1. Ngày 13/7/2024, khi ông Donald Trump - ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đang vận động tranh cử tại thành phố Butler, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ thì bị một đối tượng xả súng bắn bị thương. Vụ nổ súng còn khiến 01 khán giả thiệt mạng và 02 người khác bị thương nặng. Sau đó, nghi phạm đã bị cơ quan chức năng tiêu diệt.
Ngay sau đó, ông Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 13-7, đại ý rằng: Tôi biết có điều gì đó không ổn khi nghe thấy tiếng rít, tiếng súng và lập tức cảm thấy viên đạn xé xuyên qua tai phải. Khi máu chảy nhiều tôi mới hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi muốn cảm ơn cơ quan Mật vụ Mỹ và tất cả cơ quan thực thi pháp luật đã phản ứng nhanh chóng đối với vụ nổ súng vừa diễn ra ở Butler, Pennsylvania. Quan trọng nhất, tôi muốn gửi lời chia buồn tới gia đình người thiệt mạng tại cuộc vận động và cả gia đình của một người khác bị thương nặng.
Dư luận Mỹ và quốc tế nóng lên, tràn ngập mạng xã hội sau vụ nổ súng tại buổi vận động tranh cử của ông Trump ở bang Pennsylvania. Có ý kiến lo ngại về lỗ hổng của mật vụ Mỹ khi ông Trump bị bắn. Đồng thời, cũng xuất hiện những suy diễn, nghi ngờ theo các thuyết âm mưu đổ trách nhiệm cho những nhân vật mờ ám nhằm tìm cách ngăn ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống. Các thành viên đảng Cộng hòa đã đổ lỗi cho nhiều người và nguyên nhân gây ra vụ ám sát hụt ông Donald Trump: như những phát biểu đe dọa của đảng Dân chủ, sai sót của Sở Mật vụ, sức khỏe tâm thần của tay súng… Nhưng, có một điều họ không đổ lỗi là súng đạn.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu lịch sử khủng bố, xả súng hàng loạt ở Mỹ những thập niên gần đây, chúng ta thấy người Mỹ quá quen với các vụ xả súng như thế và vụ xả súng vào ông Donald Trump ngày 13/7/2024 cũng chỉ là một trong hàng trăm vụ mỗi năm tại nước Mỹ.
2. Nhiều thập kỷ qua, bạo lực súng đạn là vấn đề nan giải ở Mỹ và các nước có “súng đạn tự do”. Điển hình từ ngày 17 đến ngày 23/7/2021, tại Mỹ xảy ra 915 vụ nổ súng (trung bình 12 phút có 1 vụ), giết chết 430 người, bị thương 1.007 người. Năm 2022 xảy ra 647 vụ xả súng hàng loạt. Năm 2023 có 656 vụ xả súng (mỗi ngày trung bình có 2 vụ xả súng hàng loạt), trong đó 40 vụ giết người hàng loạt, tổng số hơn 48.000 người chết. Trong số các ca tử vong, có hơn 1.500 nạn nhân dưới 17 tuổi. Đầu năm 2024 đến nay, xảy ra ít nhất 234 vụ xả súng hàng loạt. Cũng tại nước Mỹ, trong năm học 2020 – 2021 có 146 số vụ xả súng trường học, 93 trường hợp gây thương vong, 43 vụ dẫn đến chết người. Năm học 2021 - 2022, tại các trường cấp 1, cấp 2 công lập và tư xảy ra 327 vụ xả súng (trong số đó, 188 vụ xảy ra thương vong và có 57 vụ gây thiệt mạng)[1].
