1. “Người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất”.
Ngày 5-5-1818, C.Mác chào đời trong gia đình luật sư người Do Thái ở Vương quốc Phổ (thuộc Cộng hòa liên bang Đức ngày nay). Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đang lan tỏa mạnh mẽ từ châu Âu sang châu Á, Phi, Mỹ Latinh, lại bôn ba hoạt động ở nhiều nước Tây Âu, chứng kiến sự bần cùng của lao động làm thuê và sự bất công của xã hội tư bản, từ đó càng thôi thúc ở C.Mác khát vọng và hoài bão giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Năm 17 tuổi, C.Mác đã có lập luận mang tầm một nhà khoa học lớn, phê phán việc chọn nghề trên cơ sở quyền lợi ích kỷ hoặc thuần túy vật chất. Bởi vì theo C.Mác, “Lịch sử thừa nhận vĩ nhân là những người làm việc cho mục đích chung…, người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất… Sự nghiệp của ta sẽ tồn tại, chẳng ầm ĩ, nhưng mãi mãi là cuộc sống có ích và trên di hài của ta sẽ có những con người cao quý nhỏ những giọt nước mắt nóng hổi”[1].
Các Mác (1818 - 1883)
Khi còn học đại học, C.Mác tích cực hoạt động, nghiên cứu tác phẩm của Hêghen; 23 tuổi nhận học vị tiến sĩ triết học[2]; sau đó tích cực hoạt động cách mạng, rời nước Phổ sang Pháp, rồi bị trục xuất khỏi Pháp 2 lần lúc 31 tuổi, cuối cùng sang Anh cho đến cuối đời. Trong hành trình ấy, C.Mác và Ph.Ăngghen gặp nhau, trở thành đôi bạn thân thiết trong hoạt động lý luận và thực tiễn, cùng viết nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Một trong những kết quả hợp tác đó là tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời tháng 2-1848, đánh dấu việc xác lập chủ nghĩa xã hội khoa học, là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
C.Mác là “nhân vật tín nhiệm của phong trào công nhân quốc tế”[3]và là “linh hồn” của Quốc tế I, đưa lý luận thâm nhập vào phong trào công nhân; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, bọn vô chính phủ, kiên trì bảo vệ các luận điểm của mình. Cuộc sống lưu vong nghèo khó cộng với bệnh tật, nhưng C.Mác vẫn hoạt động bền bỉ đến hơi thở cuối cùng. Năm 1867, tập đầu bộ Tư bản ra đời, “giáng cho giai cấp tư sản một đòn chí tử trong lĩnh vực lý luận, khiến cho nó không bao giờ có thể hồi phục lại được”[4]. Từ năm 1871 với Công xã Pari, C.Mác sát cánh với người dân Pari sẵn sàng “xông lên chọc trời”, chứng kiến thành quả lý luận bước đầu đơm hoa kết trái. Từ đó đến cuối đời (năm 1883), C.Mác tiếp tục dành toàn bộ trí lực cho lý tưởng cộng sản, hoàn thành các quyển tiếp theo của bộ Tư bản.
Ngày 14-3-1883, C.Mác yên giấc nghìn thu trên chiếc ghế bành bên cạnh bàn làm việc. Trong nỗi đau buồn tiếc thương vô hạn, Ph.Ăngghen viết: Con người ấy mất đi, thật không sao có thể lường cho hết tổn thất đối với giai cấp vô sản chiến đấu của châu Âu và châu Mỹ, tổn thất đối với khoa học lịch sử... Tên tuổi và sự nghiệp của Mác sẽ sống mãi nghìn thu[5].
2. Trọn đời vì lý tưởng cộng sản
C.Mác đã cống hiến trọn đời vì lý tưởng cộng sản. Trong di sản tư tưởng lý luận đồ sộ ấy để lại cho nhân loại, có phép biện chứng duy vật - linh hồn sống của chủ nghĩa Mác, là cơ sở phương pháp luận đối với nhận thức và hoạt động thực tiễn, trong đó có thực tiễn cách mạng[6].
Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào xem xét lịch sử xã hội, C.Mác sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử mà như V.I. Lênin đánh giá: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”[7]. Từ quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử, C.Mác xây dựng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội vào phân tích xã hội tư bản, C.Mác tìm ra quy luật phát sinh, phát triển, diệt vong của nó; dự báo sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh phép biện chứng duy vật, C.Mác đưa ra học thuyết giá trị thặng dư, thực hiện cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh tế chính trị học. Nhờ đó, C.Mác mới có thể thuyết giải một cách triệt để, tường minh sự phát sinh, phát triển, diệt vong của chủ nghĩa tư bản; vị trí kinh tế - xã hội của giai cấp vô sản trong xã hội tư bản; nội dung, bản chất sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Và cũng từ đó, C.Mác cùng với Ph.Ănggen sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học - một trong ba bộ phận của chủ nghĩa Mác-Lênin, soi đường cho cách mạng xã hội chủ nghĩa giải phóng nhân loại khỏi chế độ tư hữu, áp bức, bất công, nghèo nàn, lạc hậu.
