Tình hình phát triển du lịch ở tỉnh Tiền Giang thời gian qua
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 05/4/2017 về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung đầu tư phát triển 4 trung tâm du lịch. Tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, các khu dịch vụ vui chơi giải trí, xây dựng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nâng tầm quy mô các doanh nghiệp du lịch địa phương, cải thiện sức cạnh tranh và năng lực đầu tư, tạo ra sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng nhằm phục vụ du khách.
Du khách tham quan di tích Rạch Gầm - Xoài Mút
(Nguồn: baoapbac.vn)
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có trên 46 khu, điểm du lịch, trong đó có một số khu du lịch đặc sắc như Khu du lịch cù lao Thới Sơn - thành phố Mỹ Tho, Khu du lịch Cái Bè - Cai Lậy, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, Khu du lịch biển Tân Thành. Lượng khách du lịch hằng năm tăng mạnh. Năm 2017, có hơn 1.850.000 lượt du khách với 734.600 lượt du khách quốc tế đến Tiền Giang, tăng trên 8,0% so với năm 2016. Năm 2018, Tiền Giang đón 2.016.200 lượt du khách, tăng 8,98% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế có 811.249 lượt. Năm 2019, con số này là 2.138.217 lượt du khách với 850.290 lượt khách quốc tế. Sau 2 năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, năm 2022, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi ngành du lịch, giúp lượng du khách đạt 883.815 lượt, trong đó khách quốc tế là 80.945 lượt. Năm 2023, tỉnh Tiền Giang đón khoảng 1,45 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế khoảng 450 nghìn lượt.
Du khách đi thuyền tham quan Cù lao Thới Sơn
(Nguồn: internet)
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch ở tỉnh Tiền Giang cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng; sản phẩm du lịch còn trùng lắp, đơn điệu, chưa mang tính đặc thù, hạn chế về công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, hình ảnh; doanh nghiệp kinh doanh du lịch có quy mô vừa và nhỏ chiếm phần lớn, chưa có sự đầu tư lâu dài, chủ yếu khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch chưa bảo đảm tính bền vững; công tác quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế, chưa có sự phối hợp tốt để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch...
Để Tiền Giang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch
Thời gian tới, tỉnh cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển du lịch kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung phát triển các dự án du lịch trọng điểm để làm điểm đột phá, tạo điểm nhấn phát triển ngành du lịch Tiền Giang. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn và tăng cường thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển du lịch. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống điện, nước; tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương và huy động mọi nguồn lực tài chính của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các dự án phát triển du lịch. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn lao động ở các khu, điểm du lịch nhằm trang bị những kỹ năng kiến thức cần thiết để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Cảng du thuyền Mỹ Tho thuộc phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
(Nguồn: thtg.vn)
Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sông nước miệt vườn, gắn với đặc thù vùng cây ăn trái trên các cù lao và vùng dân cư nằm dọc sông Tiền, phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao,... bảo đảm phát triển bền vững. Tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch thường niên làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh gắn với phát triển du lịch 03 vùng, cụ thể như: Vùng Trung tâm - Lễ hội Văn hóa Du lịch; Vùng phía Tây - Lễ hội Văn hóa Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp; Vùng phía Đông - Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định.
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn, thể hiện đặc trưng của du lịch Tiền Giang, góp phần nâng cao hình ảnh trong khu vực và thế giới. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về du lịch nhằm mở rộng thị trường khách du lịch. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn trong du lịch; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng địa phương và khách du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Nguyễn Ngọc