Cả cuộc đời mình, chí sĩ Phan Châu Trinh luôn đau đáu khát vọng chấn hưng dân tộc cả về dân trí, dân khí, dân sinh, trong đó đặc biệt quan trọng là chủ trương xây dựng tâm lý quốc dân
Phan Châu Trinh đau xót nhận thấy trình độ quốc dân thấp kém, không lo tự cường, cả sĩ dân đều không mở mắt nhìn ra thế giới xung quanh, không thích nghi vươn lên theo xu hướng chung của thời đại mạnh được yếu thua, cho rằng như thế thì mất nước là chuyện không tránh khỏi. Khi sang Nhật, nghiên cứu các điều kiện xã hội và quan sát thành quả công cuộc duy tân tự cường của Nhật Bản, ông càng hiểu được vì sao Nhật Bản duy tân tự cường trở thành một nước mạnh ở Á Đông. Trước khi rời Nhật, ông nói với Phan Bội Châu: “Trình độ quốc dân Nhật Bản như thế, mà trình độ quốc dân ta thì như thế, không nô lệ làm sao được!”[1].
Để cứu nước, trước hết, Phan Châu Trinh đã tiến hành một cuộc phê phán toàn diện xã hội Việt Nam đương thời. Ngoài phê phán chế độ quân chủ chuyên chế mà Triều đình phong kiến chỉ như “một tấn tuồng”, là “cái xác chết mà Chính phủ Pháp ướp lại để dọa nhân dân Việt Nam”[2], ông còn phê phán tâm lý, trình độ quốc dân “gần như một người ốm nặng gần chết, khó có thuốc mà cứu chữa được nữa”[3].
Trong thời đại “gió Mỹ mưa Âu” các nước trên thế giới đang tiến nhanh trên đường văn minh tiến bộ, thế mà nước ta bấy giờ “dân khí yếu hèn, dân trí mờ tối, ví với các nước châu Âu châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường”[4]. Những người được xem là “học sĩ văn nhân” thì kiến thức lom nhom, không đem được sở học của mình ra giúp ích gì cho đất nước.
Trong khi đó, người dân dẫu thấy “người Tây đãi mình như muông chim, coi mình như gỗ đá, nhưng chỉ căm tức mà không dám nói ra”[5].
Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Hạ tầng tâm lý quốc dân thì thấp kém, rằng chỉ biết cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi lâu dài, chỉ biết lợi nhỏ cho bản thân mà không biết lợi lớn, lợi chung cho đất nước; chỉ biết cạnh tranh những chuyện vụn vặt ở chốn đình trung “đầu heo, nọng thịt, bả vai” hay “doi vườn, cạnh đất, bờ ao” mà không biết hợp quần nhau lo việc chung, việc nghĩa; chỉ biết “loanh quanh xó bếp”, “xăn văn mai lợn chiều gà” mà không hề có chí đi xa để “học khôn học khéo”; chỉ “ruột cua gan sứa” mà không dám mạo hiểm làm ăn lớn.
Ngoài nghề nông ra, người Việt chẳng có một nghề hay trí xảo nào khác. Đã thế lại còn sinh ra lắm tệ tục rượu chè cờ bạc, trộm cướp, tang ma rình rang, tốn kém, mê tín dị đoan, không tự tin vào bản thân mà chỉ tin vào những chuyện hư vô “việc gì cũng cầu trời khấn Phật”.
Những kẻ công khanh phú quý thì chỉ biết “thiếp cùng hầu hủ hỉ quanh năm”. Những kẻ phú hào chỉ biết cho vay nặng lãi “thắt mèo, treo chó”, bóp nặn đồng bào trong những lúc khó khăn; không biết chung vốn làm ăn lớn; ngồi trên nguồn lợi mà không biết khai thác “Đất bỏ hoang biết là hiếm mấy/ Lợi chan chan đều thấy bỏ qua/ Để cho Các Chú, Chà Và/ Chìa tay lấy bạc mà ra ngồi nhìn” [6].
Khi viết lời tựa cho bài thơ dài Hợp quần doanh sinh thuyết của Nguyễn Thượng Hiền, ông phê phán sự yếu kém của quốc dân: “Nước ta không nghèo nhưng không có một đoàn thể nào đông quá ba người. Không có một cái lợi xã, lợi ích nào vốn hơn trăm bạc…, nói đến chuyện lập hội buôn, mở trường học, dựng xưởng thợ, khẩn đồn điền thì thu tay đứng nhìn, một cái lông không muốn mất; lợi bằng cái tóc thì suy bì, vạ bằng cái núi thì không nghĩ”[7].
