Hợp tác xã – một chủ trương nhất quán và đúng đắn của Đảng
Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay đã khẳng định sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong đó, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng thành phần kinh tế tập thể. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) đã tiếp tục nhấn mạnh “phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế, trong đó phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã”.
Quốc hội đã hiện thực hóa chủ trương trên của Đảng với việc ban hành Luật Hợp tác xã năm 1996, năm 2003 và năm 2012 để hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hợp tác xã, thời gian vừa qua, Tây Nam Bộ đã có nhiều mô hình hợp tác xã làm ăn hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới trong toàn vùng.
Vùng Tây Nam Bộ gồm Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Tổng diện tích của cả vùng là 4.054,8 nghìn ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 2.616,5 nghìn ha.
Với địa hình bằng phẳng, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đất phù sa màu mỡ, khí hậu ôn hòa, đây là khu vực thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt cho sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Do đó, loại hình hợp tác xã chủ yếu ở vùng Tây Nam Bộ là hợp tác xã trong nông nghiệp.
Toàn vùng vẫn còn khá nhiều hộ nghèo, chiếm 18,7% trong cả nước. Để giải quyết bài toán này, một trong những biện pháp hữu hiệu là phát triển hợp tác xã theo hướng đa dạng ngành nghề, mang lại hiệu quả kinh tế, để vừa phát triển bền vững vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động.
Theo số liệu thống kê, Tây Nam Bộ hiện có hơn 1.600 hợp tác xã và hàng chục nghìn tổ hợp tác giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, giúp sản xuất nông nghiệp đi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.
Từ sau khi có Luật Hợp tác xã, các hợp tác xã trong vùng đã tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả các dịch vụ thiết yếu như điện, thủy lợi, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, làm đất, tín dụng nội bộ, tiêu thụ sản phẩm… theo hướng ngày càng gắn kết với kinh tế hộ xã viên.
Một số hợp tác xã mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất gắn kết với thương mại dịch vụ, tham gia vào các chương trình khuyến công, khuyến nông, đầu tư sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đăng ký thương hiệu sản phẩm, từ đó hợp tác xã hoạt động ổn định và phát triển.
Một số hợp tác xã đã trở thành đơn vị điển hình trong tỉnh và toàn quốc, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn. Sự liên kết trong sản xuất đã góp phần củng cố tính cộng đồng, tạo sự gắn bó hơn cả trong sản xuất và đời sống. Đối với thành viên, hợp tác xã đã thật sự đem đến nhiều lợi ích như: tăng lợi nhuận trên sản phẩm, ổn định được giá cả và tăng thu nhập cho thành viên qua sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt, từ khi có Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, các hợp tác xã ngày càng đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tại Tiền Giang, có 92 hợp tác xã thu hút 42.564 xã viên, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động thường xuyên và khoảng 11.000 lao động thời vụ. Các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm 28% tổng số hợp tác xã đã tạo việc làm cho trên 64% lao động. Tiêu biểu như hợp tác xã đan len xuất khẩu Chiến Thắng thu hút 437 lao động.
Tại Đồng Tháp, hợp tác xã nông nghiệp An Thạnh luôn chú ý cung cấp các dịch vụ thủy nông để đảm bảo phục vụ cho cây lúa cũng như các loại hoa màu khác. Tại Trà Vinh, hợp tác xã Rạch Lọp chuyên về dịch vụ nông nghiệp như bơm tát, khai thác quản lý chợ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, cung cấp đầu vào cho các thành viên trong lĩnh vực sản xuất lúa.
Tại Long An, hợp tác xã Gò Gòn đã trở thành 1 trong 57 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả như hợp tác xã thủy sản Thới An, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ; hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng; hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Tân Cường của tỉnh Đồng Tháp; hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (ở xã Vĩnh Trạch Ðông, thành phố Bạc Liêu) giải quyết việc làm cho gần 200 lao động vùng đồng bào Khmer; hợp tác xã nông nghiệp Long Điền 1 (Thành phố Cần Thơ), hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) v.v..
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thành công của các hợp tác xã nêu trên là thị trường đầu ra ổn định, giá cả đầu ra và đầu vào ít biến động, cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp và được xã viên đồng lòng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của chính quyền, đặc biệt là nhân lực, cũng đóng vai trò quan trọng; ví dụ các địa phương trong vùng đã hỗ trợ thu hút được lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc cho hợp tác xã.
Một số vấn đề đặt ra...
Tuy nhiên, một số vấn đề đặt ra đó là, bên cạnh những hợp tác xã làm ăn có hiệu quả thì còn một bộ phận không nhỏ hợp tác xã ở các tỉnh thành vùng Tây Nam Bộ làm ăn chưa hiệu quả, số hợp tác xã giải thể còn nhiều. Theo Báo cáo của Liên minh hợp tác xã các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng hợp tác xã quy mô nhỏ khá nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng.
Bình quân vốn trên hợp tác xã còn thấp. Lĩnh vực hoạt động chưa đa dạng, chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt. Trình độ nhân lực công nghệ cao chưa nhiều, trong sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc áp dụng những phương pháp truyền thống. Do nguồn vốn hạn hẹp, sản xuất manh mún nên các hợp tác xã cũng khó tiếp cận được những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại
Bên cạnh đó, trình độ quản lý của ban chủ nhiệm hợp tác xã cũng còn còn nhiều hạn chế; cơ chế quản trị hợp tác xã chưa được đổi mới thường xuyên, chưa có những cách làm tạo đột phá trong hoạt động, lợi ích mang lại cho người nông dân còn chưa cao…
Và hướng tiếp cận
Với những vấn đề đặt ra đó, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 và các mục tiêu phát triển hợp tác xã dài hạn hơn, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về vốn, cơ chế chính sách, luật pháp, xúc tiến thương mại, giáo dục đào tạo, tư vấn về thiết bị, công nghệ hiện đại... cho các hợp tác xã.
Cần tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho hợp tác xã trong nông nghiệp, khuyến khích và thực hiện rộng rãi việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông phẩm trực tiếp giữa doanh nghiệp và hợp tác xã và nông dân, phát triển hệ thống giao thông vận tải đảm bảo cho việc lưu thông hàng hóa được thông suốt.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể vùng Tây Nam Bộ cần đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, trong đó bộ phận quan trọng là hợp tác xã vào Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác hàng năm; quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Cùng với đó, Liên minh hợp tác xã các tỉnh thành vùng Tây Nam Bộ cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Tỉnh ủy, Đài phát thanh Truyền hình các tỉnh thành, các cơ quan thông tin, báo chí tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương về công tác đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng tới mọi tầng lớp nhân dân
Cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, để hoàn thiện và lựa chọn các mô hình hợp tác xã phù hợp với từng ngành, từng địa bàn trong vùng. Hướng tới xây dựng hợp tác xã với nhiều quy mô; đa dạng về hình thức tổ chức; đa dạng về thành viên tham gia; với nhiều cấp độ. Tăng cường các mối liên kết kinh tế giữa các hợp tác xã với nhau, giữa hợp tác xã với các tổ chức khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp khuyến nông, khuyến lâm; khuyến ngư phù hợp, gắn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ với nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân và các tổ hợp tác trong nông nghiệp.
Đặc biệt, về vấn đề con người, các cấp ủy, chính quyền cần làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này đáp ứng yêu cầu quản lý hợp tác xã trong thời kỳ hội nhập; không chỉ dừng lại ở đó, cần đồng thời ban hành và khuyến khích các hợp tác xã thực hiện những chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm giúp cho cán bộ và người lao động của hợp tác xã yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài./.
Khải Hoàng