Một trong những nguyên nhân thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám là chúng ta đã xây dựng được vùng giải phóng, căn cứ địa, nơi phát triển và hoạt động của lực lượng cách mạng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương cũng như cả nước. Phân khu Nguyễn Huệ ra đời trong hoàn cảnh đó và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của minh
Thành lập Phân khu Nguyễn Huệ và xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa
Ngày 16/02/1944, tại Hội nghị Khuổi Kịch (Tân Trào), đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương quyết định hai vấn đề quan trọng là chia Chiến khu Hoàng Hoa Thám thành hai phân khu và thành lập đội Cứu Quốc quân III, lấy sông Cầu làm ranh giới:
Phân khu A (chiến khu Quang Trung), thuộc tả ngạn sông Cầu gồm huyện: Bình Gia, Bắc Sơn (Lạng Sơn); Hữu Lũng, Yên Thế (Bắc Giang); Võ Nhai, bắc Đồng Hỷ (Thái Nguyên), lấy Võ Nhai làm trung tâm, có Ban lãnh đạo chiến khu, có trung đội Cứu quốc quân II là lực lượng nòng cốt.
Phân khu B (phân khu Nguyễn Huệ), thuộc hữu ngạn sông Cầu bao gồm: Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, nam Đồng Hỷ (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn, Bạch Thông (Bắc Cạn); Lập Thạch (Vĩnh Yên). lấy Sơn Dương làm trung tâm. Ban lãnh đạo tạm thời do đồng chí Tân Hồng đứng đầu.
Sau khi Phân khu Nguyễn Huệ hình thành, ngày 25/02/1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương quyết định thành lập Trung đội Cứu quốc quân III là Đội quân cách mạng, làm nòng cốt của Phân khu Nguyễn Huệ. Phương châm hoạt động của trung đội là lấy chính trị làm chính, lấy quân sự để hỗ trợ tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển lực lượng chuẩn bị đón thời cơ. Cứu quốc quân III ra đời thúc đẩy phong trào cách mạng của vùng căn cứ địa dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân khu ủy Nguyễn Huệ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Phân khu Nguyễn Huệ tích cực đẩy mạnh phát triển phong trào cơ sở, tổ chức quần chúng và chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang để sẵn sàng hành động khi có thời cơ.
Đến cuối năm 1944, phong trào cách mạng phát triển khắp các vùng trong tỉnh Tuyên Quang, căn cứ cách mạng được nối liền. Suốt một vùng rộng lớn các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Đại Từ, Định Hóa, Lập Thạch và một số huyện lân cận thuộc Phú Thọ như Phù Ninh, Đoan Hùng đã trở thành vùng căn cứ cách mạng, trong đó Tân Trào (Sơn Dương) là trung tâm.
Ở các địa phương kể trên lúc này đều đã có tổ chức quần chúng: thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, tự vệ cứu quốc.. Việc xây dựng lực lượng vũ trang, mà Đội Cứu quốc quân III là nòng cốt, ở các địa phương đã có cơ sở vững được khu ủy Nguyễn Huệ hết sức quan tâm. Đêm đêm, thanh niên nam nữ, tự vệ cứu quốc say sưa luyện tập dưới sự hướng dẫn của các đồng chí cán bộ quân sự. Nhiều nơi, các cụ phụ lão cũng hăng hái tham gia luyện tập. Cơ sở cách mạng được mở rộng, lực lượng vũ trang của quần chúng ngày càng lớn mạnh, phong trào cách mạng ở các địa phương càng được củng cố, thu hút, lôi cuốn thêm các tầng lớp nhân dân đứng về phía cách mạng. Trong đó, xã Thanh La[1] trở thành một trong những nơi có cơ sở Việt Minh phát triển mạnh trong Phân khu Nguyễn Huệ.
