Chia sẻ về lý do lựa chọn nghiên cứu về u nguyên bào thần kinh trẻ em, Quỳnh Giang cho biết, đây là một căn bệnh ung thư có tiên lượng rất xấu nhưng hiệu quả điều trị lại còn rất hạn chế cho bệnh nhi. Sau khi tìm hiểu về sinh bệnh học, điều trị của các loại ung thư khác và u nguyên bào thần kinh, nữ sinh nhận thấy collagen là một hợp chất trong vi môi trường khối u đang được tập trung nghiên cứu. “Nhiều người nhận thấy rằng, đây là một hợp chất rất có tiềm năng trong việc ức chế khối u, vì các chức năng của nó dính liền đến sự phát triển và sự ổn định của khối u. Tuy nhiên, lúc đó, khi mình tìm kiếm, mình lại chưa tìm thấy nghiên cứu liên quan đến collagen và u nguyên bào thần kinh. Vì vậy, mình quyết định nghiên cứu về sự biến tính collagen và u nguyên bào thần kinh”, Quỳnh Giang cho hay.
Cùng sự hiểu biết của bản thân, sự hướng dẫn của TS Bùi Chí Bảo, Quỳnh Giang nhận thấy điểm mới của nghiên cứu này chủ yếu ở việc đây là một trong các nghiên cứu đi đầu trong việc tìm hiểu về collagen và u nguyên bào thần kinh trẻ em. Không chỉ vậy, cả thầy và trò còn áp dụng phương pháp biến tính collagen bằng cắt hủy nhiệt laser. Đây là một phương pháp cắt hủy hiện đại, được ứng dụng phổ biến trong việc điều trị các khối u rắn khác như u gan, thận, giáp, nhưng lại chưa có nghiên cứu nào về việc ứng dụng phương pháp này trên u nguyên bào thần kinh. Với Giang, chính hai điểm nổi trội của nghiên cứu này giúp cô "ghi điểm" trong mắt Ban Giám khảo Hội đồng Khoa học Y, Dược của Giải thưởng.
TS Bùi Chí Bảo (trái) là giảng viên hướng dẫn của Nguyễn Quỳnh Giang. (Ảnh: NVCC) |
Đi sâu hơn về nghiên cứu, Giang cho biết, đây là nghiên cứu in vitro, được thực hiện các thí nghiệm để tìm kiếm đáp án cho câu hỏi "Collagen biến tính có ảnh hưởng như thế nào đến khối u nguyên bào thần kinh?". Đối với mỗi đặc tính của collagen biến tính, giảng viên hướng dẫn đã hướng dẫn cho nữ sinh viên sử dụng các thí nghiệm, phương pháp nuôi cấy khác nhau để trả lời các vấn đề đặt ra. Sau quá trình làm thí nghiệm, Giang rút ra được các kết luận như: Cắt hủy nhiệt bằng laser gây biến tính collagen không hồi phục và giảm độ cứng mẫu tế bào thí nghiệm; Collagen biến tính do cắt hủy laser làm giảm sự tăng sinh, giảm sự di chuyển tế bào và tăng quá trình chết theo chu trình; Collagen biến tính do cắt hủy laser tác động đến quá trình chuyển hóa LOX/LOXL2, gián tiếp làm giảm sự di căn và quá trình chuyển tiếp trung mô - biểu mô của u nguyên bào thần kinh. Từ đó, Giang nhận định, các tác động trên đều có lợi và collagen biến tính sẽ là một tác nhân có tiềm năng cho việc điều trị u nguyên bào thần kinh.
Khi thực hiện nghiên cứu, có rất nhiều lần nữ sinh khoa Y đã muốn dừng lại nhưng vì gia đình và thầy hướng dẫn đã động viên rất nhiều nên Giang đã cố gắng chinh phục mọi thứ. Nói về cảm xúc khi đoạt giải Nhất tại cuộc thi, Giang thổ lộ: “Mình rất vui và tự hào vì tất cả ý tưởng, công sức và thời gian mình thực hiện nghiên cứu đã được mọi người công nhận. Giải thưởng này như một món quà mình dành tặng cho tất cả mọi người, đặc biệt là gia đình mình và thầy mình”.
Hiện tại, Giang đã mở rộng nghiên cứu về tác động của cắt hủy nhiệt trên hệ miễn dịch vi môi trường khối u nguyên bào trẻ em và đã nhận được các kết quả tích cực. Trong thời gian sắp tới, Giang hy vọng sẽ có thể khai thác rõ hơn về các tác động có lợi và tác hại tiềm ẩn của phương pháp này bằng các thí nghiệm in vitro và mở rộng ra thành nghiên cứu in vivo.
Quỳnh Giang sở hữu nụ cười tươi tắn. (Ảnh: NVCC) |
Là người hướng dẫn Quỳnh Giang xuyên suốt trong quá trình thực hiện nghiên cứu, TS Bùi Chí Bảo rất hạnh phúc và tự hào khi Giang có cơ hội đại diện khoa Y, ĐHQG TP. HCM tham gia cuộc thi và giành được giải Nhất. Thầy Bảo bày tỏ: “Trong quá trình làm việc, Giang cho thấy sự đam mê và quyết tâm của em từ khi là sinh viên năm thứ ba. Bài vở trên lớp khá nặng nhưng em cũng tranh thủ thời gian tham gia. Dù là người nhỏ nhất trong nhóm nghiên cứu nhưng tư duy hệ thống lại kiến thức cũng như đặt câu hỏi phản biện khách quan để giải thích biết thêm hướng nghiên cứu của em rất tốt”.
Nói thêm về lợi ích của việc sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, TS Bùi Chí Bảo nhận định, nghiên cứu khoa học mang lại nhiều lợi ích và trải nghiệm thú vị mà sinh viên nên tham gia, bởi: "Nghiên cứu khoa học cho sinh viên kỹ năng logic, tư duy phản biện; biết ứng dụng thực tiễn bài học trong sách, định hướng lĩnh vực theo đuổi sâu hơn; có được kinh nghiệm làm việc xử lý các thất bại, kinh nghiệm viết báo, giao lưu kết nối với các thầy cô đồng nghiệp khác".
Nguồn Sinh viên Việt Nam