Nhìn thấy thực trạng quốc dân như vậy, Phan Châu Trinh cho rằng việc trước hết cần phải làm là thức tỉnh cho quốc dân “giật mình mở mắt” ra khỏi trạng thái “mê mê muội muội”, “bịt mắt vít tai”[8]. Ông chủ trương phải xây dựng lại tâm lý quốc dân.
Để thức tỉnh quốc dân, trước hết, Phan Châu Trinh nhắc lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Mở đầu Tỉnh quốc hồn ca (I) ông đã viết: “Ngồi mà nghĩ dư đồ Hồng Lạc/ Ta cũng là một nước Á đông/ Xưa nay vẫn có anh hùng/ Dọc ngang trời đất, vẫy vùng non sông”, để rồi từ đó kích động tinh thần tự tôn dân tộc của quốc dân: “Thương ôi nỗi trời Nam biển Quế/ Cũng là nòi trí tuệ anh thông/ Sao cho gắng chí gắng công/ Sao cho chẳng phụ con Rồng, cháu Tiên”.
Tác giả thắp hương trong ngày giỗ cụ Phan Châu Trinh (24/3/2023) tại Nhà lưu niệm
cụ Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng.
Phan Châu Trinh chủ trương con người Việt Nam mới phải là con người với vị thế quốc dân, có lòng yêu nước thương nòi thật sự “chỉ biết có nước mà thôi, sự lợi cho nước thì làm, sự hại cho nước thì tránh, sự sống chết lợi hại là bỏ ra ngoài vòng cả”[9], phải “đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau”[10]. Con người Việt Nam mới phải là những con người nghĩa khí, có tài trí, biết học khôn học khéo, có tinh thần tự lực tự cường dám nghĩ dám làm, có tinh thần hợp quần vì lợi chung. Con người Việt Nam mới còn thể hiện ở sự văn minh ngay cả trong lối sống, nếp sống hằng ngày như biết ăn ở hợp vệ sinh, làm việc có ngăn nắp, kiệm ước trong chi tiêu, v.v… Con người Việt Nam mới phải có khát vọng xây dựng đất nước sánh vai cùng các liệt cường trong thời đại “gió Mỹ mưa Âu”. Phan Châu Trinh cho rằng, nếu “dân Việt Nam ai ai cũng đều biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được như thế thì chẳng những nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dể ta như ngày nay nữa”[11].
Từ chủ trương xây dựng lại tâm lý quốc dân, Phan Châu Trinh cùng các đồng chí duy tân của mình (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) hình thành Bộ ba Duy Tân Quảng Nam, cùng với nhiều sĩ phu duy tân nơi làng xã tiến hành một cuộc tuyên truyền vận động sâu rộng trong nhân dân. Tại các làng xã duy tân, người dân được vận động đã cắt tóc ngắn, mặc đồ ngắn, để răng trắng, ăn ở hợp vệ sinh, bỏ những tập tục lạc lậu. Đấy là một cuộc cách mạng về văn hóa - xã hội những năm đầu thế kỷ XX.
Tư tưởng duy tân với chủ trương xây dựng tâm lý quốc dân, chấn hưng dân tộc của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh vẫn còn ý nghĩa thời sự, bởi trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”[12].
Văn Minh
[1] Chương Thâu (sưu tầm và biên soạn): Phan Bội Châu toàn tập, tập 6. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.116.
[2] Phan Châu Trinh, Thư gửi chủ bút báo Diễn đàn bản xứ (La Tribune Indigène) ở Sài Gòn, ngày 28/9/1922. Dẫn theo Huỳnh Lý (1983), Thơ văn Phan Châu Trinh, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1983, tr.34.
[3] Phan Châu Trinh: Đầu Pháp chính phủ thư, (thư gửi Chính phủ Pháp), ngày 01/11/1906. Dẫn theo Nguyễn Văn Dương: Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.386.
[4] Phan Châu Trinh: Đầu Pháp chính phủ thư, Sđd, tr406.
[5] Phan Châu Trinh: Đầu Pháp chính phủ thư, Sđd, tr392.
[6] Những chữ trong ngoặc kép đều trong bài Tỉnh quốc hồn ca của Phan Châu Trinh.
[7] Dẫn theo Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930). Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976, tr250.
[8] Chữ dùng của Phan Châu Trinh trong bài diễn thuyết Đạo đức và luân lý Đông Tây.
[9] Phan Châu Trinh, Thư trả lời anh Đông. Dẫn theo Nguyễn Văn Dương: Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.828.
[10] Phan Châu Trinh, Đạo đức và luân lý Đông Tây. Dẫn theo Nguyễn Văn Dương: Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 941.
[11] Phan Châu Trinh, Đạo đức và luân lý Đông Tây, Sđd, tr957.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t.I, Hà Nội, 2021, tr.143.