Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình vạch trần các luận điệu xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trong bài viết Nhà nước pháp quyền là của ai? đăng trên trang blog phản động Danlambaovn, tài khoản có tên Phạm Trần đã cố tình vu khống, bôi nhọ Đảng khi cho rằng, sau 31 năm (tính từ Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (ngày 29/11/1991), Đảng khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, nhưng thực tế “dân đã bị sử dụng làm quân múa rối cho trò ảo thuật chính trị do Đảng tự chế như các cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân và Quốc hội”(?!). Theo tài khoản này, “tất cả các ứng cử viên đều được Đảng chọn, thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan ngoại vi của Đảng”(?!). Chính vì vậy, “Nhà nước ở Việt Nam thời Cộng sản không phải của dân, do dân và vì dân mà là “của đảng, do đảng và vì đảng”, lý do đơn giản vì dân không bầu ra nhà nước này mà do đảng tự lập ra để cai trị độc tài” (?!). Từ luận điệu này cho thấy, mục tiêu cuối cùng của các đối tượng thù địch, phản động vẫn là vu khống, bôi nhọ, hạ uy tín và cuối cùng nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phải khẳng định rằng, từ khi ra đời đến nay, Nhà nước Việt Nam không có mục đích nào khác ngoài phục vụ lợi ích của nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Điều đó được thể hiện:
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngay sau Quốc khánh, trong tháng 9/1945 đã đề nghị tiến hành cuộc Tổng tuyển cử và khẳng định: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v.. ”[1]. Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho cán bộ trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, nhân dân có quyền kiểm soát, giám sát, bãi miễn đại biểu mà mình đã bầu ra. Người viết: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”[2]. Như thế để thấy, Nhà nước Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định mục tiêu: Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu
Hai là, Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”[3]. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một hình thức nhà nước chứa đựng những giá trị quý báu của nền dân chủ tiến bộ và là nhà nước có cơ sở kinh tế khách quan (sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chủ yếu); có lợi ích kinh tế thống nhất giữa công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức; do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì vậy, đây là cơ sở khách quan cho việc thực hiện mục tiêu Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Ba là, tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: 1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.Nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước và do đó Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp và lần đầu tiên trong văn bản quan trọng nhất này, Nhân dân đã được viết hoa. Bên cạnh đó, trước đây chúng ta thường dùng cụm từ lấy dân làm gốc, nhưng trong Cương lĩnh năm 2011 đã sử dụng cụm từ dân là gốc. Đây là sự kết tinh của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và bài học sâu sắc từ thực tiễn đổi mới, minh chứng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là của dân, do dân và vì dân.
Các văn kiện của Đảng và Nhà nước luôn xác định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Bốn là, để ban hànhnhững văn bản có tính chiến lược trong xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam thường xuyên tham khảo ý kiến góp ý của Nhân dân. Chẳng hạn, Văn kiện Đại hội XIII, đã tổ chức hơn 60 cuộc hội thảo, thành lập 50 đoàn đi nắm tình hình thực tế trong và ngoài nước để học tập mô hình, kinh nghiệm. Văn kiện được sửa đi sửa lại 80 lần với hơn 30 lần dự thảo và được đăng toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân góp ý. Các góp ý của Nhân dân dày hơn 1.410 trang gửi về ban biên tập, tổng hợp 200 trang[4]; Hoặc trong xây dựng Hiến pháp, nhà nước Việt Nam luôn công khai bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp để mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đóng góp ý kiến. Qua đó, đợt lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992, trong 5 tháng tính tới tháng 5/2013, cả nước đã tổ chức được 28.000 hội thảo, hội nghị, tọa đàm và thu được 26 triệu lượt ý kiến đóng góp về nội dung Hiến pháp[5]; hoặc việc lấy ý kiến về Sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023 vừa qua đã có sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn dân; hoặc qua ý kiến góp ý của người dân, Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng… đã được Quốc hội xem xét, cân nhắc rất cẩn thận, trên cơ sở ý kiến góp ý của Nhân dân
Năm là, Điều 9 Hiến pháp quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cho thấy, Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lỗi, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không phải là cơ quan ngoại vi của Đảng như các thế lực thù địch rêu rao.
Điểm qua những con số nêu trên đã phần nào minh chứng cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời gian qua và việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là mục tiêu và nhiệm vụ của Đảng. Đảng và Nhà nước Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài việc phục vụ lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc cho rằng Nhà nước pháp quyền của Việt Nam là “của Đảng, do Đảng và vì Đảng ” là sự vu khống trắng trợn, thiếu cơ sở khoa học, mị dân, phản động cần phải lên án và trừng phạt.
Hà Lê