Hiện nay, với chiến lược “Diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch đòi quân đội ta phải “phi chính trị hóa”, hay “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”. Họ ra sức rêu rao rằng: Quân đội “là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng phái nào, lực lượng chính trị nào” (?!); Quân đội đặt dưới sự lãnh đạo độc tôn của Đảng là “mù quáng”, mà chỉ cần trung thành với lợi ích của quốc gia - dân tộc, với nhân dân, phải đề cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” trong mục tiêu, lý tưởng chiến đấu (?!). Mục đích hướng tới của chúng là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, vô hiệu hóa Quân đội, làm cho Quân đội mất phương hướng, mục tiêu và sức mạnh chiến đấu, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Một số trang mạng phản động xuyên tạc về vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam được Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh tren Chương trình "Đối diện".
Đó là những luận điệu phản động, xuyên tạc, bịa đặt, vì rằng thực tế sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm đảm bảo cho “Quân đội luôn là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Điều này, có cơ sở lý luận, thực tiễn rõ ràng, không thể bác bỏ!
Về cơ sở lý luận:
Trên phương diện lý luận, nhà nước và quân đội là sản phẩm của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, quân đội mang bản chất giai cấp của nhà nước tổ chức và nuôi dưỡng nó. Không có nhà nước “phi giai cấp”, nên không có quân đội “phi chính trị”. Ở các nền chính trị có cấu trúc đa đảng đối lập, đảng nào thắng thế sẽ đứng ra lập chính phủ, nên quân đội bao giờ cũng phụ thuộc vào đường lối chính trị của đảng cầm quyền; đồng thời, bất cứ đảng cầm quyền nào cũng tìm cách nắm lấy quân đội, tìm đến sự hậu thuẫn từ quân đội. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội là nguyên tắc cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Nguyên tắc đó bảo đảm cho quân đội luôn giữ đúng định hướng chính trị của Đảng Cộng sản, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với nhân dân, là công cụ để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Đây là đội quân kiểu mới, mang bản chất của giai cấp vô sản. Sự ra đời của Quân đội ta không phải từ các đội quân của chế độ cũ để lại, mà là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; được xây dựng hoàn toàn mới, theo hệ tư tưởng, nguyên tắc, đường lối chính trị, quân sự Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ khi ra đời cho đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngoài mục tiêu đó, Quân đội nhân dân Việt Nam không còn mục tiêu và lợi ích nào khác. Bảo vệ tổ quốc không chỉ là bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất của phương diện tự nhiên - lịch sử, mà còn là bảo vệ thể chế chính trị của Tổ quốc ấy. Trung thành với Tổ quốc cũng chính là trung thành với thể chế chính trị đó. Vì thế, sẽ là mơ hồ, ấu trĩ khi cho rằng quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc mà không bảo vệ thể chế chính trị trong Tổ quốc ấy.
Về cơ sở thực tiễn:
Thực tiễn minh chứng từ khi ra đời đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục"[1]. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn vững vàng về lập trường chính trị, tư tưởng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quân đội đã cùng với nhân dân làm nên những chiến thắng oanh liệt, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh viết nên truyền thống tốt đẹp “Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng”. Hình ảnh một đội quân vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ, dũng cảm, kiên cường, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng thể hiện đậm nét và sinh động trong thực tiễn chiến đấu, công tác và xây dựng của Quân đội ta suốt 78 năm qua.
Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Internet.
Ngược lại, vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở các nước Đông Âu và Liên Xô chấp nhận từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với toàn xã hội và quân đội, đã làm cho quân đội bị vô hiệu hóa, mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu, biến chất về chính trị, Đảng Cộng sản, nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Hậu quả là, Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội; chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước đó bị tan vỡ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên ngôi, đất nước bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc; độc lập dân tộc, quyền tự do của người dân bị xâm phạm nặng nề.
Hơn nữa, có phải quân đội ở các nước theo mô hình xã hội phương Tây là “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc hay không? Và có phải năm 1858, quân đội Pháp đến Việt Nam, năm 1954 các cố vấn quân sự Mỹ và sau đó là quân đội Mỹ đến miền Nam Việt Nam là để bảo vệ Tổ quốc hay không? Rõ ràng, hoàn toàn không phải như vậy. Việc hiến định vai trò lãnh đạo của giai cấp, nhà nước đối với quân đội không chỉ được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam, mà bất cứ một quốc gia nào, trong hệ thống pháp luật của mình, bằng cách này, hay cách khác đều hiến định quyền lãnh đạo không thể chia sẻ của mình đối với quân đội. Trong Hiến pháp của Mỹ, Pháp, Nga... đều thể hiện điều đó.
Như vậy, việc khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp cả về lý luận, thực tiễn, theo ý nguyện của toàn thể dân tộc Việt Nam. Không một thế lực nào có thể bác bỏ được điều đó.
Thực tế 78 năm qua, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội luôn là nguyên tắc cơ bản, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và sự trưởng thành của Quân đội ta. Trong tình hình hiện nay, sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng nói chung, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói riêng càng đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, như trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân”[2]. Điều đó sẽ bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, trung thành vô hạn với Tổ quốc và hết lòng hết sức phụng sự Nhân dân.
Thành Lê