Nhìn nhận lại thực trạng phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bảo vệ môi trường thời gian qua
Trong Nghị quyết số 41, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với đấ nước thời gian qua. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”, nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao; việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đáng chú ý, đội ngũ doanh nhân nước ta đã ý thức ngày càng rõ trách nhiệm xã hội với bảo vệ môi trường. Điển hình là nhiều doanh nghiệp đã cam kết bảo vệ tài nguyên và môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như: Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam. Một số doanh nghiệp triển khai tích cực các hoạt động trồng cây xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, ra quân làm sạch biển, ra quân làm vệ sinh môi trường… trên phạm vi cả nước (Vinamilk, Panasonic, Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Unilever Việt Nam, Con Cưng, ABBank, Viettinbank, Heiniken…).
Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ: Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân. Thưc tế cho thấy, vẫn còn những doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Biểu hiện ở việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động sản xuất, kinh doanh; với những dây chuyền công nghệ cũ; lượng chất thải công nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh gây suy thoái, ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Có thể kể đến hàng loạt các vụ gây ô nhiễm môi trường từng làm bức xúc dư luận như: Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, dự án nhiệt điện than lớn đầu tiên của khu vực miền Nam đã gây phát tán bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; Công ty bột ngọt Vedan đã gây ra 80% - 90% ô nhiễm song Thị Vải, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai… Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở khu công nghiệp, các địa bàn tập trung đông dân cư.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó bao hàm cả những hạn chế, bất cập từ cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như từ ý thức, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân về bảo vệ môi trường. Có quy định chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, khả thi, chưa thực sự khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà kinh doanh tuân thủ; có quy định với chế tài xử lý chưa đủ mạnh khiến không ít doanh nhân, doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận mà coi thường những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Do đó, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để phát huy trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bảo vệ môi trường.
Giải pháp phát huy trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân trong bảo vệ môi trường
Nghị quyết 41 tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước thông qua quan điểm: Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Trong Nghị quyết số 41, để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta chủ trương: Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết cũng đưa ra một số định hướng để phát huy trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân trong bảo vệ môi trường như: Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng; giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường; lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hoá kinh doanh, vi phạm pháp luật.
Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, cần chú trọng đến một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, cần đẩy mạnh chủ trương phát triển doanh nghiệp bền vững. Đội ngũ doanh nhân đứng đầu các doanh nghiệp có trách nhiệm tìm kiếm và áp dụng các giải pháp phát triển kinh doanh bền vững thông qua việc sử dụng nguồn tài nguyên tái chế, ứng dụng công nghệ xanh, và phát triển sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Bằng cách tập trung vào sự phù hợp với môi trường, có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Hai là, tuân thủ quy định và chuẩn mực môi trường. Đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp của mình phải tuân thủ các quy định và chuẩn mực môi trường của khu vực hoạt động của họ. Điều này đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh được thực hiện theo cách không gây ô nhiễm và không gây thiệt hại đến môi trường. Ngoài ra, đội ngũ doanh nhân cần thể hiện sự chủ động trong việc đảm bảo việc tuân thủ quy định môi trường và tham gia vào các hoạt động cộng đồng liên quan để bảo vệ môi trường.
Ba là, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh bằng cách tài trợ và khuyến khích các dự án nghiên cứu về năng lượng tái tạo, giảm khí thải và xử lý chất thải, doanh nhân có thể đóng góp vào việc tạo ra các giải pháp tiên tiến và hiệu quả hơn để bảo vệ môi trường hoặc có thể đầu tư cho doanh nghiệp mình những chuỗi dây chuyền sản xuất vừa thân thiện với môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bốn là, trên cơ sở phát triển công nghệ xanh cần coi trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp xanh. Điều này bao gồm việc tạo ra nhận thức và sự cam kết từ phía công nhân viên về việc bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích các hoạt động và hành vi thân thiện với môi trường bằng cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp xanh, doanh nhân có thể truyền cảm hứng và tạo động lực cho công nhân viên và các đối tác kinh doanh khác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Năm là, đầu tư vào nhân lực và tư vấn chuyên môn. Các doanh nhân và doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên môn về môi trường. Đồng thời, họ cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công ty tư vấn môi trường có kinh nghiệm để cung cấp kiến thức kỹ thuật và luật pháp, cũng như cập nhật các công nghệ mới và tiêu chuẩn môi trường.
Phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm của tất cả các chủ thể kinh tế, trong đó có đội ngũ doanh nhân. Đây vừa là vấn đề mang tính pháp lý, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của đội ngũ doanh nhân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Minh Hà