Sau cao trào đấu tranh Phật giáo miền Nam năm 1963, được coi là một trong những nguyên nhân làm giọt nước tràn ly, khiến Hoa Kỳ giật dây cuộc đảo chính lật đổ Chính quyền Ngô Đình Diệm, đến giữa năm 1966 bùng nổ một cao trào đấu tranh mới của Phật giáo, được gọi là Pháp nạn 1966 hay Biến động miền Trung
Ngày 6-2-1966, Chính phủ Sài Gòn họp với Tổng thống Mỹ Johnson tại Honolulu, ra Bản tuyên bố chung với những cam kết xây dựng một hiến pháp dân chủ, một chế độ dân cử mới.
Ngày 11-3-1966, Ủy ban lãnh đạo quốc gia cách chức tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng I. Tướng Thi là người có uy tín trong binh lính Quân đoàn I và giới Phật giáo, là người tham gia cầm đầu đảo chính tháng 11-1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất liền ra tuyên bố đòi Ủy ban Lãnh đạo quốc gia phải phục hồi chức vụ cho các tướng lãnh có công trong cuộc “cách mạng” 1963, trả lại quyền hành cho một Chính phủ dân sự, gấp rút thành lập một Quốc hội lập hiến để soạn thảo Hiến pháp.
Phật giáo gây áp lực từ 13-3-1966, sau đó phong trào chống đối chính quyền Sài Gòn lan ra đường phố. Từ ngày 23-3-1966, các cuộc đấu tranh chống Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ và phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ gia tăng dữ dội, đặc biệt là cuộc biểu tình của 20.000 người tại Huế đòi trả chính phủ cho phái dân sự, chống Mỹ, thực thi dân chủ.
Ngày 28-3-1966, Nguyễn Cao Kỳ hội đàm cùng các nhà lãnh đạo Phật giáo về việc thành lập một Chính phủ dân sự. Ngày Giổ tổ Hùng vương 31-3-1966, hàng nghìn người biểu tình tại Chợ Bến Thành Sài Gòn với các khẩu hiệu chống Thiệu, Kỳ và phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ, đòi “Thực hiện gấp rút Quốc hội lập hiến”, “ We want independence…Các hình nộm Thiệu, Kỳ bị đốt. Cùng ngày, nổ ra biểu tình tại Huế, Đà Nẵng chống Mỹ và Chính phủ độc tài quân sự.
Phật giáo đã thực sự phát động một cuộc đấu tranh mới từ tháng 3 năm 1966.
Lực lượng chính trị của Phật giáo tuy đông đảo, nhưng chưa được tổ chức tốt. Ngày 19-3-1966, trước 20.000 người tập trung tại Viện Hóa Đạo, Thích Tâm Châu phát biểu rằng: ở Việt Nam Phật giáo kết hợp và hòa trộn giáo lý đạo Phật với đặc tính dân tộc từ hơn 2.000 năm nay, Phật giáo tiêu biểu cho danh dự Việt Nam. Đạo Phật luôn đấu tranh giữ nước hoặc góp phần xây dựng đất nước. Đạo Phật từng đấu tranh chống người Trung Quốc, sau đó là chống người Pháp và bây giờ là chống người Mỹ.
Hòa thượng Thích Trí Quang và những hình ảnh đấu tranh của Phật giáo miền Nam
(Ảnh Tư liệu /ghép)
Tại Huế, Thích Trí Quang và các sinh viên chiến đấu các giáo sư Viện đại học Huế đang dự định một chiến dịch lật đổ Thiệu - Kỳ để thành lập một Chính phủ dân sự. Đến 23-3, học sinh, sinh viên chiếm đài phát thanh Huế, tố cáo Thủ tướng Kỳ không đếm xỉa đến nguyện vọng chân chính của nhân dân nên không thể hòa giải được, chỉ có con đường đấu tranh. Phong trào cũng diễn ra tại Đà Nẵng, Hội An và các buổi phát thanh nảy lửa của sinh viên liên tục công kích Hoa Kỳ và Thiệu, Kỳ bè phái, tham nhũng. Trên đường phố xuất hiện các khẩu hiệu đòi chấm dứt chế độ quân sự, thiết lập chế độ dân cử. Huế, Đà Nẵng, Hội An hầu như ly khai chính quyền Sài Gòn.
Để thúc ép bầu cử, Phật giáo tiếp tục xuống đường ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và đặc biệt xuất hiện nhiều khẩu hiệu phản đối Hoa Kỳ để gây sức ép với Thiệu - Kỳ.
