Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam ta đã có tinh thần yêu nước, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo. Hiếu học là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Người dân Việt Nam luôn nhận thức được đi học là một hạnh phúc lớn lao. Điều này được thể hiện trong tác phẩm Quốc âm thi tập của Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi: “Nên thợ, nên thầy vì có học/ No cơm, ấm áo bởi hay làm”.
Hiếu học - truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam
Nếu đánh giặc, giữ nước là truyền thống ra đời và phát triển mạnh mẽ khi Tổ quốc lâm nguy, thì hiếu học là biểu hiện sâu sắc của tinh thần yêu nước nồng nàn, góp phần phát triển thịnh vượng đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình. Sự học chính là cái gốc, là nền tảng của mọi thành công, giúp cho quốc gia phát triển, là cơ sở để con người đạt tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Bản chất hiếu học của dân tộc Việt Nam: Dân tộc Việt Nam được ngợi ca là một dân tộc hiếu học. Tinh thần hiếu học được thể hiện xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Hiếu học là một biểu hiện của khát khao tri thức rất tự nhiên của con người. Hiếu học xem sự học là trách nhiệm thiêng liêng, là tự nguyện, là đạo lý làm người “nhân bất học, bất tri lý”. Học để vươn lên khắc phục hoàn cảnh khó khăn, sáng tạo, cầu học để cầu tiến, để cùng nhau tiến bộ, phát triển, xây dựng đất nước.
Con đường trí tuệ là con đường từ ngàn xưa cho đến nay, nhân loại luôn hướng đến bởi đây là con đường duy nhất đạt được chân, thiện mỹ, ích. Tìm hiểu lịch sử giáo dục Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy dân tộc Việt Nam ta có truyền thống hiếu học từ lâu đời: Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Thân Nhân Trung cùng các quan bộ lễ tiến hành viết các bài văn bia để khắc vào các bia tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam hiện đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi viết về mục đích các khoa thi, Thân Nhân Trung đã nêu bật được tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với việc hưng thịnh của đất nước: “...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.
Kế tiếp các gương hiếu học đã để lại nhiều hiền nhân của đất nước, được thế giới thán phục. Mạc Đĩnh Chi được xem là lưỡng quốc trạng nguyên, trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Trung Quốc thán phục là nhà thông thái An Nam lý số hữu trình tuyền, nhà mưu lược Nguyễn Trãi, nhà bác học Lê Quý Đôn, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh… Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng và phát triển giáo dục, ngay trong chiến khu, thời kháng Pháp. Thời thực dân phong kiến, Nguyễn Mạnh Tường trong hai năm, đỗ hai bằng tiến sĩ bên nước Pháp.
Thời kháng chiến chống Mỹ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa cải tiến vũ khí do Liên Xô viện trợ, bắn rơi máy bay B52 của Mỹ. Gần đây giáo sư Ngô Bảo Châu đạt Huy chương Fields về Toán học cùng hàng triệu giáo sư, phó giáo sư, các nhà khoa học của Việt Nam đã làm rạng danh truyền thống hiếu học của Việt Nam ta với tinh thần “cầu học, cầu tiến, cầu thị”, “học, học nữa, học mãi”, “tôn sư trọng đạo”, “không thầy đố mày làm nên”. Sẵn sàng tiếp thu cái mới, cái tiến bộ từ bên ngoài, để tạo ra những giá trị tinh hoa của người Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc học, hiếu học
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học và nét đẹp truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cập đến tính thiết thực, cấp bách về sự học. “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể; Giai cấp và nhân dân; Tổ quốc và nhân loại”. Tinh thần đó được thể hiện trên mấy nét sau.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc học tập giáo dục, lấy sự học làm cơ sở, phương cách để kiến thiết Tổ quốc, mang lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân: Tháng 9 năm 1945, nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã gửi thư đến tất cả các em học sinh với lời nhắn nhủ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”; Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch xoá mù chữ, giệt giặc dốt. Bác nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Qua bài viết “Chống nạn thất học”, Người đã đề cao vai trò về sự phải hiểu biết của toàn nhân dân đối với việc xây dựng đất nước: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Bác động viên, khích lệ đồng bào: “Đi học là yêu nước” và ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, mở ra cơ hội tiếp cận sự nghiệp học và dạy cho nhân dân ta; Ngày 13 tháng 9 năm 1958, nói chuyện tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Sự nghiệp “trồng người” theo quan điểm của Bác là một điều mang tầm vóc, chiến lược, cơ bản lâu dài, nhưng luôn cấp bách ở mọi thời đại.
