Ở Việt Nam, dịch vụ Internet được cung cấp chính thức từ năm 1997. Theo thống kê, đến tháng 1/2021, có khoảng 68.17 triệu người đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới,
Với những con số thống kê như trên thì đây được xem như mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch khai thác, chúng đã triệt để sử dụng mạng internet, đặc biệt là các blog, mạng xã hội để bịa đặt, lan truyền những tin tức thất thiệt, bôi nhọ những lãnh đạo cao cấp, nói xấu chế độ Đảng, Nhà nước ta, mục đích làm nhân dân ta hoang mang, mất lòng tin vào Đảng và lãnh đạo cấp cao mà trong đó chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” được chúng sử dụng như một cách thức phổ biến.
Có thể kể ra một số trang nhóm facebook, fanpage, YouTube của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị trong và ngoài nước như: “Đô thành Sài gòn”, “Nhật ký yêu nước”, “Mùa Xuân tương lai”, “Việt Nam Cộng hòa”, “Lisa Phạm”, “Việt Tân”… Chúng ngày đêm tuyên truyền xuyên tạc với các luận điệu như: Việt Nam muốn có dân chủ thực sự thì phải thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng; đa đảng, đa nguyên là thành tố quan trọng nhất để xây dựng nên một quốc gia dân chủ(!); rằng chủ nghĩa xã hội là chuyên chính, không có dân chủ, không có nhân quyền(!); ở Việt Nam không có nhân quyền, quyền con người bị xâm phạm nghiêm trọng (!)… Những luận điệu trên nhằm mục đích duy nhất là nhằm cụ thể hóa chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực phương Tây với âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Một trang mạng của một tổ chức phản động
Những thông tin, luận điệu xuyên tạc trên có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên và nhân dân, có thể làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; công khai thách thức Đảng, chính quyền... tạo ra những nhân tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội. Làm nảy sinh các ý kiến trái chiều trong xã hội, nhất là một bộ phận nhỏ cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu, trí thức, văn nghệ sĩ bộc lộ quan điểm không đồng thuận, phản biện vô nguyên tắc, phản đối gay gắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng, thậm chí công khai kêu gọi từ bỏ Đảng, từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin; đồng thời, tác động tiêu cực đến đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, làm băng hoại đạo đức xã hội.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về âm mưu, thủ đoạn chống phá trên internet, mạng xã hội của các thế lực thù địch.
Trên thực tế, chúng ta đã và đang thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn các thông tin xấu, độc tán phát trên mạng xã hội, đã xử lý hành chính với những đối tượng trong nước có hành vi tung tin bịa đặt, sai sự thật trên mạng xã hội. Ngày càng hoàn thiện các quy định pháp luật để quản lý và xử lý thông tin trên internet, nhất là từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019. Xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho những người sử dụng ở Việt Nam. Đặc biệt, là đã tiến hành đàm phán với 2 trang mạng lớn nhất thế giới hiện nay và cũng là lớn nhất tại Việt Nam là Facebook và Youtube trong việc ngăn chặn các thông tin xấu độc và thiết lập được các cơ chế riêng với Google.
Tại Tây Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rất quan tâm, xem vấn đề này là một nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nên những năm qua đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và học tập các chuyên đề hàng năm gắn với thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, XIII) và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội”; ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 04/4/2018 về nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch.
Đồng thời, với mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của tỉnh Tây Ninh thực hiện thường xuyên việc tự rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nhằm trang bị kiến thức, bản lĩnh, có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống để “miễn dịch” với những thông tin xấu độc, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, chế độ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh còn tuyên truyền để mỗi người sử dụng Internet và mạng xã hội trở thành người có trách nhiệm khi tham gia sử dụng mạng xã hội, bằng các biểu hiện cụ thể: Tăng cường chia sẻ thông tin tích cực. Tuyệt đối không đưa các thông tin, hình ảnh có nội dung mật, hoặc liên quan đến nội bộ cơ quan, đơn vị, hoặc “nhạy cảm” trong quan hệ gia đình, xã hội, hoặc tán đồng, ủng hộ các quan điểm, luận điệu tiêu cực, sai trái lên trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Không chia sẻ những thông tin giật gân, gây sốc khi chưa kiểm chứng. Không bình luận, chia sẻ những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, hoặc xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, phải có trách nhiệm phản bác lại thông tin xuyên tạc, bịa đặt gây hại cho cộng đồng trên môi trường mạng. Bằng cách tham gia các trang, nhóm Facebook công khai, nhóm Zalo, Mocha từ tỉnh đến xã do cơ quan tuyên giáo các cấp quản lý, điều hành; tích cực đăng tải, chia sẻ link, tuyên truyền các bài viết, hình ảnh, video clip tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và địa phương; phản ánh các khía cạnh tích cực trong đời sống xã hội. Tham gia các biệt đội chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để báo cáo Facebook gỡ bỏ các thông tin xấu độc, xuyên tạc, kích động mà đặc biệt là các thông tin xuyên tạc, bóp méo về những giá trị dân chủ, nhân quyền ở nước ta hiện nay.
Tuấn Thanh