Mặc dù Pháp sớm bộc lộ dã tâm xâm lược trở lại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tư tưởng và hành động của Người, vẫn luôn thể hiện rõ nỗ lực khôi phục và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia
Kiên trì kêu gọi chính phủ Pháp tôn trọng nền độc lập của Việt Nam và luôn mong muốn hợp tác bình đẳng với nước Pháp
Trong Bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại (ngày 03/10/1945), thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu của Việt Nam là tham gia giữ gìn hòa bình thế giới: “Đối với các nước Đồng minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài”[1]. Về quan hệ với nước Pháp và nhân dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm hòa bình, hữu nghị và hợp tác: “Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hòa bình (từ trước tới nay chưa có một cuộc điều đình như vậy, nhưng giả sử có, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ hoan nghênh)….”[2].
Ngày 06/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ. Theo Hiệp định, về mặt pháp lý, Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Quân đội Pháp khi vào miền Bắc cũng được quy định rõ về địa điểm, thời gian và số lượng. Hiệp định sơ bộ khẳng định tinh thần hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam, là quyết định đúng đắn, sáng tạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo thời gian hòa hoãn để nhân dân ta củng cố thành quả cách mạng mới giành được, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 31/5/1946, “theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Chuyến thăm của Người là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam trong những năm 1945-1946 để cứu vãn nền hòa bình trong khi thực dân Pháp đang quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa.
Tận dụng thời gian quý báu ở nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các quan chức và đại biểu Quốc hội Pháp, tiếp Việt kiều từ các miền về thăm, gặp gỡ người dân địa phương, thăm phong cảnh để hiểu biết nhiều hơn về đời sống của nhân dân và tình hình nước Pháp.
Ngày 22/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris Trong suốt 86 ngày ở Thủ đô nước Pháp, Người coi đây là một dịp tốt để tranh thủ cảm tình của nhân dân Pháp và thế giới; chủ động, khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế, sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp, bạn bè và nhân dân các nước trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris, tháng 6/1946 (Ảnh tư liệu)
Nhằm phát huy vai trò và tác dụng tuyên truyền của báo chí trong hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh giành nhiều thời gian tiếp xúc với báo chí, nhất là với giới báo chí của Pháp và nước ngoài (Trung Hoa, Ấn Độ, Thụy Điển, Anh, Mỹ...), gặp gỡ nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, giới văn hóa, xã hội của Châu Á, Châu Âu, Châu Phi.
Các cuộc tiếp xúc với giới báo chí được tiến hành dưới nhiều hình thức như: trả lời phỏng vấn, họp báo, mời cơm, mời tiệc trà cá nhân và tập thể. Người luôn chủ động làm cho các ký giả hiểu rõ lập trường của Việt Nam trong cuộc đàm phán ở Fontainebleau, thiện chí của Việt Nam trong quan hệ Việt - Pháp và quyết tâm chiến đấu của cả dân tộc Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Ngày 11/7/1946, tại buổi đón tiếp của Ủy ban Trung ương Hội Pháp - Việt, Người nói: “Lòng mong ước mạnh nhất của tôi, sự quan tâm nhất của nước Cộng hòa Việt Nam, nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam là thực hiện được tình thân thiện Pháp - Việt”[3].
Trong thời gian ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc nhiều với các chính khách, các lãnh tụ của các đảng lớn của Pháp như: Phong trào Cộng hòa bình dân, Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, các nhân vật chính trị trọng yếu thuộc các đảng phái, khuynh hướng chính trị, các vị bộ trưởng và các tướng lĩnh Pháp, tiếp đại biểu quân sự các nước Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc dự ngày Hội Quân giới Pháp… Có những người quen biết từ lâu, như Vaillant Couturier, các ông Maurice Thores-Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, F. Billoux (Cộng sản), Léon Blum (Xã hội), cũng có những người danh nghĩa xã hội (SEIO) nhưng đã trở thành người thân tín của chính quyền G.Bidault như ông M.Moutet. Có những người công khai ủng hộ lập trường của Việt Nam như Justin Godart, Chủ tịch Hội Pháp - Việt và Ban Lãnh đạo Hội Pháp - Việt, có cả những người đến lúc đó vẫn chưa thay đổi nếp suy nghĩ thực dân như cựu Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, Alexandre Varenne.