Hai là, mục đích của sự học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân: Nếu như trong các triểu đại phong kiến, nhân dân ta đã có truyền thống hiếu học lâu đời, nhưng mục đích của sự học thời kỳ này mới chỉ là một phương tiện để đổi đời, để làm quan, để chờ một ngày “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”, thoát khỏi cảnh nghèo khó, bần hàn, nhằm hướng tới - vinh hoa phú quý, bảng vàng, tiền tài danh lợi. Với tư tưởng cách mạng đầy tính nhân văn, bác ái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được lợi ích của việc học lớn hơn nhiều. Học để “phụng sự” tức là làm việc, là lãnh nhận sứ mệnh trước toàn dân, đồng bào, là cống hiến, đặt cái lợi ích vĩ đại của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu. Điều này được ghi trong sổ vàng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (nguyên là Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương): “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể; Giai cấp và nhân dân; Tổ quốc và nhân loại”…
Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học. Học để đạt được tri thức đúng đắn phụng sự đấu tranh cách mạng, vì sự vẻ vang của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời đã bắt gặp xu thế của thời đại khi trên thế giới giáo dục và đào tạo đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phát huy truyền thống hiếu học của người Việt Nam
Kế tục và phát huy tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chủ trương khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên toàn dân tham gia học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quyết định sự phát triển hưng thịnh đất nước. Từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta cũng đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Đảng đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về phát huy tinh thần hiếu học của dân tộc như: Chỉ thị 50/CT-TW ngày 24/08/1999 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội khuyến học Việt Nam”; Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”… Đó cũng chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ đổi mới.
Hiện nay, để hội nhập nhanh và bền vững, chúng ta nhận thấy việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài là những nội dung không thể thiếu trong chiến lược phát triển đất nước. Với truyền thống hiếu học của dân ta, để thực hiện thành công quốc sách hàng đầu về phát triển giáo dục thì cần thiết phải thực hiện tốt chủ trương “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, đảm bảo mục tiêu “học thật, thi thật để ra đời làm thật”. Truyền thống hiếu học ấy, được nhân dân ta vận dụng vào thực tiễn quá trình học.
Tuy nhiên để đạt được những kết quả tốt đẹp, vai trò của người thầy giáo luôn cần được khẳng định “Không thầy đố mày làm nên”. Dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Nhà giáo chính là lớp người tiêu biểu cho gương mặt văn hóa của dân tộc và thời đại. Vì vậy, nghề dạy học cũng đặt ra và đòi hỏi nhà giáo phải có một nhân cách hoàn hảo, tài đức vẹn toàn, luôn không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất. Hơn lúc nào hết chúng ta cần xây dựng được đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra nhằm thực hiện thành công sự nghiệp “trồng người”.
Con đường trí tuệ là con đường từ ngàn xưa cho đến nay, nhân loại luôn hướng đến bởi đó là con đường duy nhất giúp cho chúng ta đạt được Chân - Thiện - Mỹ. Mọi sự thành công chính đáng, bền vững đều bắt nguồn từ kết quả của quá trình học tập, tu dưỡng. Nghề nào cũng vậy, cũng cần phải có học, có học mới tinh thông được nghề nghiệp, mới phát triển được bản thân, mới phụng sự được đất nước.
Huy Lệ