Ðình Thanh La, nơi diễn ra cuộc mít tinh tuyên thệ của quân khởi nghĩa sáng 11/3/1945 và cuộc mít tinh tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu ngày 16/3/1945 (Ảnh: Ngọc Chiến)
Tại Thanh La, cơ sở cách mạng được bí mật xây dựng từ đầu năm 1943, bắt nguồn ở thôn Lê, Đồng Tép, làng Dõn, làng Bâng, Cầu Toa. Đồng bào ở đây tuyệt đại bộ phận là người dân tộc Tày, có cảm tình với cách mạng. Cán bộ Việt Minh đã bí mật giáo dục, tuyên truyền, vận động đồng bào ủng hộ cách mạng từ rất sớm. Nhiều cơ sở cách mạng đã được xây dựng. Mặt trận Việt Minh ở xã ngày càng lớn mạnh. Bộ máy ngụy quyền suy yếu, một số chức sắc trong xã đã ngả theo cách mạng.
Từ đầu năm 1945, phong trào "sắm vũ khí, đuổi thù chung" ở Thanh La diễn ra rầm rộ. Đó là những nhân tố để phong trào Thanh La phát triển mạnh mẽ hơn.
Phân khu ủy Nguyễn Huệ chủ động, sáng tạo lãnh đạo nhân dân Thanh La khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Châu Tự Do
Đầu năm 1945, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ở Châu Âu, số phận của phát xít Đức chỉ còn tính trong từng ngày. Ở Châu Á - Thái Bình Dương, phát xít Nhật liên tục bị quân Đồng Minh tiến công.
Để độc chiếm Đông Dương, tiếp tục theo đuổi chiến tranh và loại trừ mối lo bị quân Pháp đánh úp sau lưng khi quân Đồng Minh tiến vào Đông Dương, ngày 09/3/1945, quân Nhật nổ súng tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp ở Đông Dương.
Trước chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước, từ ngày 9 đến ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng tại Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi phân tích tình hình, Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định cuộc đảo chính đã tạo ra tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, Hội nghị cũng chỉ rõ những điều kiện làm khởi nghĩa ở Đông Dương chưa chín muồi đi tới chín muồi nhanh chóng. Hội nghị chỉ thị: "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"[2]. Hội nghị quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ở thời điểm đó mặc dù chưa nhận được chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương, song căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, chủ trương chung của Đảng, Ban lãnh đạo phân khu Nguyễn Huệ quyết định hành động.
Ngày 10/3/1945, tại khu rừng Khuôn Kẹn (xã Tân Trào), dưới sự chủ tọa của đồng chí Song Hào, Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã họp và nhận định: biến động tình hình địch trong khu và các vùng phụ cận cho thấy, có thể Nhật đã đảo chính Pháp, thời cơ lớn đã đến. Tuy chưa có chỉ thị cụ thể của trên, nhưng Khu ủy Phân khu nhận thấy cần nhanh chóng, mạnh dạn hành động. Phân khu ủy quyết định cần nhanh chóng, mạnh dạn hành động "bắt mạch" xem thử phản ứng của địch, nếu thời cơ thuận lợi sẽ mở rộng hoạt động tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Xã Thanh La (Minh Tranh-Sơn Dương) được Phân khu ủy chọn làm nơi "bắt mạch" đầu tiên với chính quyền địch, bởi Thanh La là địa phương có cơ sở Việt Minh khá mạnh, lại gần nơi khu ủy đóng để thuận lợi cho sự chỉ đạo của khu ủy - làm nơi đầu tiên phát động khởi nghĩa. Tư tưởng chủ đạo của cuộc ra quân là phải chắc thắng để gây thanh thế cho ta[3].
Đêm ngày 10/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy Nguyễn Huệ, đội du kích tập trung của huyện Sơn Dương, phối hợp với đội Cứu quốc quân III do đồng chí Tạ Xuân Thu[4] phụ trách, tập kích đánh bọn lĩnh dõng, đồng thời dùng lực lượng của quần chúng nhân dân đấu tranh áp đảo bọn tổng lý, kỳ hào, hương dũng ở xã Thanh La.
