Vai trò quan trọng của AI trong kỷ nguyên số
AI là viết tắt của Artificial Intelligence có nghĩa là trí tuệ nhân tạo (hay trí thông minh nhân tạo. Công nghệ AI là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Thời gian qua, AI đã và đang tạo ra những biến đổi sâu sắc trong cách thức làm việc của con người, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Các công cụ AI đã chứng minh khả năng tăng năng suất làm việc lên đến 30%-50%, mở ra một kỷ nguyên mới với hiệu quả làm việc vượt trội. Sự bùng nổ của AI không chỉ đơn thuần là tự động hóa các công việc mà còn đang định hình lại hoàn toàn quy trình làm việc, khẳng định tiềm năng to lớn của công nghệ này.
Nhờ khả năng tự động hóa và phân tích dữ liệu, AI đã mang đến những đột phá đáng kể trong việc tăng năng suất và rút ngắn thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Điều này mở ra một tương lai đầy hứa hẹn, nơi các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa sức mạnh của AI để đạt được những thành công mới. Sự phát triển nhanh chóng của AI không chỉ mang đến những cơ hội mới mà còn đặt ra những thách thức đáng kể. Nhiều nhà nghiên cứu ngày càng lo ngại về những tác động tiềm ẩn của AI đối với cuộc sống của con người, đặc biệt là mối đe dọa đối với thị trường lao động.
Trên bình diện tư tưởng, lý luận, nhiều người thuộc trường phá kỹ trị phương Tây vốn có xu hướng thổi phồng vai trò của khoa học - công nghệ hiện đại đã vin vào sự ra đời, phát triển của AI để lên tiếng phủ nhận quyết định của con người đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của hoạt động sản xuất vật chất nói riêng. Có ý kiến cho rằng “đã đến lúc AI thay thế con người”, “người lao động đã bị AI gạt ra khỏi quá trình sản xuất”! Thậm chí, có những người còn muốn “xét lại” chủ nghĩa Mác, cụ thể là quan điểm về vai trò quyết định của người lao động đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là những luận điệu tấn công trực diện vào một trong những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác nên cần phải tỉnh táo để nhận diện rõ.
AI sẽ không thể thay thế vai trò quyết định của con người
Khoa học - công nghệ ở trình độ nào cũng là sản phẩm sáng tạo của bàn tay, khối óc con người nên khoa học - công nghệ, trong đó có AI dù có thông minh đến đâu, cũng chỉ là một công cụ được tạo ra bởi con người. Nó không có ý thức hay khả năng tự quyết. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các ứng dụng của AI đều phục vụ mục đích của con người, từ việc đơn giản hóa các công việc hàng ngày đến việc giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội.
AI được sinh ra từ nhu cầu và sáng tạo của con người. Nó là một công cụ được thiết kế để hỗ trợ và phục vụ cho con người. Do đó, giá trị của AI phụ thuộc hoàn toàn vào việc nó có đáp ứng được những yêu cầu và mong đợi của con người hay không. Vì thế, AI sinh ra không phải là để thay thế mà là để bổ sung cho trí tuệ của con người. Nó có thể thực hiện các công việc lặp đi lặp lại, xử lý lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó giúp con người tập trung vào những công việc sáng tạo và có giá trị hơn. Tuy nhiên, dù sao AI cũng không thể có những khả năng riêng có của con người.
Con người, với trái tim và tâm hồn, sở hữu một khả năng đặc biệt mà không một hệ thống AI nào có thể mô phỏng, đó là sự đồng cảm. Ngoài ra, trí tuệ của con người còn có khả năng linh hoạt, sáng tạo không ngừng; trong khi theo thời gian, AI cũng sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời và bản thân nó không thể tự tạo ra được những cái mới nếu không có trí tuệ của con người kết tinh vào đó. Điều đó đòi hỏi con người phải có nhận thức đúng đắn, toàn diện về AI, cả trên phương diện thời cơ mà nó mang đến cũng như những thách thức mà nó đặt ra cho chúng ta. Thay vì nhìn nhận AI một cách cực đoan, chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn. Chính con người là những người quyết định cách thức phát triển và ứng dụng AI. Vì vậy, chúng ta cần có một cái nhìn thực tế và khách quan hơn về AI để đưa ra những quyết định đúng đắn. Do đó, tương lai của AI hoàn toàn nằm trong tay con người chứ không phải sự ra đời của AI gạt con người ra khỏi quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
AI đã và đang trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số. Bằng cách tự động hóa các công việc và cung cấp những phân tích, AI giúp chúng ta đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng và đổi mới. Việc xây dựng mối quan hệ cộng sinh giữa con người và AI giúp AI khuếch đại khả năng của con người, giúp con người giải quyết những vấn đề phức tạp một cách hiệu quả hơn, đồng thời tạo ra những cơ hội mới đầy hứa hẹn.
Trong một buổi chia sẻ tại Đại học Stanford (Mỹ) vào cuối tháng 12/2024, Giáo sư Scott Bradley đã vẽ nên một bức tranh tương lai đầy màu sắc của con người có liên quan đến AI. Tương lai của chúng ta có thể là một thế giới tươi sáng - nơi AI trở thành công cụ đắc lực phục vụ nhân loại, hoặc là một viễn cảnh đen tối nếu chúng ta không sử dụng AI một cách khôn ngoan. Những phát biểu của Scott Bradley cho thấy con người phải suy ngẫm sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc định hình tương lai bởi chúng ta không chỉ là những người sử dụng công nghệ, mà còn là những người kiến tạo nên nó. Chính vì vậy, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi mang tính nguyên tắc về đạo đức và xã hội khi phát triển AI, để đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng vì lợi ích của toàn nhân loại.
Trong kỷ nguyên AI, con người thay vì lo ngại về việc bị máy móc thay thế, chúng ta nên tập trung vào việc hợp tác với AI để giải quyết những vấn đề phức tạp nhất của nhân loại. AI có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta tăng cường năng lực, sáng tạo và đổi mới, từ đó tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Vì vậy, dù trong kỷ nguyên số nhưng AI vẫn không thể thay thế được con người bởi con người tạo ra AI và đến lượt mình, AI lại quay trở lại phục vụ cho chính mục đích con người, giúp con người gia tăng năng lực hoạt động thực tiễn. Vì lẽ đó, chúng ta vẫn có thể khẳng định cho đến nay, quan điểm của C.Mác về vai trò quyết định của con người, của người lao động đối với sự phát triển của hoạt động sản xuất vật chất là đúng đắn.
Những tiến bộ của khoa học - công nghệ hiện đại cũng chính là lăng kính để chúng ra soi chiếu, kiểm nghiệm tính đúng đắn trong những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với các thực tiễn đặt ra. Khoa học - công nghệ hiện đại, trong đó có AI là thước đo cho sự sáng tạo không ngừng của trí tuệ con người và do đó, AI trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ con người trong kỷ nguyên số chứ không thể thay thế vị trí của con người.
Chiên Lê