Chủ nhật 3-4-1966, hàng nghìn sĩ quan binh lính diễu hành ở Huế, Đà Nẵng đòi lật đổ chế độ quân sự. Tại Sài Gòn, cảnh sát dùng vũ lực đàn áp khoảng 300 học sinh, sinh viên biểu tình trước Đài Phát thanh. Phong trào biểu tình lan dọc theo các tỉnh ven biển. Tại Quy Nhơn, học sinh, sinh viên đập phá Sở Thông tin. Tại Đà Lạt, sinh viên đốt cháy một khách sạn và một đài phát thanh.
Trước phong trào ly khai của nhóm quân đội Sài Gòn và giới Phật giáo tại Huế, Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố sẽ cứng rắn hơn. Bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn, thị trưởng Đà Nẵng tuyên bố nhóm cầm quyền ở Sài Gòn quá hèn yếu và tham nhũng, cần phải thay thế. Ngày 5-4-1966, Nguyễn Cao Kỳ ra Đà Nẵng cũng 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ trung thành. Bác sĩ Mẫn cùng 400 quân đóng tại chùa Phổ Đà, Tại Sài Gòn, học sinh, sinh viên và lính dù lại xung đột.
Ngày 7-4-1966, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập Chính phủ để tổ chức Hội nghị chính trị toàn quốc nhằm định ra bộ máy bầu cử.
Lúc này, ở Đà Nẵng, một cuộc xung đột đang có nguy cơ nổ ra giữa lính thủy đánh bộ do Nguyễn Cao Kỳ phái ra và binh lính của Đại tá Đàm Quang Yêu, chỉ huy binh lính thân Phật giáo ở Hội An. Tướng Lewis Walt, Tư lệnh lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Đà Nẵng phải đứng ra dàn xếp, cuối cùng cuộc xung đột đã không diễn ra.
Hội nghị chính trị toàn quốc ngày 12-4-1966, chỉ có 92/170 đại biểu được mời đến dự. Trong hội nghị, Nguyễn Văn Thiệu chỉ trích Phật giáo thì ngoài đường phố Phật giáo tăng cường các cuộc biểu tình nhỏ và tuyên bố có 60 nhà sư trẻ và 20 bà vãi sẵn sàng tự thiêu để đấu tranh. Ngày 14-4 đã có 117 đại biểu dự Hội nghị, trong đó có Trần Quang Thuận là một nhà lãnh đạo Phật giáo có uy tín. Hội nghị ấn định bầu cử Quốc hội trong vòng 3-5 tháng tới, khi Quốc hội lập hiến đã ra Hiến pháp nó sẽ trở thành Quốc hội lập pháp. Khi Hội nghị bế mạc, phái Phật giáo ôn hòa tổ chức lễ mừng thắng lợi với 20.000 người diễu hành tại Sài Gòn.
Ngày 15-4, Thích Tâm Châu ký thông cáo đình chỉ đấu tranh. Thiện Minh kêu gọi Nguyễn Cao Kỳ cải tổ nội các. Ngày 17-4, Thích Trí Quang ra Huế thuyết phục Phật giáo ở đây tạm thời bất bạo động, chờ đợi việc thực hiện cam kết của Chính phủ, nhưng tuyên bố vẫn giữ lập trường chiến đấu của ông. Ông nói với 10.000 tín đồ tại chùa Diệu Đế rằng Phật giáo không thể sống trong một đất nước không có Quốc hội hoặc trong một nước bị Washington kiểm soát.
Trong khi đó, Nguyễn Cao Kỳ trả lời báo New York times sẽ ở lại nắm quyền thêm một năm nữa, quân đội sẽ luôn giữ vai trò rất quan trọng ở miền Nam.
Quốc hội lập hiến chỉ có vai trò dự thảo Hiến pháp mà thôi. còn Quốc hội chính thức sẽ bầu vào năm 1967.
Ngµy 15-5-1966, Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ phái 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và 2 tiểu đoàn dù khoảng 3.000 quân ra Đà Nẵng, đánh chiếm Bộ Tư lệnh quân đoàn I, Tòa Thị chính, Đài Phát thanh, Sở Bưu điện, Ngân hàng. Cuộc chiến đấu của tín đồ Phật giáo và quân ly khai diển ra khá ác liệt. ngày 20-5, Thiệu - Kỳ cho máy bay ném bom chùa Tân Ninh. Ngày 23-5-1966, chính quyền Sài Gòn chiếm lại Đà Nẵng, bắt Thị trưởng Nguyễn Văn Mẫn và một số sĩ quan ly khai đưa về Sài Gòn. Quân ly khai phải rút ra Huế.
Thích Trí Quang gửi thư yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ bất tín nhiệm Nguyễn Cao Kỳ, như là năm 1963 Kennedy đã không ủng hộ Ngô Đình Diệm. Ông nói với các nhà báo nếu Hoa Kỳ ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ, ông sẽ phát động một chiến dịch chống Mỹ, làm mất uy tín người Mỹ để cho dân chúng miền Nam coi Mỹ như là “bọn đế quốc”.