Trước sức mạnh của lực lượng quần chúng khởi nghĩa vũ trang, địch hoang mang, run sợ không dám chống cự, quy phục nộp toàn bộ vũ khí, lương thực, ấn triến cho cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Thanh La nhanh chóng giành thắng lợi, sáng ngày 11/3/1945 tại sân đình Thanh La đã tổ chức cuộc mít tinh mừng thắng lợi và bầu Uỷ ban lâm thời xã Thanh La.
Thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La đã khích lệ tinh thần cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân hừng hực khí thế đấu tranh, hợp thành đoàn biểu tình gương cao ngọn cờ và biểu ngữ "Việt Nam độc lập muôn năm", "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo phát xít Nhật". Trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình, lãnh đạo Phân khu quyết định: "Tiếp tục khuếch trương chiến quả, tịch thu hết vũ khí của địch trong toàn xã Thanh La, rồi nhanh chóng tiến xuống các xã dưới cướp lấy chính quyền"[5]
Ông Nguyễn Văn Long, một nhân chứng lịch sử kể chuyện về cuộc khởi nghĩa Thanh La năm 1945 (Ảnh báo Tuyên Quang)
Thừa thắng, quân ta tiến đánh các xã lân cận và đồn Đăng Châu. Sáng ngày 15/3/1945, quân ta tiến đánh đồn Đăng Châu lần hai và giải phóng huyện lỵ Sơn Dương. Ngày 16/3/1945, tại đình Thanh La, Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ tổ chức cuộc mít tinh lớn, tuyên bố thành lập Châu Tự Do và bầu Ủy ban Cách mạng lâm thời châu. Đây là chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang, đồng thời cũng là chính quyền nhân dân cấp châu đầu tiên trong cả nước, đánh dấu bước phát triển mới của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Châu Tự Do ra đời gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương.
Tháng 5/1945, cả một vùng rộng lớn ở trung tâm Chiến khu có chính quyền cách mạng nhân dân lãnh đạo, trở thành vành đai vững chắc cho cách mạng. Đây là nhân tố quyết định để Bác Hồ rời căn cứ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) tiếp tục chỉ đạo phong trào Cách mạng Việt Nam. Kể từ đây, Tân Trào trở thành “Thủ đô” của Khu giải phóng.
Ngày 04/6/1945, Hội nghị, cán bộ Việt Minh quyết định thành lập khu giải phóng gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và các huyện vùng ven thuộc Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái lấy Châu Tự Do làm trung tâm. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa; Đại hội quốc dân, quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời… Tân Trào đã đi vào lịch sử từ cuộc khởi nghĩa Thanh La.
Như vậy, sau hơn một năm tồn tại, Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong hơn một năm đó, Phân khu ủy đã tích cực, chủ động lãnh đạo xây dựng được lực lượng vũ trang vừa có số đông, vừa có chất lượng; xây dựng được cơ sở Việt Minh vững chắc và tích cực tuyên truyền, vận động được đông đảo quần chúng nhân dân trong phân khu tham gia chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Đặc biệt, khi thời cơ đến, mặc dù chưa nhận được sự chỉ đạo cụ thể của Đảng, nhưng do được quán triệt, học tập đường lối của Đảng từ trước, Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã chủ động, linh hoạt phát động nhân dân tiến hành khởi nghĩa Thanh La, một trong những cuộc khởi nghĩa đầu tiên trên cả nước giành thắng lợi.
Kim Dung
[1] Tổng Thanh La gồm 4 xã: Kim Trận, Thanh La, Hạ Yên, Kháng Lực. Xã Thanh La là xã lớn nhất của tổng, lại gần nơi đóng Ban lãnh đạo của phân khu Nguyễn Huệ.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 7, tr 364
[3] Song Hào: Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr 38.
[4] Tháng 7/1945, đồng chí Tạ Xuân Thu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Tuyên Quang
[5] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang: Tuyên Quang trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 149