Hiện nay trên nhiều kênh thông tin, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc cho rằng chế độ nhất nguyên chính trị, một Đảng cầm quyền ở Việt Nam là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến ở Việt Nam không có dân chủ hoặc dân chủ hình thức, vì vậy muốn đạt tới một nền dân chủ đích thực phải thi hành chế độ đa đảng.
Những luận điệu trên là phản khoa học, xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn, cố tình đánh tráo khái niệm hòng lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Thực tiễn sinh động thực hành dân chủ ở Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ luận điệu của chúng.
Dân chủ và phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng
Cả phương diện lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng mà phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền: đảng cầm quyền đó có mang bản chất cách mạng, tiên phong hay không, có bảo vệ quyền và lợi ích cho đa số nhân dân lao động hay chỉ cho một bộ phận thiểu số người trong xã hội.
Trải qua hơn 90 năm ra đời và lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò không thể thay thế đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Với mô hình nhất nguyên chính trị, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc đạt được nhiều thành tựu to lớn: kinh tế không ngừng phát triển; đời sống chính trị - xã hội ổn định; chế độ dân chủ được đề cao, được bảo đảm và ngày càng càng được thực hành rộng rãi hơn, thực chất hơn; quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân được tôn trọng và bảo vệ; nhân dân Việt Nam đã trở thành người chủ thực sự của đất nước.
Chế độ dân chủ ở Việt Nam ngày càng được đề cao, được bảo đảm và thực hành rộng rãi.
Ảnh: Tư liệu
Đáng chú ý, sau 35 năm đổi mới, thể chế, thiết chế và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa có những bước tiến quan trọng; ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ và năng lực làm chủ của nhân dân từng bước được nâng lên[1]. Theo báo cáo Chỉ số dân chủ toàn cầu của The Economist và tổ chức Intelligence Unit, trong hơn 20 năm, chỉ số dân chủ ở Việt Nam có những chuyển biến tích cực, tăng từ 2.75 lên 3.53[2]; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, phúc lợi xã hội tiếp tục được cải thiện tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 6% vào năm 2018; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng lên tục từ mức 0.475 vào năm 1990 lên mức 0.693 vào năm 2018 (tăng 45.9%). Đặc biệt, trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngược lại, trong hệ thống chính trị đa đảng, tại một giai đoạn chính trị nhất định cũng chỉ có một đảng thực chất cầm quyền. Ngay cả trường hợp liên minh đảng cầm quyền để thành lập chính phủ,đảng nào chiếm số ghế nhiều hơn trong nghị viện sẽ có quyền quyết định trong các chính sách phát triển (chẳng hạn như ở Đức).
Ở một số quốc gia khác (điển hình là Mỹ), mặc dù có nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền là Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ. Những đảng này đại diện cho giai cấp tư sản thì tất yếu phải hướng đến phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người” như các nhà lý luận của họ đã và đang rêu rao.
Thêm vào đó, cái gọi là “nền dân chủ Mỹ” thực chất là nền dân chủ của nhà giàu. Tờ Thời báo tài chính (Anh) ngày 25/11/2000 đã viết: “Cuộc bầu cử năm 2000 đã cho thấy rõ nền dân chủ Mỹ có thể bán cho những người trả giá cao nhất”. Có thể gọi đấy là nền dân chủ đấu giá. Cùng ngày, tờ Thế giới (Tây Ban Nha) cũng đã ví thói mê tiền như là “căn bệnh ung thư của nền dân chủ Mỹ”. Sự dối trá của nền dân chủ tư sản đã bị chính cử tri của họ lột trần bằng hành động tẩy chay các cuộc bầu cử ngày càng gia tăng. Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ các năm 1996 và 2000 chỉ có khoảng 50% cử tri tham gia[3].
Vì vậy, dân chủ và không dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng, đa nguyên, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ năm 2010 rằng: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”[4].
Không để thành lập tổ chức chính trị đối lập
Tính chất nguy hiểm, thâm độc của luận điệu “Không thể có dân chủ trong chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam” không chỉ dừng lại ở vấn đề đa nguyên, đa đảng, mà nó còn cổ súy cho sự ra đời và công khai hoá, hợp pháp hoá các tổ chức chính trị đối lập nhằm cạnh tranh, tiến tới xoá bỏ vị trí, vai trò lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo toàn xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuối cùng là phủ nhận và xoá bỏ mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Những gì đã xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã thể hiện rõ âm mưu, ý đồ thâm độc này của các thế lực thù địch. Thông qua “diễn biến hoà bình”, với chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã từng bước xoá bỏ vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 3/1990, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô thông qua Nghị quyết sửa đổi Điều 6 Hiến pháp năm 1977, hủy bỏ quy định về địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, tuyên bố tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các chính đảng tham gia xây dựng và quản lý nhà nước, xã hội[5]. Từ đó, dẫn đến cơ chế đa nguyên, đa đảng ở Liên Xô. Sau đó gần 1 năm, đã có tới 153 tổ chức, đảng phái ra đời, cạnh tranh công khai, trực tiếp và hợp pháp với Đảng Cộng sản Liên Xô. Hệ quả là, Đảng Cộng sản Liên Xô bị tước mất quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, Liên bang Xô Viết bị tan rã sau hơn 70 năm xây dựng và phát triển.
Hơn nữa, những luận điệu trên chủ yếu là của những kẻ cơ hội, đòi “đa nguyên, đa đảng” để “đổi vận”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, số quan chức mới biến thành những “quý nhân” của nước Nga. "Năm 1991, trong số hàng vạn triệu phú ở Moscow, đại bộ phận nguyên là những cán bộ làm việc trong các cơ quan đảng, chính quyền. Họ chiếm 75% số quan chức bên cạnh tân tổng thống, 57,1% trong số lãnh tụ những chính đảng mới và 73,4% trong số những quan chức của chính phủ mới”[6]. Sự thực này cho thấy, các đối tượng thù địch, phản động rêu rao phải đấu tranh cho “dân chủ”, “tự do” của nhân dân thực chất là vì chính bản thân, lợi ích của cá nhân và “đồng bọn” chúng, chứ không phải vì dân, vì nước.
Thực tiễn bảo đảm và phát huy dân chủ ở Việt Nam là minh chứng rõ nét rằng bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay chế độ một đảng, mà phụ thuộc vào đảng cầm quyền đại diện cho quyền lợi của giai tầng nào trong xã hội, số đông hay số ít, tức là đảng cầm quyền mang bản chất gì và đảng cầm quyền sử dụng quyền lực nhà nước vào mục đích gì trên thực tế. Thực tiễn trên một lần nữa khẳng định rằng: trong chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền, dân chủ trong xã hội Việt Nam không những không bị mất đi, không bị hạn chế mà còn được bảo đảm, được phát huy sâu rộng trong thực tế và phát triển lên đỉnh cao của nó, đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa.
[1] Đinh Thế Huynh (chủ biên), 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 242-243
[2] The Economist, Democracy Index Reports, https://www.eiu.com/topic/democracy-index, accessed 15/4/2020.
[3] Robert A.Heinman(1995), American Government, Published by Mc Graw Hill, Inc, p.111.
[4] Hội đồng Lý luận Trung ương, Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện ‘tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 313.
[5] Đinh Ngọc Hoa, Khẳng định và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội trong thời kỳ mới, http://m.tapchiqptd.vn/vi/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dcs-viet-nam/khang-dinh-va-bao-dam-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-doi-voi-nha-nuoc-va-xa-h-15069.html, ngày 5/2/2020.
[6] Hội đồng Lý luận Trung ương, Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện ‘tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr. 371.
DVD