Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thời đại của hòa bình, hợp tác và nhân quyền. Việc sử dụng và lạm dụng sức mạnh cứng (uy hiếp về quân sự, ép buộc bằng kinh tế, áp đặt bằng luật lệ, quy tắc) để giải quyết mâu thuẫn, nhằm đạt được mục tiêu của “kẻ mạnh” nhiều khi không phát huy được tác dụng, thậm chí còn chuốc lấy thất bại, dễ vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế và đứng trước rủi ro bị cô lập, bị cảnh giác, làm suy giảm vị thế, uy tín, hình ảnh của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong khi đó, sức mạnh mềm ngày càng có vai trò quan trọng để phát triển, phát huy tầm ảnh hưởng của quốc gia đó trên thế giới, cũng như tạo ra sức lôi cuốn và đồng thuận xã hội trong chính nội bộ quốc gia.
Có thể hiểu,sức mạnh mềm là khả năng tạo ra sức mạnh bằng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, động viên, khuyến khích, nhằm hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút đối phương (có thể là các nước, giai cấp, dân tộc, cộng đồng) khiến họ tin tưởng, tự nguyện thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mình muốn. Sức mạnh mềm vì thế có giá trị tự thân, mang tính cảm hóa, tạo khả năng quy tụ, tập hợp lực lượng, sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, tạo nên chí khí dân tộc. Đối với một quốc gia, sức mạnh mềm tồn tại ngay trong văn hóa, các giá trị và chính sách của mình.
“Sức mạnh mềm” linh hoạt trong ngoại giao, văn hóa, kinh tế, chính trị... đã tạo nên uy tín, vị thế, tầm cao mới cho Việt Nam. Ảnh: Internet.
Nhận thức được điều này, nhiều nước trên thế giới đã chú trọng hơn đến việc triển khai sức mạnh mềm như một phương thức cơ bản để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Là siêu cường về kinh tế, quân sự, cùng với sự phát triển vượt bậc về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, nước Mỹ luôn được xem là một trong những quốc gia có ảnh hưởng nhất trên thế giới, có tiếng nói quyết định trên các diễn đàn chính trị thế giới. Những giá trị Mỹ (như dân chủ, tự do, văn hóa, giáo dục...) trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt trên toàn cầu, khiến rất nhiều người trên thế giới mong muốn được đặt chân đến xứ sở cờ hoa, được sinh sống, học tập trên đất Mỹ - đó chính là sức mạnh mềm mà Mỹ đã tạo ra.
Trong khi đó, ngay tại châu Á, nhiều quốc gia đã thành công với việc phát huy sức mạnh mềm, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển quốc gia, đồng thời vươn ra biển lớn và nâng cao vị thế đất nước. Hàn Quốc xây dựng sức mạnh mềm với trụ cột là phát triển công nghiệp văn hóa, gắn với các mục tiêu khác của đất nước, gắn chính sách đối nội với đối ngoại, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, mà còn là công cụ đắc lực phục vụ cho mục tiêu quốc gia của Hàn Quốc, nhất là đưa văn hóa, hình ảnh đất nước Hàn Quốc lan tỏa ra khu vực và thế giới.
Singapo đã phát triển trở thành một trong những trung tâm thương mại hàng đầu thế giới với thương hiệu của một xã hội trật tự, ổn định và phát triển. Sở dĩ có được những kết quả này là bởi Singapo đã triển khai chiến lược sức mạnh mềm mạnh mẽ, từ việc triển khai chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, khả năng quản lý đất nước đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thu hút nguồn vốn để phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc những thập kỉ qua thật sự gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, khiến thế giới nể phục, thậm chí là dè chừng. Cùng với việc chú trọng củng cố sức mạnh cứng, Trung Quốc đang triển khai sức mạnh mềm một cách bài bản. Cụ thể, những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh việc viện trợ kinh tế thông qua chính sách “Một vành đai, một con đường”, đầu tư vào các châu lục để “thâu tóm” các công ty có giá trị thương hiệu và uy tín của các nước. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực văn hóa, Chính phủ Trung Quốc đã phát triển khoảng 500 Học viện Khổng giáo và hơn 1.000 lớp học Khổng Tử tại các trường học trên khắp thế giới để dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc; hoặc tài trợ tổ chức các chuyến thăm cho các nhà lãnh đạo trẻ của nước ngoài đến Trung Quốc. Ngày nay, vị thế của Trung Quốc là không thể phủ nhận.
Đối với Việt Nam hiện nay, xây dựng và phát huy sức mạnh mềm có ý nghĩa to lớn. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cũng như những thành tựu của 35năm đổi mới có đóng góp của nhiều yếu tố, trong đó, không thể không nói tới yếu tố sức mạnh mềm, đặc biệt là sức mạnh của truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết, tính cố kết cộng đồng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Việt Nam đã xây dựng hình ảnh của một quốc gia yêu chuộng hoà bình, với chính trị ổn định, môi trường thân thiện, không chỉ góp phần thu hút đầu tư mà còn là điểm đến của nhiều chương trình, hội nghị, sự kiện quốc tế lớn. Cũng chính vì vậy mà thành phố Hà Nội được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên từ ngày 27 đến ngày 28/02/2019.
Tháng 11/2020, Công ty tài chính Brand Finance đã đánh giá giá trị thương hiệu của các nước năm 2020 - một chỉ số dựa trên sức mạnh tổng hợp mọi mặt của một quốc gia, theo đó giá trị của hầu hết các nước, trong đó có cả những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đều bị suy giảm, riêng giá trị thương hiệu Việt Nam tăng 29%, từ 247 tỷ lên 319 tỷ USD, đứng vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, được đánh giá là tăng với tốc độ rất nhanh bất chấp xu thế chung của toàn cầu.
Tái hiện hình ảnh Hội quân trên sông Lục Đầu tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Internet.
Chính sự tăng trưởng về kinh tế, ổn định về chính trị, cùng với thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19 đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế như một quốc gia có khả năng đẩy lùi các mối đe dọa nghiêm trọng. Có được thành công ấy là nhờ công tác ứng phó và chủ động phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam; và đặc biệt quan trọng đó là sự đồng thuận của người dân Việt Nam. Không những vậy, cách ứng phó trong đại dịch đã khiến bạn bè quốc tế ấn tượng, thán phục, qua đó truyền đi thông điệp về một Việt Nam nhân văn, đặt con người lên trên hết.
Bên cạnh đó, văn hóa chính là một trong những sức mạnh mềm đặc biệt. Những giá trị văn hóa, tư tưởng, triết lý, nhân sinh quan của Việt Nam luôn có sự tương đồng với những giá trị mà thế giới cũng đều đang chia sẻ và hướng tới. Đây là nền tảng thuận lợi để chúng ta tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, qua đó phát huy sức mạnh mềm của dân tộc, đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước. Sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam đến từ những giá trị vật thể, danh lam thắng cảnh; những giá trị tinh thần như lòng yêu nước, ý chí quật cường, bền bỉ đấu tranh giành độc lập, truyền thống đoàn kết cộng đồng, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, tinh thần yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, khoan dung. Phát huy các giá trị tinh thần ấy, biến nó thành sức mạnh, thành nội lực, động lực quan trọng có vai trò quyết định đối với thành công của quá trình đổi mới và hội nhập, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Muốn hiện thực hoá mục tiêu ấy, chúng ta không thể không chú ý đến việc xây dựng, phát huy sức mạnh mềm, tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, như Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”.
Thành Nhật