Học thuyết Mác được V.I.Lênin bổ sung, phát triển, được các nhà mác xít vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể đất nước mình, đưa đến những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã hiện thực hoá chủ nghĩa Mác. Ảnh tư liệu
Từ thực tiễn cách mạng ở Pháp, ra đời Công xã Pari năm 1871 tới thành công của Cách mạng Tháng Mười năm 1917 và từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, xuất hiện các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, ở châu Á, châu Mỹ La tinh, đưa chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống thế giới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô sát cánh với phong trào cách mạng thế giới, ủng hộ vật chất và tinh thần, củng cố niềm tin, là tường thành vững chắc đối phó và ngăn cản sự chống phá của các thế lực đối lập. Điều này, không chỉ làm thay đổi cục diện địa - chính trị thế giới, đảo lộn nhận thức về thế giới, mà còn thiết lập quan niệm sống và lối sống mới trên nguyên tắc độc lập, tự do, bình đẳng, xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công. Ngay cả sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, trong khi Mỹ và nhiều nước công nghiệp phát triển đương đầu với hậu quả khủng hoảng kinh tế, tài chính, nhiều chuyên gia kinh tế phương Tây tìm đến học thuyết C.Mác làm cơ sở lý luận và phương pháp luận để vạch chiến lược thoát khỏi tâm điểm khủng hoảng.
3. Vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử mới
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam cơ bản hình thành và trong quá trình vận động cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện dần, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu, lệ thuộc, không có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành đất nước độc lập, tự chủ và ngày nay đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, triển vọng phát triển đất nước chưa bao giờ tươi sáng như trong giai đoạn hiện nay.
Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay. Ảnh: Internet
Kiên định lý tưởng của C.Mác, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, trước hết chúng ta cần nhận thức đúng bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn cách mạng, tránh máy móc, giáo điều. Cần phân biệt luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đúng đắn từ lúc mới ra đời và cho đến nay vẫn đúng; luận điểm đúng và phù hợp trong điều kiện lịch sử lúc đó nhưng đến nay cần được bổ sung, phát triển; luận điểm đúng nhưng do hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ, nên vận dụng không đúng; vấn đề mà chủ nghĩa Mác-Lênin chưa đề cập đầy đủ hoặc chưa từng đề cập. Đồng thời, phải kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cả trái tim và khối óc.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, chủ nghĩa Mác -Lênin không ít lần bị đòi “nhìn nhận, xem xét lại” và cuộc đấu tranh hệ tư tưởng đó diễn ra từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin mới ra đời. Đặc biệt, lợi dụng sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhiều nhà tư tưởng tư sản và bọn xét lại, cơ hội, thù địch càng xuyên tạc, phủ định giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng thực tiễn chứng minh chủ nghĩa Mác - Lênin đã, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Vì thực tiễn luôn biến đổi và phát triển, nên lý luận Mác-Lênin cần được bổ sung, đổi mới, phát triển. Chính C.Mác và Ph.Ăng ghen đã từng chỉ rõ,“lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc”[8]. Lãnh tụ V.I.Lênin cũng căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng, lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người chủ nghĩa xã hội cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn lạc hậu trước cuộc sống”[9]. Đến Nguyễn Ái Quốc, từ cuối năm 1924 đã khẳng định: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”[10].
Di sản của C.Mác đã, đang và sẽ là tư tưởng chủ đạo của thời đại ngày nay. Càng tìm hiểu chủ nghĩa Mác, chúng ta càng yêu chủ nghĩa xã hội, thêm kính trọng công lao, bảo vệ và phát huy di sản của C.Mác trong thời đại ngày nay. Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn nguyện trung thành vô hạn với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của mỗi người, tự hào là người mácxít chân chính.
[1]C. Mác tiểu sử, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.15-18.
[2]Ê. Stêpanôva: C.Mác tiểu sử sơ lược, Nxb Ngoại ngữ Mátxcơva, tr.10
[3]C.Mác tiểu sử, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.417.
[4]C.Mác tiểu sử, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.414.
[5]C.Mác tiểu sử, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.557.
[6]Trần Chí Mỹ cùng nhiều tác giả: Vấn đề chủ nghĩa xã hội khoa học trong tác phẩm của C.Mác, Ph. Ănghen, V.I. Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.233.
[7]V.I.Lênin: Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.53.
[8]Trần Chí Mỹ cùng nhiều tác giả: Vấn đề Chủ nghĩa xã hội khoa học trong tác phẩm của C.Mác, Ph. Ănghen, V.I. Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.392.
[9]V.I. Lênin: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.232
[10]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.509.
Lê Mật