Bạo lực súng đạn không chỉ khiến nhiều người dân vô tội bị thương vong mà kể cả giới nhà giàu, giới chóp bu chính trị nhiều khi cũng không được an toàn. Nhiều vụ ám sát lãnh đạo cấp cao ở Mỹ và các nước có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao vẫn thường xuyên xảy ra. Theo một báo cáo năm 2008 của Mỹ, lịch sử nước Mỹ đã chứng kiến 15 vụ tấn công trực tiếp nhắm vào tổng thống đương nhiệm, tổng thống đắc cử, ứng viên tổng thống, trong đó 5 vụ dẫn đến tử vong. Có 13 trên tổng số 45 cá nhân giữ chức vụ tổng thống là mục tiêu của hành động/âm mưu ám sát. Con số này chưa tính vụ tấn công cựu Tổng thống Donald Trump vừa xảy ra. Ở Nhật Bản, năm 2022 xả ra vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzu Abe… Gần đây, ngày 15/5/2024, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng bị bắn 4 phát đạn ở vùng bụng, ngực và chân khi ông đang gặp người dân thị trấn Handlova ở miền trung nước này…
“Văn hóa súng đạn” không chỉ đe dọa sức khỏe, sinh mạng của người dân, kể cả giới chóp bu chính trị mà sâu xa hơn, nó đã và đang hủy hoại các giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền thiêng liêng, cao đẹp ở nhiều nước, trong đó có nước Mỹ. Với hậu quả, hệ lụy như vậy, từ nhiều thập kỷ qua, trước áp lực, yêu cầu của người dân và cử tri, nhiều nghị sĩ, ứng viên tổng thống ở Mỹ và các nước yêu cầu, cam kết kiểm soát súng đạn chặt chẽ, song đều bế tắc, bất lực. Vì vậy, nhiều người gọi đó là tình trạng nan giải của “văn hóa súng đạn”.
Hai ngày sau vụ bị áp sát hụt, ông Donald Trump đã bình phục và tham dự Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa (17-7-2024). Vụ ám sát hụt đã khiến dư luận Mỹ và quốc tế lo lắng, lo ngại, kể cả các đại biểu và khách dự đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa. Song cố vấn cấp cao chiến dịch tranh cử của ông Trump là Chris LaCivita đã phát biểu rằng vụ nổ súng vào ông Trump không liên quan tới thông điệp của chiến dịch tranh cử là “làm cho nước Mỹ an toàn trở lại”. Và Đảng Cộng hòa vẫn nhất quyết không muốn thay đổi luật về súng đạn. Ông LaCivita nói: “Một điều rất quan trọng đối với chúng tôi… là cho phép những công dân tuân thủ luật pháp có khả năng mang súng và bảo vệ bản thân cũng như gia đình, và đó là vấn đề sẽ luôn quan trọng đối với đảng Cộng hòa”[2]. Thực ra, đó cũng là vấn đề luôn quan trọng đối với Đảng Dân chủ, đối với nền chính trị của Mỹ và đối với nền dân chủ ở các nước có “súng đạn tự do”.
3. Mỗi quốc gia, dân tộc, tùy điều kiện, hoàn cảnh lịch sử có thể lựa chọn, xác lập, duy trì, phát triển mô hình dân chủ và chế độ kinh tế - chính trị nhất định. Các nước cần tăng cường hợp tác cùng phát triển, đồng thời cần tôn trọng những đặc thù, khác biệt, trong đó có đặc thù, khác biệt về mô hình, thể chế dân chủ và chế độ kinh tế - chính trị. Chúng ta chia sẻ những lo lắng, lo ngại và những mất mát với người dân Mỹ, với giới lãnh đạo Mỹ và với các nước có “súng đạn tự do” mỗi khi có các vụ bạo lực súng đạn, vụ khủng bố, ám sát với những thương vong, mất mát… chúng ta càng trân trọng giá trị bình yên, tự do, dân chủ mà dân tộc ta đã và đang có được qua bao hy sinh, nỗ lực tranh đấu, dựng xây của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, luôn nỗ lực hết mình để góp phần bảo vệ, phát triển đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và luôn cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu của các thế lực phản động, thù địch xuyên tạc, chống phá, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc, các luận điệu sai trái, thù địch đòi dân chủ, tự do đa nguyên, đa đảng hay những nhận thức phiến diện, ngợi ca một chiều nền dân chủ đa nguyên.
[1] Xem https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/noi-am-anh-dai-dang-cua-nguoi-dan-my-671297.html.
Lê Mật