Thích Thiện Minh thông báo một cuộc tuyệt thực 48 giờ của các nhà lãnh đạo Phật giáo, Giáo hội Phật giáo tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo tại miền Trung. Tại Sài Gòn, hàng nghìn người biểu tình trước Viện Hóa Đạo bị giải tán. Liên tiếp trong các ngày từ 19 đến 22-5-1966, xung đột và biểu tình gia tăng dữ dội tại các đô thị lớn miền Nam. Hoa Kỳ trả lời Thích Trí Quang là đứng ngoài chuyện nội bộ của Nam Việt Nam. Xuất hiện các cuộc đấu tranh bài Mỹ, chống Mỹ tại Sài Gòn. Tại Huế, Huỳnh Văn Cao bị đả kích mạnh, bị ám sát hụt. Nguyễn Cao Kỳ cho lính bao vây Viện Hóa Đạo và tiến công chùa Tỉnh Hội ở Huế. Song song với đàn áp, Nguyễn Cao Kỳ triệu tập Đại hội chính trị-quân sự toàn quốc biện bạch việc tiến công Đà Nẵng và ấn định ngày bầu cử Quốc hội 11-9-1966.
Ngày 25-5-1966, Thích Trí Quang lần thứ ba yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp. Trước thái độ “trung lập” của Mỹ, các cuộc đấu tranh chống Mỹ vẫn tiếp diễn. Sinh viên Huế biểu tình đốt phòng thông tinvà thư viện Mỹ ngày 26-5 và hôm sau, khoảng 100 tăng ni tới tuyệt thực 48 giờ tại lãnh sự Mỹ ở Huế. Mỹ di tản thường dân rút cố vấn quân sự khỏi Huế để tỏ ra trung lập.
Hình thức đấu tranh bất bạo động cao nhất là tự thiêu lại được áp dụng. Ngày 29-5-1966, bà vãi Thanh Quang 55 tuổi tự thiêu tại chùa Diệu Đế, Huế. Bà đã viết thư cho Tổng thống Mỹ Johnson phản đối thái độ vô trách nhiệm của Mỹ để cho Thiệu - Kỳ đàn áp Phật giáo. Tại Đà Lạt cũng có 1 Phật tử tự thiêu. tối 23-5, tại Viện Hóa Đạo lại có một nữ tín đồ là Diệu Ngọc tự thiêu. Cô để lại một bức thư ngỏ phản đối những hành động vô nhân đạo của tướng Thiệu, Kỳ đối với nhân dân miền Nam, nhất là đối với tín đồ Phật giáo.
Ngày 30-5-1966, Nữ phật tử Hà Thị Châu tự thiêu tại Viện Hóa Đạo phản đối chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật giáo Đà Nẵng, Huế.
Ngày 31-5-1966, nữ sinh Nguyễn Thị Vân, 17 tuổi, tự thiêu tại chùa Tỉnh Hội, Huế, phản đối Hoa Kỳ và Chính phủ độc tài Thiệu- Kỳ.
Tại Đà Lạt, 1 nhà sư tự thiêu, một nữ tín đồ chặt tay.
Trong lúc các vụ tự thiêu gia tăng nhưng lúc này, nhân dân nói chung ít hưởng ứng các vụ tự thiêu. Một tín đồ Phật giáo giải thích rằng năm 1963, mọi người đều bị kích động bởi các vụ tự thiêu nhưng bây giờ dù có 100 nhà sư tự thiêu đi nữa thì dân chúng sẽ nhìn nhận theo cách khác. Năm 1963 họ được toàn dân và cả thế giới ủng hộ. Mặt khác, Nguyễn Cao Kỳ tuy không được lòng dân nhưng lại rất linh hoạt và sẵn sàng thỏa hiệp chứ không cứng rắn như Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đối với Phật giáo.
Ngày 1-6-1966, Nguyễn Cao Kỳ thông báo tăng thêm 10 nhân vật dân sự vào Chính phủ và chuẩn bị bầu cử vào 11-9-1966.
Ngày 3-6-1966, Thích Tâm Châu xin từ chức Viện trưởng Viện Hóa Đạo, để gây áp lực với Phật giáo chấp nhận tư tưởng thỏa hiệp của ông. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố vẫn đứng ngoài mọi rắc rối. Tại Viện Hóa Đạo, ni cô Bảo Luân tự thiêu.
Tại Hoa Kỳ, Thích Nhất Hạnh tuyên bố chủ trương 5 điểm của Phật giáo: Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ phải từ chức; Quân Mỹ phải rút lui; Ngừng ném bom miền Bắc; Giúp lập Chính phủ dân sự; Giúp tái thiết miền Nam.
Ngày 4-6-1966, tại Quảng Trị, một học tăng 15 tuổi tự thiêu và hơn 200 người biểu tình chống Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ.