Hội nghị Fontainebleau kéo dài hơn 2 tháng (từ ngày 6/7 đến ngày 13/9/1946) và thất bại do phía Pháp cố tình phá hoại đàm phán với mục đích chống nguy cơ cộng sản và vẫn giữ nguyên lập trường mà họ đưa ra tại Hội nghị Đà Lạt: Lập chế độ toàn quyền ở Đông Dương, tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, không thừa nhận Việt Nam có quyền ngoại giao riêng.
Quan điểm của Việt Nam là quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ Việt - Pháp phải dựa trên cơ sở hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cũng có lợi.
Trải qua nhiều lần gặp gỡ, tranh luận bên ngoài Hội nghị với những nhân vật Pháp chủ chốt có liên quan trực tiếp đến cuộc đàm phán như G. Bidault, M. Moutet, Max André, D’Argenlieu, với tinh thần hòa giải đầy thiện chí, Chủ tịch Hồ Chí minh và Chính phủ vẫn không thuyết phục được Pháp chấp nhận hai nội dung chính trị có ý nghĩa sinh tử đối với Việt Nam: độc lập và thống nhất.
Ngày 17/8/1946, trả lời phỏng vấn báo Franc-Tireur, Hồ Chí Minh nói: “Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp"[4].
Trước tình thế khả năng hòa hoãn ngày càng giảm, nguy cơ xung đột qui mô toàn cục ngày càng tăng, ngày 14/9/1946, với hy vọng cứu vãn hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng M.Moutet, đại diện Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước như một nỗ lực cuối cũng nhằm cứu vãn nền hòa bình đang bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh mà các thế lực thực dân phản động Pháp đang ráo riết triển khai.
Việc ký Tạm ước 14/9 được Đảng xác định là một bước nhân nhượng cuối cùng. Mặc dù không đạt được kết quả khi ký Tạm ước, nhưng Đảng khẳng định: “Việc đi Pháp của Hồ Chủ Tịch và phái đoàn Chính phủ lần này tuy không đạt được mục đích ký một hiệp ước chính thức và toàn thể với thực dân Pháp, nhưng đã mang lại cho ta một kết quả tốt đẹp: làm cho nhân dân Pháp hiểu ta và ủng hộ ta hơn; làm cho dư luận quốc tế chú ý đến Việt Nam và hiểu sự hy sinh phấn đấu và nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam.”[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Pháp, tháng 7/1946 (Ảnh tư liệu)
Giúp Đảng Cộng sản Pháp hình thành chính sách đúng đắn về vấn đề thuộc địa
Thực dân Pháp đã dùng mọi cách để “tô vẽ” cho chế độ thuộc địa; chúng thường nói về sự khai thác thuộc địa như nói về “ân sủng khai hóa”, truyền bá văn minh của nước Pháp đối với các dân tộc lạc hậu. Vì thế, phần lớn người Pháp đều chưa hiểu rõ sự vô nhân đạo của chế độ thuộc địa.
Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc đã luôn tìm cách “thức tỉnh”, thúc giục Đảng Cộng sản Pháp nói riêng, các đảng Cộng sản Tây Âu nói chung, thực thi trách nhiệm giúp đỡ phong trào giải phóng ở các thuộc địa. Người còn nhấn mạnh, sự giúp đỡ này phải mang tính thiết thực, cụ thể chứ không được dừng ở sự cảm thông chung chung hay chỉ nằm trong nghị quyết.
Sự quyết liệt, kiên trì và uy tín lớn của Nguyễn Ái Quốc đã từng bước làm thay đổi chính sách của Đảng Cộng sản Pháp về vấn đề Đông Dương. Năm 1927, đồng chí Macxen Casanh đã tuyên bố ở Nghị viện: “Chúng tôi muốn các ông (tức chính phủ Pháp - tác giả chú thích) để cho Đông Dương được tự do và độc lập như họ đòi hỏi... Không nên chờ đến lúc họ dùng đến sức mạnh để đẩy các ông đi”[6]. Không chỉ bí mật vận chuyển tài liệu tuyên truyền vào Đông Dương, khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp, Đảng Cộng sản Pháp đã thành lập Ủy ban đòi thả những người Đông Dương. Khi chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, Đảng Cộng sản Pháp đã đứng đầu phong trào phản chiến ở nước Pháp. Sau này, Đảng cộng sản Pháp thừa nhận: “Nguyễn Ái Quốc là người mở ra truyền thống chống chủ nghĩa thực dân của Đảng Cộng sản Pháp và là một trong những người thầy của Đảng Cộng sản Pháp về vấn đề thuộc địa”[7].
Luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với Đảng Cộng sản Pháp
Là một trong những người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc có mối quan hệ thân thiết với các “yếu nhân” của Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp như Marcel Cachin - chủ nhiệm báo Nhân đạo, Paul Vaiillant Couturier - nghị sỹ Quốc hội Pháp, Leo Poldes - chủ nhiệm câu lạc bộ Phơbua, Jacques Duclos - Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và phó Chủ tịch Quốc hội Pháp, Gaston Monmousseau- Chủ nhiệm báo Đời sống công nhân, Prancois Billoux - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, chủ nhiệm tờ báo Nước pháp mới… Các đồng chí đó đã giúp Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, nâng cao tri thức chính trị; đã dạy Nguyễn Ái Quốc viết báo và sử dụng báo chí trong cuộc đấu tranh cách mạng; đã luôn bảo vệ Nguyễn Ái Quốc trước sự tấn công của chính quyền thực dân…
Khi Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông, Marcel Cachin đã cho đăng trên báo Nhân đạo bài viết Nhà cách mạng Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc để kẻ thù đế quốc không thể thủ tiêu Người. Đảng Cộng sản Pháp cũng đã tiến hành cuộc vận động để giải cứu và đồng chí Paul Vaiillant Couturier đã trực tiếp liên lạc với Quốc tế Cộng sản để đưa Nguyễn Ái Quốc trở về Liên Xô. Năm 1946, khi sang Pháp đàm phán, Hồ Chí Minh đã rất tin tưởng vào sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Pháp không chỉ hết lòng giúp đỡ phái đoàn của ta cả về vật chất và tinh thần mà còn tạo sức ép để những kẻ có “đầu óc thực dân” không thể hãm hại Hồ Chí Minh, ngay cả khi cuộc đàm phán tại Fontainebleau tan vỡ.
Khắc ghi ân tình với những người cộng sản Pháp, trong quãng đời hoạt động cách mạng, Người vẫn gắn bó chặt chẽ với Đảng Cộng sản Pháp. Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh trong Chính cương thành lập Đảng là phải đoàn kết với giai cấp vô sản Pháp; Người cũng luôn suy nghĩ “làm cách nào để sự hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp thực sự có hiệu quả”[8].
Khi trở lại Pháp với tư cách nguyên thủ quốc gia, Người thường gặp gỡ những người bạn chiến đấu thân thiết của mình và luôn nhắc đến người bạn đã qua đời từ hàng chục năm trước. Tại Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam (năm 1960), Người đã nói: “Chúng ta cũng thành thực tỏ lòng biết ơn các đảng anh em khác, nhất là Đảng Cộng sản Pháp, đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta”[9]. Mối quan hệ mật thiết giữa Hồ Chí Minh với những người cộng sản Pháp chính là hình mẫu của tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.
Hòa bình, hữu nghị cho dân tộc mình và các dân tộc khác trong cộng đồng quốc tế, đề cao văn hóa đối thoại, giải quyết mọi xung đột bằng đàm phán là quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Quan điểm ấy đã làm cho nhân dân thế giới, nhất là nhân dân Pháp hiểu rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Do đó, ngày 12/4/1973, khi nhân dân Việt Nam đang kiên cường, anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thì Cộng hòa Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Minh Dương
[1] Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 132.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 85.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.4, tr 309.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr 323.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 119-120.
[6]Alanh Ruytxiô: Tình đoàn kết chiên đấu vô sản Việt - Pháp, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1980, tr.80.
[7] Charles Fourniau: Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta, Nxb. Xã hội, Pari,1970, tr.31.
[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr26 .
[9]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr 672 .