Các thế lực thù địch lợi dụng những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài trong Nhân dân để tìm cách làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở những vùng nông thôn càng trở nên phức tạp và cố tình nhân rộng “điểm nóng” để kích động, tập hợp lực lượng, móc nối lôi kéo, tạo dựng ngọn cờ, thực hiện ý đồ biểu tình, bạo loạn lật đổ. Chúng còn triệt để lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội của các cơ quan, chính quyền các cấp, nhất là việc giải quyết không kịp thời, thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người dân ở một số vùng quê và lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đồng thời, lợi dụng tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở một số vùng nông thôn diễn biến phức tạp do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường để đưa tin, tuyên truyền sai bản chất sự việc, hiện tượng, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới làm cho người dân hoài nghi, mơ hồ, thiếu niềm tin vào sự nghiệp đổi mới nói chung, chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, chúng lôi kéo, kích động một bộ phận nhân dân, nhất là thanh niên nông thôn tham gia vào các tổ chức phản động chống lại Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Vậy, đâu là cơ sở để đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam?
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và không ngừng nâng cao đời sống nông dân, trong đó coi nông thôn là địa bàn chiến lược quan trọng góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước. An ninh nông thôn là nền tảng của an ninh quốc gia, nên bảo vệ an ninh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước, từ năm 2010 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện... Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010-2021), Chương trình đã đạt được những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của để nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn mỗi năm một tăng. Đến hết năm 2020, cả nước có 62,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 12,4% so với mục tiêu đặt ra của Chương trình đến năm 2020 là 50%); đến tháng 7-2021, tăng lên 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…[1].
Những thành tựu quan trọng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia, xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là những minh chứng thực tiễn sống động phản bác lại các luận xuyên tạc của các thế lực thù địch về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nông thôn một lần nữa trở thành địa bàn tránh dịch lý tưởng. Trong tình hình mới, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá trên địa bàn nông thôn. Do đó, mỗi cấp ủy, chính quyền phải không ngừng nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ tình hình và nhận thức đúng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên tất cả các lĩnh vực ở nông thôn. Qua đó, tiếp tục củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thanh niên nông thôn, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1]Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021), Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và một số điểm mới cho việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, theo Báo Điện tử Chính phủ: Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, http://baochinhphu.vn/Xay-dung-nong-thon-moi/Xay-dung-nong-thon-moi-dat-ket-qua-to-lon-toan-dien-va-mang-tinh-lich-su/439590.vgp, ngày 23-7-2021.
Trọng Hùng