Lễ Phật đản 2510 không được tổ chức. Đến lúc này đã có 7 vụ tự thiêu và Thích Trí Quang tiếp tục lên án Hoa Kỳ, tẩy chay bầu cử, ông nói sẽ không chấp nhận một cuộc bầu cử “do bàn tay vấy máu của những kẻ giết hại dân chúng ở Đà Nẵng tổ chức”.Từ ngày 6-6-1966, một hình thức đấu tranh mới được Thích Trí Quang áp dụng, ông kêu gọi đem bàn thờ Phật ra phố. Phong trào được hưởng ứng và bàn thờ chùa chiền và cả ở các gia đình được đem bày ra chật các ngả đường tại Huế. Phật giáo Sài Gòn cũng có sự hưởng ứng.
Tại Huế, vẫn có hàng nghìn người biểu tình ủng hộ giới Phật giáo. Nhìn chung, các hình thức tự thiêu và đem bàn thờ ra phố ít hiệu quả.
Lấy cớ hoạt động của Phật giáo có lợi cho cộng sản, Đại tá cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan đem binh lính đàn áp đạp bàn thờ, đập phá tượng Phật.
Phật tử tại Huế bày bàn thờ Phật ra đường phản đối chính quyền Sài Gòn
đàn áp Phật giáo (Ảnh tư liệu AP)
Ngày 16-6, một cuộc tiến công của 2.500 binh lính vào những người thuộc Viện Đại học Huế và nhóm quân đội Sài Gòn ly khai, quân ly khai nhanh chóng bị cảnh sát và quân đội đè bẹp.
Quân lính tại Sài Gòn được lệnh nổ súng vào biểu tình bạo động. Tại Viện Hóa Đạo, nữ Phật tử Đào Thị Tuyết, 18 tuổi, tự thiêu. Thích Trí Quang vẫn tuyệt thực, sau đó bị bắt đưa về Sài Gòn quản thúc. Thời gian này nhiều Phật tử bị đày ra Côn Đảo, bị bắt nhập ngũ, bị giam cầm tra tấn.
Ngày 23-6-1966, một cuộc tiến công chớp nhoáng của biệt động quân vào Viện Hóa Đạo tại Sài Gòn, bắt đi hơn 150 tăng ni, Phật tử. Thích Tâm Châu ly khái nhóm Phật giáo chiến đấu. Thích Trí Quang và Thích Thiện Minh trong bệnh viện, phong trào Phật giáo không còn người lãnh đạo.
Sau những tháng ngày quyết liệt, cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam chống Chính phủ quân sự Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ chấm dứt. Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ củng cố quyền lực.
Ngày 11-9-1966, cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến Việt Nam Cộng hòa được tổ chức, Phật giáo miền Nam có 34 đại diện danh nghĩa trong Quốc hội này. Hơn một năm sau đó, cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp Việt Nam Cộng hòa được tiến hành và nền Đệ nhị cộng hòa cuối cùng đã được thành lập vào cuối năm 1967.
Phong trào đấu tranh của tín đồ Phật giáo là một bộ phận trong phong trào thành thị chống sự xâm lược của Hoa Kỳ và chính quyền tay sai. Tính chung cả năm 1966 có 3,8 triệu lượt người xuống đường đấu tranh trực diện, trong đó cao trào đấu tranh 100 ngày từ tháng 3 đến tháng 6-1966. Đặc điểm của cao trào là diễn ra lâu dài và ác liệt, rộng khắp, đông đảo thành phần tham gia. Riêng trong tháng 6-1966 có 80 vạn lượt người tham gia đấu tranh. Lớn nhất là cuộc biểu tình, tuần hành ở Huế bao gồm một nửa dân số thành phố trong đó có 15.000 binh llính và công chức chính quyền Sài Gòn. Năm tỉnh Trung Bộ, nhất là Đà Nẵng và Huế đã có sự ly khai chính quyền Sài Gòn. Lực lượng này nắm hầu hết các quyền hành quân sự, một phần quyền hành dân sự, chiếm đài phát thanh, tuyên truyền chống Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ.
Cuộc đấu tranh hết sức mạnh mẽ của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam là một nguyên nhân tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị đối với chế độ tay sai Mỹ tại miền Nam, “góp phần quan trọng trong việc lật đổ Diệm-Nhu đầu những năm 1960 và liên tục đấu tranh chống địch, với những vị chân tu có uy tín như Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Ni sư Huỳnh Liên, Hòa thượng Thích Đôn Hậu… khẳng định truyền thống gắn liền đạo pháp và dân tộc”[1].
Đã từng đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày nay, đồng bào theo đạo Phật tiếp tục là một lực lượng to lớn và quan trọng trong khối đại đoàn kết của dân tộc, cùng đồng bào các dân tộc, các tôn giáo tiến hành sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lê Minh
[1] Chung một bóng cờ (về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 110