phổ cập, do tính di động xã hội thấp, phạm vi và không gian của niềm tin xã hội chỉ được giới hạn bởi những con người xã hội thực thụ với tiêu chí “người quen”, chí ít là trong mạng lưới xã hội (social network) của cá nhân. Trong xã hội hiện đại gắn với công nghiệp hóa-đô thị hóa như hiện nay, tính di động xã hội ngày càng mở rộng hơn, con người bắt đầu tiếp nhận và tương tác với “những người thân quen xa lạ” để trở thành “những người xa lạ thân quen” mà không còn giới hạn bởi khu vực hay biên giới quốc gia bởi tính chất mở và tính toàn cầu của mạng Internet. Chính điều này cũng đã tác động đến niềm tin xã hội trên bình diện phạm vi và giới hạn không gian. Sự mở rộng này vừa mang ý nghĩa tích cực và tiêu cực, vừa có ý nghĩa ở tầm lý luận cũng như thực tiễn cho nghiên cứu vấn đề niềm tin trong thời đại mới.
Thời đại Internet đã tác động đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội và làm thay đổi kết cấu xã hội, trong đó có niềm tin xã hội.Nếu như trong xã hội truyền thống, đạo đức và pháp luật là nền tảng để điều chỉnh hành vi của con người thì trong “thời đại Internet” còn có yếu tố của “giao thức truyền thông” (communication protocol), từ đó nảy sinh ra “mô thức niềm tin xã hội gắn với giao thức truyền thông”.
Chẳng hạn, cách thức giao tiếp truyền thống với sự ràng buộc của yếu tố “trực tiếp” và “con người thật” khiến chủ thể và khách thể của niềm tin phải đưa hệ thống đạo đức, pháp luật làm hệ quy chiếu của tương tác. Con người có thể “không tin tưởng” một người khác khi “nghe được, nhìn thấy” một điều gì đó không phù hợp với văn hóa, lối sống của cộng đồng, dân tộc, quốc gia mình. Đặt niềm tin vào ai đó không phải là việc đơn giản mà cần phải lặp lại ở những “tần suất” nhất định. Thế nhưng, với kỹ thuật và môi trường Internet, chỉ cần giao thức truyền thông của đối tượng phù hợp với giao thức truyền thông của chủ thể thì quá trình giao tiếp có thể diễn ra, thậm chí niềm tin xã hội được hình thành sau đó. Như vậy, chỉ cần có “tiếng nói chung” hay “ngôn ngữ chung” bằng những giao thức tương tác đặc thù thì con người có thể “tin nhau”. Nói cách khác, mô thức niềm tin xã hội có sự thay đổi lớn trong xã hội hiện đại.
Như vậy, yếu tố tích cực mà “thời đại Internet” tạo ra cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, trong hình thành tính cố kết giữa các cộng đồng xã hội, nhưng cũng làm thay đổi (và biến đổi) một số khía cạnh của niềm tin xã hội. Niềm tin xã hội chịu tác động của nhiều yếu tố trong đó có quy phạm văn hóa, thể chế xã hội, kết cấu xã hội, biến đổi xã hội,... Biến đổi xã hội trong “thời đại Internet” đã làm cho chủ thể và khách thể của niềm tin xã hội ngày càng phức tạp hơn; phạm vi và nội dung của niềm tin xã hội được mở rộng, thậm chí thẩm thấu đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, làm cho kết cấu nội tại về niềm tin biến đổi và hình thành các mô thức mới mà trước đây khó ai có thể đoán định.
Vấn đề đặt ra đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội là nắm bắt được bản chất, đoán định định xu thế biến đổi xã hội nói chung, biến đổi niềm tin xã hội nói riêng để có những động thái tích cực, kịp thời và khoa học điều chỉnh hành vi quản lý, điều chỉnh cơ chế chính sách, điều chỉnh thể chế cho phù hợp.
Phạm Đi