Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình”. Trong bối cảnh và tình hình hiện nay, việc phát huy vai trò của Hội người cao tuổi nói chung, người cao tuổi nói riêng trong mặt trận tư tưởng, định hướng dư luận xã hội là nhiệm vụ hết sức cần thiết, vừa kế thừa tinh thần của “Truyền thống Diên Hồng” vừa phát huy hào khí “Tuổi cao chí khí càng cao” của những người “giữ hồn cho dân tộc”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng – TTXVN)
Vì sao cần phát huy vai trò của người cao tuổi trong mặt trận tư tưởng và định hướng dư luận xã hội?
Người cao tuổi là một bộ phận quan trọng trong hệ thống cơ cấu dân số của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Trong quan niệm của người Việt Nam thì “tuổi tác” là một giá trị xã hội và người cao tuổi có vai trò quan trọng trong các mặt của đời sống như chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội và do đó hình thành nên thái độ ứng xử “dĩ xỉ tương nhường” (căn cứ vào tuổi tác mà nhường nhịn nhau; “ông sáu mươi phải hỏi ông sáu mốt”). Do đó, trong bối cảnh và tình hình hiện nay, việc phát huy giá trị, uy tín, vai trò của người cao tuổi càng phải được chú trọng, nhất là trên mặt trận tư tưởng, nhằm định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong phát triển đất nước.
Hơn thế nữa, với tất cả những kinh nghiệm sống - vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp - vốn xã hội, kinh nghiệm chấp chính - vốn chính trị, người cao tuổi (nhất là nhóm người từng công tác trong khu vực công, được hưởng chế độ hưu trí) chính là sự “hội tụ”, “tích lũy” những giá trị cuộc sống, giá trị nhân văn, giá trị xã hội; tính kiên định chính trị đã được tôi luyện, mài dũa trong của hoạt động thực tiễn. Do đó, tiếng nói của người cao tuổi (trong gia đình, cộng đồng, xã hội; trên các phương tiện truyền thông; trên các diễn đàn trong nước và quốc tế,…) có “sức nặng” và tính thuyết phục cao. Đặc biệt, trong mặt trận văn hóa, tư tưởng và định hướng dư luận xã hội, những động thái tích cực, có chủ đích của người cao tuổi sẽ “mở đường” và định hướng cho những luồng ý kiến, các phán xét, đánh giá, hành động từ các nhóm trong xã hội khác trong cộng đồng.
Thế nhưng, công bằng mà nói, Hội người cao tuổi (và các cấp Hội người cao tuổi – gọi tắt là “Tổ chức Hội”) trong thời gian qua, ngoài những thành tựu đạt được trong từng hoạt động cụ thể như các phong trào “Người cao tuổi mẫu mực”, “Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Người cao tuổi với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” nhưng sự “thiếu vắng” vai trò và tiếng nói của Tổ chức Hội trong mặt trận tư tưởng, trong định hướng dư luận xã hội tích cực, trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
…. Làm thế nào để “tiếng nói” của người cao tuổi trở thành vũ khí trong đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”[1]. Đây là nhiệm vụ chính trị hệ trọng cần có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, trong đó Tổ chức Hội người cao tuổi không phải là ngoại lệ.
Trước hết, cần phát huy tiếng nói của người cao tuổi trong gia đình, dòng tộc. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Người cao tuổi nước ta thực sự là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam”[2]. Thế nhưng với xu thế quy mô gia đình ngày càng thu hẹp theo hướng “hạt nhân hóa” thì khả năng “tương tác” giữa người cao tuổi (với tư cách là ông/bà; cha/mẹ) đối với thế hệ con cháu cũng theo đó mà “lỏng lẻo” hơn. Thông thường, với thời đại “công nghệ số” như hiện nay, vai trò và chức năng xã hội hóa của gia đình tương đối “mờ nhạt” mà thay vào đó là các mạng lưới truyền thông (đại chúng và xã hội) đã “lấn át” dần khả năng định hướng của người lớn tuổi đối các với thành viên trong gia đình. Quan sát thấy, các thông tin mà các thành viên trong gia đình “nhận được” (nhất là thế hệ trẻ hiện nay) thường không thông qua “bộ lọc” của người lớn và gia đình mà trực tiếp được tiếp nhận và “nội tâm hóa”, chuyển hóa thành hành vi, hành động. Điều này có tính hai mặt nhưng mặt trái là thật sự nguy hiểm, nhất là các thông tin xấu độc.
Thứ đến, cần định vị lại và phát huy vai trò của Tổ chức Hội trong các phong trào xã hội, trong các diễn đàn xã hội, nhất là trên các phương tiện truyền thông. Theo thống kê, cả nước có trên 77 nghìn câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên 2,5 triệu người cao tuổi tham gia[3], đó là cứ liệu và chỉ báo mang nhiều ý nghĩa. Thế nhưng, các hoạt động của Tổ chức Hội các cấp cần phải hướng hoạt động nhiều hơn nữa trong lĩnh vực định hướng dư luận xã hội. Bởi lẽ, tiếng nói và hành động của người cao tuổi luôn mang tính định hướng giá trị cao. Với tư cách là thành viên của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội người cao tuổi phải không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, cách thức lãnh đạo; xây dựng và hoàn thiện các thể chế trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tham gia tích cực trong các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia tích cực và có tiếng nói vào các diễn đàn xã hội, trong góp ý xây dựng, hoàn thiện các luật, bộ luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật trong điều kiện cho phép.
Thứ ba, củng cố và phát huy vai trò người cao tuổi trí thức, hình thành hệ giá trị xã hội đối với nhóm cao tuổi. Hiện nay, các thế lực thù địch thường “hướng mũi nhọn” vào các vấn đề xã hội nảy sinh và các nhóm xã hội “nhạy cảm” để “tạo hiệu ứng” và “mượn lời” để “nói thay”, trong đó nhóm người cao tuổi nói chung, người cao tuổi trí thức nói riêng là một ví dụ. Đối với người cao tuổi trí thức, một bộ phận tiếp tục tham gia cống hiến trên nhiều lĩnh vực, số còn lại thì “về vườn” nên quỹ thời gian tương đối lớn. Không ít người cao tuổi “tìm niềm vui” trên chiếc máy điện thoại mà chủ yếu là các mạng xã hội. Điều này cũng tốt nếu mang lại niềm vui cho họ, nhưng sẽ là tốt hơn khi chính người cao tuổi (và Tổ chức Hội) có sự định hướng dẫn dắt dư luận; gạt bỏ những tin xấu độc và nhân rộng những thông tin có lợi, tin tốt, phù hợp với thuần phong mỹ tục và xu hướng tích cực, góp phần đắc lực trong việc hình thành hệ ý thức xã hội, niềm tin xã hội, giá trị xã hội tiến bộ.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.181.
[2], 3 Xem Tạp chí Cộng sản: Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là rường cột của gia đình và xã hội, tại trang: https://dangcongsan.vn/tieu-diem/nguoi-cao-tuoi-la-von-quy-cua-dan-toc-la-ruong-cot-cua-gia-dinh-va-xa-hoi-602023.html
Phạm Đi