Với 100% thành viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã thông qua nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo nghị quyết, về số giờ làm thêm trong 1 năm, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.
Trừ các trường hợp: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi...
Việc nới "trần" thời gian làm thêm sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình sản xuất, đồng thời cũng giúp người lao động tăng thêm thu nhập
Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Theo Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hà Tất Thắng, qua khảo sát có những doanh nghiệp có 20% thậm chí đến 70% số lao động mắc F0 dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ trong thời điểm 1 tuần hoặc nửa tháng là rất lớn.
"Trước tình hình thực tế, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lớn, công ty… có ý kiến có giải pháp hỗ trợ. Giải pháp nới trần giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng cũng là một giải pháp giúp cho doanh nghiệp", ông Thắng cho biết.
Còn về phía người lao động, theo ông Thắng, qua khảo sát đa số đồng tình và muốn làm thêm. Vì trong thời gian qua, doanh nghiệp ngừng làm việc thì người lao động cũng ngừng việc, thậm chí nhiều người phải về quê.
"Bây giờ có điều kiện quay lại sản xuất, họ rất muốn được đi làm, ổn định, thậm chí làm thêm giờ”, ông Thắng cho biết.
Vấn đề thời gian làm thêm giờ đòi hỏi sự thỏa thuận, có sự tham gia của ba bên, trong đó, Nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp lý, doanh nghiệp dựa trên nhu cầu và chi phí có chịu được không, người lao động cũng vậy. Khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được tổ chức làm thêm giờ. Tăng giờ làm thêm phải trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 phía... cả về số giờ, tiền công và chế độ tăng ca.
So sánh giờ làm thêm với các quốc gia khác, theo ông Hà Tất Thắng, qua khảo sát tại các nước châu Á và Đông Nam thì các nước trung bình và đang phát triển làm thêm giờ khoảng 70 giờ, thậm chí đến 104 giờ/tháng. Còn các nước kém phát triển thì làm thêm giờ không giới hạn.
“Bình thường chúng ta chỉ quy định tối đa 40 giờ làm thêm trong 1 tháng, trong bối cảnh cấp bách này mới nâng lên 60 giờ”, ông Thắng nhấn mạnh.
Dĩ nhiên xu hướng tiến bộ của nhân loại khi năng suất cao hơn, của cải làm ra nhiều hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại hơn… thì thời gian làm việc hoặc làm thêm sẽ cải thiện để phù hợp với thực tiễn. Nhưng do trình độ của chúng ta còn hạn chế, doanh nghiệp lại gia công, chế biến theo đơn hàng xuất khẩu nên bị sức ép về thời gian, kéo theo đó là phải tăng ca, làm thêm giờ.
Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về nội dung này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng về lâu dài, cần có những nghiên cứu tổng thể để quy định làm thêm giờ phù hợp với thể chất của người lao động. Có như vậy vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập & bảo vệ sức khoẻ của người lao động.
Nguồn VTV