Phóng viên (PV): Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 thắng lợi, cũng là tiền đề cho sự ra đời Quân đoàn 3, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Bá Lực: Đúng như vậy! Ngày 1-5-1964, theo quyết định của Bộ Chính trị, Mặt trận Tây Nguyên được thành lập nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng và đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên chiến trường quan trọng này. Các đơn vị của mặt trận đều ra đời từ kháng chiến chống Pháp và đang chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, Khu 5. Sau khi được thành lập, các đơn vị đã lập nhiều chiến công vang dội, như: Chiến thắng Plây Me, Đăk Tô-Tân Cảnh, Đức Lập, Đăk Siêng, Chư Nghé...
Đại tá Nguyễn Bá Lực. |
Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4-3 đến 3-4-1975, nhưng trên thực tế đến ngày 25-3-1975 địa bàn Tây Nguyên cơ bản đã được giải phóng. Song, quá trình tháo chạy khỏi Tây Nguyên, quân ngụy vẫn ngoan cố lập những phòng tuyến mới, co cụm, chống trả quyết liệt. Trước tình hình đó và để tiếp tục phát triển cuộc Tổng tiến công chiến lược theo chủ trương của Bộ Chính trị, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định số 54/QĐ-QĐ thành lập Quân đoàn 3.
PV: Thưa đồng chí, Quân đoàn 3 có thể vận dụng những bài học kinh nghiệm gì trong Chiến dịch Tây Nguyên vào nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập?
Đại tá Nguyễn Bá Lực: Chiến dịch Tây Nguyên, trong đó nổi bật là "đòn điểm huyệt" Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 đã cho thấy sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh về tất cả các mặt, từ việc chọn chiến trường, thời điểm, chọn vị trí đột phá cho đến chớp thời cơ phát triển chiến dịch để giành thắng lợi.
Chiến dịch Tây Nguyên đã để lại nhiều bài học quý giá và còn nguyên giá trị trong huấn luyện, diễn tập, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh nói chung, Quân đoàn 3 nói riêng. Đó là bài học chấp hành tuyệt đối sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, chủ động vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Bài học về sự sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng, phối hợp giữa lực lượng 3 thứ quân, phát huy vai trò của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tham gia chiến dịch... Đặc biệt, nghệ thuật nghi binh lừa địch trong Chiến dịch Tây Nguyên là một nét độc đáo, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật năm 2023. Ảnh: DANH QUANG |
PV: Cụ thể, Quân đoàn 3 đã triển khai, vận dụng những kinh nghiệm, bài học lịch sử đó ra sao?
Đại tá Nguyễn Bá Lực: Quán triệt quan điểm “Quá trình huấn luyện là quá trình truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta cho người học”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh giáo dục truyền thống, xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nghệ thuật quân sự Việt Nam cho cán bộ, chiến sĩ. Quân đoàn thực hiện chủ trương lãnh đạo “1 tập trung, 3 khâu đột phá”, trong đó có đột phá điều chỉnh lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Mọi cán bộ huấn luyện của Quân đoàn 3 đều được tập huấn, bồi dưỡng để vận dụng, truyền thụ các bài học lịch sử, kinh nghiệm chiến đấu trong quá trình huấn luyện, diễn tập.
Bộ tư lệnh Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện theo tình huống, nâng cao khả năng cơ động, vượt sông, huấn luyện bơi cho lực lượng tăng thiết giáp; huấn luyện ngụy trang, nghi binh, phòng tránh đánh trả; huấn luyện sát phương án, đối tượng, địa bàn tác chiến.
Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và từ bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Tây Nguyên, Quân đoàn tăng cường tổ chức diễn tập ở các cấp, có sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu quân, binh chủng và các lực lượng trong khu vực phòng thủ. Năm 2024, tập trung tổ chức tốt diễn tập chiến thuật hai bên (đối kháng) cấp đại đội, tiểu đoàn; diễn tập chỉ huy-tham mưu chiến dịch, diễn tập chỉ huy-cơ quan trên bản đồ và ngoài thực địa có bắn đạn thật, đạn hơi, thuốc nổ; diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật...
PV: Ngoài những nội dung trên, Quân đoàn 3 có giải pháp gì để nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu và xây dựng đơn vị, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Bá Lực: Trước khi bước vào huấn luyện năm 2024, Quân đoàn tổ chức hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện; tổ chức 143 lớp tập huấn cho hơn 96% cán bộ các cấp, trong đó có những nội dung tập huấn chuyên sâu theo từng chuyên ngành, binh chủng và phương pháp huấn luyện, làm cơ sở nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng. Toàn Quân đoàn đầu tư hơn 10 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công của bộ đội củng cố, làm mới thao trường, bãi tập, đồ dùng huấn luyện; đặc biệt có 353 sáng kiến, cải tiến có tính ứng dụng cao.
Đặc biệt, Quân đoàn 3 kiên trì thực hiện “3 thực chất” (dạy thực chất; học thực chất; kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất) trong từng nội dung huấn luyện và “5 yêu cầu” trong giáo dục chính trị (chủ động, toàn diện, thường xuyên, kiên trì, thiết thực, hiệu quả). Cùng với đó, tiếp tục triển khai, nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả cao, như: Chi bộ, đảng bộ “4 tốt”, “Ngày pháp luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, “5 chủ động” trong công tác tư tưởng, quản lý bộ đội... Đẩy mạnh công tác dân vận, tích cực tham gia xây dựng địa bàn vững mạnh, chăm lo gia đình chính sách, người có công, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo và phòng, chống thiên tai... Qua đó, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đoàn, xứng đáng với truyền thống “Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, tự lực”.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn QĐND